Lữ đoàn máy bay ném bom của Ukraine khiến Nga đứng ngồi không yên
Các máy bay ném bom Su-24 được trang bị tên lửa tầm xa của Ukraine đã và đang trở thành mối lo ngại cũng như mục tiêu hàng đầu của Nga.
Mục tiêu hàng đầu của Nga
Máy bay ném bom Su-24M/MR của không quân Ukraine là một trong những tài sản mạnh nhất của lực lượng này. Bất chấp những tổn thất nặng nề, hiện Kiev không đối mặt với nguy cơ cạn kiệt máy bay ném bom. Tuy nhiên, không thể nói điều tương tự đối với các loại đạn dược tốt nhất của nước này.
Được trang bị các giá treo tên lửa từ các máy bay ném bom cũ của Anh và bắn tên lửa hành trình Storm Shadow do Anh sản xuất cũng như các tên lửa SCALP-EG tương tự do Pháp sản xuất ở khoảng cách hơn 480km, những chiếc Su-24 hai chỗ ngồi đã tấn công các kho tiếp tế, sở chỉ huy, cầu đường, các vị trí phòng không và tàu chiến của đối phương, thường là ở trong và quanh Bán đảo Crimea do Nga kiểm soát ở phía Nam Ukraine.
Các cuộc tấn công chống hạm của Ukraine là đáng chú ý nhất. Đơn vị Su-24 duy nhất của Ukraine thuộc Lữ đoàn hàng không chiến thuật số 7, đã một mình cho nổ tung hoặc đánh chìm hai tàu đổ bộ của Hạm đội Biển Đen, một tàu hộ tống và bất ngờ hơn là tàu ngầm Rostov-on-Don khi tàu ngầm này đang hoạt động tại một ụ khô ở Crimea.
Nga lo ngại về các máy bay ném bom Su-24 được trang bị tên lửa. Không phải vô cớ mà họ thường xuyên nhắm vào các căn cứ của Lữ đoàn số 7, bao gồm cả căn cứ của lực lượng này ở Starokostyantyniv thuộc miền Tây Ukraine cũng như nhắm vào các máy bay ném bom đang hoạt động. Trong hai năm giao tranh ác liệt, Nga đã phá hủy 18 chiếc Su-24 của Ukraine. Con số này nhiều hơn số lượng Su-24 mà Ukraine có trước khi chiến dịch quân sự của Nga bắt đầu vào tháng 2/2022.
Theo các nhà quan sát, Lữ đoàn số 7 dưới sự chỉ huy của Đại tá Yevhen Bulatsyk không chỉ bù đắp được tổn thất mà còn mở rộng quy mô. Trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây, ông Bulatsyk xác nhận, lữ đoàn hiện có nhiều máy bay ném bom hơn hai năm trước. Lữ đoàn số 7, đang hợp tác chặt chẽ với lực lượng không quân cũng như các đồng minh nước ngoài của Ukraine, đã tìm cách duy trì và thậm chí phát triển mặc dù trở thành một trong những mục tiêu hàng đầu của Nga.
Ông Bulatsyk cho biết, kế hoạch trên bắt đầu bằng việc “rút lui khỏi cuộc tấn công khi các sân bay bị đe dọa”. Nói cách khác, đây là chiến lược phân tán. Khi radar của Ukraine hoặc vệ tinh của NATO phát hiện tên lửa đang bay tới, Lữ đoàn số 7 sẽ điều động máy bay ném bom của mình tới các sân bay hoặc thậm chí có thể là cả đường bộ và đường cao tốc.
Máy bay ném bom gặp khó khăn trong việc tránh được tên lửa phòng không của Nga khi chúng đang ở trên không. Trên thực tế, gần như toàn bộ 18 máy bay ném bom mà Lữ đoàn số 7 tổn thất, đều bị bắn hạ. Nhưng hầu hết tổn thất xảy ra trước khi lữ đoàn, có lẽ với sự hỗ trợ lớn từ các kỹ thuật viên nước ngoài, bắt đầu trang bị các tên lửa Storm Shadow và SCALP-EG cho những chiếc Sukhoi của mình vào năm ngoái.
Các tên lửa này có tầm hoạt động đủ xa để một chiếc Su-24 có thể phóng chúng từ khoảng cách hàng chục km phía sau phòng tuyến của Ukraine và với thông tin tình báo tốt, vẫn tấn công các lực lượng của Nga trên toàn bộ Bán đảo Crimea.
Bài toán thừa máy bay, thiếu tên lửa của Ukraine
Kể từ khi Lữ đoàn số 7 chuyển từ ném bom tầm gần sang tấn công bằng tên lửa tầm xa, họ chỉ tổn thất một số ít máy bay Su-24.
Ngay cả khi tỷ lệ tổn thất giảm xuống, các kỹ thuật viên của Lữ đoàn số 7 vẫn tiếp tục đánh giá những chiếc Su-24 nào không thể bay được có thể chế tạo lại.
Lực lượng không quân Liên Xô đã để lại ở Ukraine ít nhất một trăm máy bay ném bom siêu thanh và trên thực tế, con số có thể lên tới 200 chiếc. Ngay cả khi chỉ có vài chục chiếc có thể khôi phục và số còn lại chỉ hữu ích làm phụ tùng thì Lữ đoàn số 7 cũng phải có đủ khung máy bay để duy trì chiến đấu trong nhiều năm.
Điều đó giúp giải thích vì sao Ukraine không nỗ lực hết sức để có được máy bay ném bom thay thế - chẳng hạn như những chiếc Mirage 2000D cũ của Pháp. Chắc chắn Lữ đoàn số 7 sẽ không nói không với các máy bay mới nhưng việc cung cấp chúng không phải là vấn đề lớn nhất của lữ đoàn.
Tên lửa mới là thứ mà lữ đoàn này cần nhất hiện nay. Lữ đoàn số 7 có khoảng 100 tên lửa Storm Shadow và SCALP-EG vào năm ngoái nhưng đã sử dụng gần hết số đó. Pháp cam kết cung cấp thêm cho Ukraine 40 tên lửa SCALP-EG vào tháng 1/2024 nhưng Anh chưa đề nghị hỗ trợ thêm Storm Shadow. Lực lượng Không quân Hoàng gia Anh lo lắng về lượng tên lửa dự trữ đang cạn kiệt của mình đến mức chính phủ Anh được cho là đã yêu cầu chính phủ Đức cung cấp tên lửa hành trình Taurus cho Không quân Hoàng gia Anh để lực lượng này có thể thoải mái hỗ trợ nhiều tên lửa Storm Shadow hơn.
Dĩ nhiên, Đức có thể trực tiếp cung cấp tên lửa Taurus cho Ukraine nhưng Thủ tướng Olaf Scholz đã phản đối việc cung cấp các loại vũ khí tầm xa có thể gây leo thang căng thẳng cho Ukraine.
Trong bối cảnh đó, Lữ đoàn số 7 sẽ luôn đứng trước nguy cơ cạn kiệt tên lửa, ngay cả khi có rất nhiều máy bay ném bom để phóng chúng.