Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) huấn luyện sát thực tế chiến đấu

Để nâng cao chất lượng huấn luyện sát yêu cầu, thực tế địa bàn, thời gian qua Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) chú trọng tập huấn, bồi dưỡng cán bộ các cấp, coi trọng huấn luyện đồng bộ, chuyên sâu theo từng chuyên ngành, nhiệm vụ của bộ đội công binh theo hướng 'chuyên nghiệp hóa' từng bộ phận; đồng thời, tăng cường huấn luyện thực hành, sát thực tế, giúp bộ đội thành thạo kỹ thuật, chiến thuật, làm chủ trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện, nhất là trong điều kiện ban đêm.

Công tác chuẩn bị ghép cầu phao PMP bảo đảm các phương tiện qua sông là nhiệm vụ quan trọng của bộ đội công binh khi có tình huống. Yêu cầu nhiệm vụ đòi hỏi phải khẩn trương, bí mật nên việc tổ chức luyện tập được đơn vị tổ chức thường xuyên.

“Sau khi nhận nhiệm vụ, Tổ trinh sát kỹ thuật nhanh chóng xác định vị trí bến vượt, đo đạc độ dốc, chất đất, độ sâu, vật cản dưới lòng sông, tốc độ dòng chảy và quy luật thủy triều. Đây là cơ sở giúp người chỉ huy tính toán được số lượng vật liệu để gia cố nền bến vượt, bảo đảm an toàn trong quá trình vượt sông”, Thượng úy Vũ Ngọc Thắng, Trung đội trưởng Trung đội Trinh sát, Phòng Tham mưu nêu phương pháp tiến hành.

 Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) luyện tập ghép cầu phao PMP.

Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) luyện tập ghép cầu phao PMP.

Khi đã đủ điều kiện, từng đốt phà PMP nhanh chóng được thả xuống mặt nước. Nhiệm vụ của cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn Vượt sông 4 là ghép các khí tài thành một chiếc phà có tải trọng lớn trong thời gian nhanh nhất. Thiếu tá Nguyễn Văn Đăng, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Vượt sông 4 cho biết: “Công việc khó khăn, đòi hỏi bộ đội phải có thể lực tốt và khả năng hiệp đồng chặt chẽ, đặc biệt là vượt qua mưa to, gió lớn. Khi thời tiết bất lợi, thao tác trên mặt phà rất dễ xảy ra mất an toàn, do vậy chúng tôi rèn luyện cho bộ đội bản lĩnh, kỹ năng, tính hiệp đồng, thống nhất giữa các số, các tổ, đặc biệt là nội dung đóng khóa mặt, khóa đáy”.

Nội dung huấn luyện chuyên ngành của bộ đội công binh trong điều kiện ban ngày đã khó, ban đêm lại càng phức tạp. Thao trường huấn luyện đêm, ngoài khẩu lệnh, bộ đội nhận nhau qua ánh đèn led nhiều màu, ký tín hiệu hiệp đồng. Một trong những thử thách của nội dung huấn luyện bố trí bãi vật cản là hành quân đường dài, mang vác nặng và thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện ánh sáng hạn chế nhằm bảo đảm yếu tố bí mật, bất ngờ. Trong quá trình hành quân, bộ đội còn xử trí tình huống chiến thuật pháo binh, không quân đánh phá vào đội hình hành quân.

Hành động của Trung đội Công binh bố trí bãi mìn trước tiền duyên phòng ngự.

Hành động của Trung đội Công binh bố trí bãi mìn trước tiền duyên phòng ngự.

Trung sĩ Nguyễn Trung Trí, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 2, Trung đội 2, Đại đội 10, Tiểu đoàn 4 chia sẻ kinh nghiệm: “Ban đêm thiếu ánh sáng, đường đi gập ghềnh, khi có tình huống tôi lệnh anh em ẩn nấp và cơ động lên đầu đội hình để nắm tình hình, nhận lệnh từ Trung đội trưởng. Để hoàn thành nội dung huấn luyện này, yếu tố sức khỏe là rất quan trọng, bởi các loại khí tài nặng, mang vác khó. Từ thực tế các tình huống giúp chúng tôi hiểu được hành động của đối phương trong tác chiến và rèn luyện khả năng xử trí linh hoạt cho bộ đội”.

Khi đến vị trí, phân đội khẩn trương triển khai đội hình tác nghiệp theo kế hoạch. Bãi vật cản nhanh chóng được xác định. Công tác phác họa vị trí và lắp đặt vật cản được thực hiện khẩn trương, thuần thục, tuân thủ nguyên tắc an toàn, bí mật. Trung sĩ Nguyễn Hữu Dương, Tiểu đội trưởng Tiểu đội 6, Trung đội 3, Đại đội 10, Tiểu đoàn 4 cho biết:“Khó nhất của nội dung này là điều kiện ban đêm, tầm nhìn hạn chế rất khó xác định vị trí; phải dùng tay để xác định vị trí, đo kích thước hố bố trí quả mìn. Đặc biệt, quá trình này, chúng tôi phải hết sức cảnh giác “hỏa lực địch” qua âm thanh tạo giả và ánh đèn tượng trưng như trong trận chiến đấu thật”.

Đại úy Đinh Tấn Tài, Phó đại đội trưởng Đại đội 10, Tiểu đoàn 4 nêu biện pháp: “Ban ngày, chúng tôi luyện tập cho bộ đội thuần thục từ động tác nhỏ đến nội dung lớn để khi huấn luyện ban đêm giúp chiến sĩ không bỡ ngỡ. Ví dụ như huấn luyện bộ đội xác định vị trí bố trí, kích thước quả mìn, phương hướng, vật chuẩn ban đêm; khi gặp tình huống pháo binh, trực thăng địch đánh phá hoặc địch sử dụng chất độc hóa học thì nhanh chóng ẩn nắp, bảo đảm an toàn. Quá trình huấn luyện, đơn vị quán triệt để bộ đội nắm, chấp hành nghiêm quy tắc an toàn, tổ chức luyện tập chặt chẽ, có cán bộ trung đội, đại đội theo dõi, hướng dẫn. Đồng thời, chúng tôi sử dụng mô hình học cụ để huấn luyện đêm, vật phát sáng giúp bộ đội dễ hành động nhưng vẫn giữ được yếu tố bí mật”.

Thực hành bố trí vật cản.

Thực hành bố trí vật cản.

Huấn luyện đêm là một trong những nội dung, phương pháp huấn luyện bảo đảm phù hợp, giúp bộ đội làm chủ vũ khí trang bị, thành thạo các loại hình chiến đấu, sát phương án tác chiến và nhiệm vụ của đơn vị. Đúc kết kinh nghiệm qua nhiều năm, Lữ đoàn Công binh 25 tập trung huấn luyện đội ngũ cán bộ thuần thục tác phong chỉ huy, phương pháp huấn luyện khoa học. Bên cạnh đó, đơn vị còn bố trí cán bộ huấn luyện có kinh nghiệm hướng dẫn bộ đội nắm chắc lý thuyết, thành thạo thực hành, nhất là với các khí tài, trang bị hiện đại.

“Đối với bộ đội công binhhuấn luyện đêm từ 20 đến 35% tổng thời gian huấn luyện. Trong đó có 70% huấn luyện chiến thuật và 30% là huấn luyện kỹ thuật chuyên ngành. Để huấn luyện sát thực tế chiến đấu, đơn vị triển khai huấn luyện thuần thục từ ban ngày và cải tiến một số mô hình học cụ phục vụ huấn luyện đêm. Nhờ vậy, bộ đội có đủ kiến thức, trình độ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, qua kiểm tra của Binh chủng, Quân khu, đơn vị luôn được đánh giá cao. Thời gian tới, Lữ đoàn tiếp tục duy trì nền nếp huấn luyện đêm, nghiên cứu phương pháp huấn luyện, đặt ra tình huống sát thực tế chiến đấu hơn”, Thượng tá Nguyễn Văn Nhủ, Phó lữ đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Lữ đoàn Công binh 25 (Quân khu 9) khẳng định.

Bài và ảnh: HÂN TÀI NHẬT

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lu-doan-cong-binh-25-quan-khu-9-huan-luyen-sat-thuc-te-chien-dau-795577