Lữ đoàn Pháo binh 164 - Ghi dấu chiến công trên khắp chiến trường

Trên chặng đường lịch sử hơn 70 năm qua, dấu chân của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 164 (Quân đoàn 2, nay là Quân đoàn 12) đã in trên khắp các chiến trường. Cán bộ, chiến sĩ Đoàn Pháo binh Bến Hải Anh hùng luôn nêu cao tinh thần chiến đấu, ý chí quyết tâm, đoàn kết, lập nên nhiều chiến công xuất sắc.

Trút "bão lửa" vào quân địch

Lữ đoàn Pháo binh 164 - Đoàn Pháo binh Bến Hải thành lập ngày 25/10/1954 tại Trại Cờ, huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang). Đơn vị được tôi luyện và trưởng thành trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, làm nhiệm vụ quốc tế tại Lào và Campuchia. Truyền thống Lữ đoàn gắn liền với những mốc son và địa danh lịch sử. Điển hình là đơn vị tổ chức đánh trả, trừng trị pháo binh địch ở bờ Nam sông Bến Hải; tập kích hỏa lực, trút “bão lửa” xuống căn cứ Dốc Miếu, Cồn Tiên; dội “sấm sét” xuống căn cứ Gio An của địch, phá hủy nhiều phương tiện chiến tranh và tiêu diệt hàng nghìn tên Mỹ - ngụy.

 Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 164 huấn luyện trên pháo Đ-20.

Cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 164 huấn luyện trên pháo Đ-20.

Đơn vị còn chi viện hỏa lực cho các đơn vị tiêu diệt lớn quân địch trên mặt trận đường 9- Bắc Quảng Trị, Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân năm 1968... Từ Trung đoàn Pháo binh cơ động của mặt trận B5, đơn vị phát triển thành Lữ đoàn pháo binh chiến dịch trong đội hình Binh đoàn Hương Giang tham gia Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, cùng với các đơn vị trong Binh đoàn truy kích địch dọc duyên hải miền Trung, góp phần giải phóng Huế, Đà Nẵng, Phan Rang, Phan Thiết...

Đặc biệt, trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lữ đoàn được lệnh tham gia tổng công kích vào Sài Gòn. Đúng 4 giờ 30 phút ngày 29/4, khẩu đội 2 bắn quả đạn đầu tiên vào sân bay Tân Sơn Nhất, tiếp đó Tiểu đoàn 3 đồng loạt nổ súng, sân bay địch hoàn toàn bị tê liệt, cắt đứt cuộc rút chạy bằng đường không của địch. Sau khi hàng trăm viên đạn pháo hạng nặng 130 mm của Lữ đoàn bắn vào sân bay Tân Sơn Nhất vừa dứt, lực lượng hỗn hợp thọc sâu của Quân đoàn đã tiến đến cầu Xa Lộ.

Đại đội pháo 5 và 13 được lệnh cơ động lên phía trước 15 km tiếp tục áp chế pháo binh địch ở phía Tây cầu Sài Gòn, phía Nam Long Bình tiêu diệt 4 mục tiêu của địch, bắn cháy 4 xe tăng, chi viện hỏa lực cho bộ binh, xe tăng tiến công tiêu diệt sào huyệt cuối cùng của địch. 11 giờ 30 phút ngày 30/4/1975, lá cờ cách mạng tung bay trên nóc Dinh Độc Lập, báo hiệu Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Kết thúc cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, Lữ đoàn được Đảng ủy Bộ Tư lệnh Quân đoàn đánh giá là đơn vị hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, được tặng Cờ “Thần tốc, táo bạo, quyết chiến, toàn thắng".

Những năm sau đó, Lữ đoàn lập công xuất sắc trong chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam, hoàn thành nhiệm vụ quốc tế tại Lào, Campuchia và hàng trăm trận chiến đấu khác. Khi hoàn thành nhiệm vụ, Lữ đoàn trở về đóng quân nơi đất mẹ đã sinh ra, tiếp tục kế thừa, phát huy truyền thống “Kiên cường, tự lực, đánh giỏi, bắn trúng”; xây dựng Lữ đoàn ngày càng tiến bộ, trưởng thành đáp ứng với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới.

Chọn khâu đột phá, giải quyết khâu yếu, mặt yếu

Vào những ngày đầu tháng Tư, tham quan khu vực huấn luyện của Tiểu đoàn 1, Thiếu tá Nguyễn Đức Hùng, Tiểu đoàn trưởng phát lệnh thực hành hợp luyện đề mục “Đại đội pháo binh chi viện hỏa lực cho trung đoàn bộ binh trong chiến đấu tiến công”. Thao trường rộn vang khẩu lệnh hiệp đồng cùng tiếng nạp đạn và bước chân của pháo thủ. Các khẩu đội nhanh chóng chọn đường, hướng cơ động, phối hợp hiệp đồng kéo pháo chiếm lĩnh trận địa, đưa nòng pháo vào hướng bắn chính, linh hoạt xử lý tốt những tình huống chỉ huy đưa ra.

 Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 164 thực hành nạp đạn.

Chiến sĩ Lữ đoàn Pháo binh 164 thực hành nạp đạn.

Chiến sĩ Nguyễn Văn Quyền, Đại đội 1 cho biết: “Pháo Đ-20 có kích thước lớn, khối lượng gần 6 tấn, để bắn trúng mục tiêu, việc hiệp đồng giữa các số trong khẩu đội và giữa các khẩu đội với nhau bảo đảm nhanh, chính xác. Thời gian đầu huấn luyện, chúng tôi còn thực hiện chậm, thiếu dứt khoát nội dung thực hành ký hiệu hiệp đồng của pháo thủ, khẩu đội trưởng, ảnh hưởng đến thời cơ tiêu diệt mục tiêu. Khắc phục những hạn chế này, đơn vị chú trọng tổ chức luyện tập riêng cho từng số, khẩu đội. Qua đó nâng cao chất lượng hiệp đồng giữa các số trong khẩu đội và giữa các khẩu đội với nhau, bảo đảm nhịp nhàng, thống nhất, an toàn”.

Sau mỗi ngày tập luyện vất vả, các chiến sĩ tranh thủ học thêm ngoài giờ để nắm vững tính năng, kỹ thuật, chiến thuật. Với đặc điểm vũ khí, trang bị hạng nặng, các nội dung huấn luyện đều rất vất vả nhưng trên từng khuôn mặt cán bộ, chiến sĩ đều thấy rõ sự quyết tâm để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, thiết thực lập thành tích chào mừng kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Để huấn luyện đạt kết quả tốt, những năm qua Lữ đoàn luôn quán triệt, thực hiện tốt phương châm huấn luyện “Cơ bản, thiết thực, vững chắc”, coi trọng huấn luyện thực hành trên súng, pháo, làm chủ vũ khí, khí tài, trang bị mới; tăng cường huấn luyện ban đêm, huấn luyện hiệp đồng chiến đấu với bộ binh trong các hình thức chiến thuật, huấn luyện di chuyển, dịch chuyển, cơ động, phòng tránh, đánh trả trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao, tác chiến điện tử rộng rãi. Đồng thời kiên trì thực hiện “3 thực chất”: Dạy thực chất, học thực chất, kiểm tra, đánh giá kết quả thực chất trong từng nội dung huấn luyện.

Từ thực tiễn huấn luyện, trọng tâm là đột phá xây dựng khẩu đội pháo binh huấn luyện giỏi, Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn xây dựng nhiều mô hình hiệu quả, như: Khẩu đội 3 tốt; đôi bạn cùng tiến; mỗi tuần một giờ học bổ ích… Các mô hình, biện pháp được triển khai thực hiện đồng bộ đã phát huy tốt tinh thần tự lực, tự cường, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của cán bộ, chiến sĩ, tạo chuyển biến rõ rệt trong huấn luyện. Cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh vững vàng, trình độ, sức khỏe, hoàn thành tốt nhiệm vụ khi có tình huống. Đơn vị chủ động xây dựng kế hoạch, bảo đảm đầy đủ mô hình, học cụ, giáo án; tu sửa, củng cố hệ thống công sự, trận địa, thao trường, bãi tập. Với những nỗ lực trên, từ năm 2015 đến nay, Lữ đoàn liên tục đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi” cấp Bộ Quốc phòng.

Theo Đại tá Nguyễn Văn Thụ, Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Pháo binh 164, trong thời gian tới, đơn vị bám sát kế hoạch, hướng dẫn, chỉ đạo của cấp trên, tổ chức huấn luyện thống nhất, khoa học, phù hợp, sát đối tượng tác chiến. Tiếp tục đẩy mạnh công tác dân vận, tích cực tham gia xây dựng địa bàn vững mạnh, chăm lo gia đình chính sách, người có công, giúp Nhân dân xóa đói, giảm nghèo và phòng, chống thiên tai... Qua đó tạo sự đồng thuận, tin tưởng, ủng hộ của cấp ủy, chính quyền, nhân dân địa phương, góp phần nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu của Lữ đoàn.

Bài, ảnh: Trung Anh

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/lu-doan-phao-binh-164-ghi-dau-chien-cong-tren-khap-chien-truong-postid416270.bbg