Lữ đoàn Phòng không 214 (Quân khu 3): Bảo đảm kỹ thuật cho các nhiệm vụ

'Áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn là một giải pháp hữu hiệu, giúp đơn vị luôn bảo đảm tốt kỹ thuật cho nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ đột xuất khác'- đó là chia sẻ của Thiếu tá Bùi Duy Điền, Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn Phòng không 214 (Quân khu 3).

Giới thiệu về một số sáng kiến tiêu biểu giúp nâng cao chất lượng thực hiện chuyên môn của đơn vị, đồng chí Phó chủ nhiệm Kỹ thuật Lữ đoàn dẫn chúng tôi đến tham quan Trạm sửa chữa, bảo dưỡng (Phòng Kỹ thuật). Trong không gian rộng hàng nghìn mét vuông, có khá nhiều sáng kiến, cải thiện kỹ thuật của đơn vị đang được áp dụng vào quá trình bảo quản, bảo dưỡng cũng như sửa chữa, khắc phục các sự cố hỏng hóc của các vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT), tiêu biểu như: Sáng kiến “Dụng cụ hỗ trợ tháo kẹt đạn pháo phòng không 57mm”; “Thiết bị tính thời gian nạp đạn của pháo thủ 5-Pháo phòng không 57mm” và sáng kiến “Giá thiết bị kiểm thử máy phát điện sau khi bảo dưỡng, sửa chữa trên xe ô tô”.

Cán bộ, nhân viên Trạm sửa chữa, bảo dưỡng Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Phòng không 214 áp dụng các sáng kiến vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Cán bộ, nhân viên Trạm sửa chữa, bảo dưỡng Phòng Kỹ thuật Lữ đoàn Phòng không 214 áp dụng các sáng kiến vào thực hiện nhiệm vụ chuyên môn.

Vừa kiểm tra chất lượng của máy phát điện trên xe ô tô ZIL 130 sau khi sửa chữa, Thiếu tá QNCN Đoàn Văn Toán, nhân viên sửa chữa, bảo dưỡng ô tô (Trạm sửa chữa, bảo dưỡng) chia sẻ: “Đối với máy phát điện trên các loại xe ô tô khi bị hỏng, thợ sẽ tháo xuống sửa chữa, bảo dưỡng. Sau khi sửa chữa, thay thế xong, người thợ sẽ phải lắp lại lên ô tô sau đó nổ máy và kiểm tra trên ô tô, nếu chưa được sẽ phải tháo ra tiếp tục sửa chữa. Vì vậy mất rất nhiều thời gian, công sức. Khi áp dụng sáng kiến “Giá thiết bị kiểm thử máy phát điện…” sẽ nhanh gọn hơn, người thợ sẽ đưa máy phát kiểm tra trực tiếp trên giá, khi máy phát đã hoạt động tốt, đảm bảo kỹ thuật thì mới lắp lên ô tô. Nhìn chung sáng kiến này mang tính khả thi, ứng dụng thực tế cao, hiệu quả, mà chi phí cho việc sản xuất thiết bị cũng đơn giản, dễ làm”.

 Các chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 214 thực hành quan sát mục tiêu trên không.

Các chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 214 thực hành quan sát mục tiêu trên không.

Thiếu tá Bùi Duy Điền cho biết: “Để bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, Lữ đoàn thường xuyên tổ chức bồi dưỡng nâng cao trình độ khai thác, sử dụng, làm chủ vũ khí trang bị, khí tài cho đội ngũ cán bộ, nhân viên, chiến sĩ theo tinh thần cấp trên bồi dưỡng cấp dưới, cán bộ có kinh nghiệm, chuyên môn sâu bồi dưỡng cho cán bộ trẻ, kinh nghiệm còn ít, mục đích nhằm nâng cao chất lượng bảo quản, bảo dưỡng; duy trì có nền nếp, hiệu quả “ngày kỹ thuật” và chế độ kiểm kê, điểm nghiệm theo định kỳ”.

Làm nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu phòng không, với hệ thống vũ khí trang bị kỹ thuật (VKTBKT) đã qua nhiều năm sử dụng, xuống cấp và thiếu đồng bộ, nên việc bảo đảm tốt công tác kỹ thuật cho các nhiệm vụ được Đảng ủy, chỉ huy Lữ đoàn Phòng không 214 hết sức quan tâm, chú trọng. Theo đó, Lữ đoàn thực hiện nghiêm túc Cuộc vận động “Quản lý, khai thác VKTBKT tốt, bền, an toàn, tiết kiệm và an toàn giao thông”, duy trì nền nếp chế độ bảo quản ngày, tuần, quản lý chặt chẽ số lượng, chất lượng VKTBKT, bảo đảm an toàn, không có hư hỏng, mất mát, cháy nổ. Đồng thời, kết hợp chặt chẽ giữa bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực cho đội ngũ cán bộ, nhân viên chuyên môn kỹ thuật với đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ. Đến nay, Lữ đoàn có gần 100 sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, trong đó có 3 sáng kiến đạt Giải thưởng Tuổi trẻ Sáng tạo toàn quân, 11 sáng kiến được Quân khu công nhận.

Các khẩu đội thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 214 luyện tập phương án đánh địch đột nhập đường không.

Các khẩu đội thuộc Đại đội 7, Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 214 luyện tập phương án đánh địch đột nhập đường không.

Huấn luyện thực hành quan sát mục tiêu cho chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 214.

Huấn luyện thực hành quan sát mục tiêu cho chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Lữ đoàn Phòng không 214.

Thượng tá Nguyễn Văn Hùng, Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn Phòng không 214 cho biết: “Phần lớn VKTBKT vừa làm nhiệm vụ huấn luyện, vừa trực sẵn sàng chiến đấu liên tục và triển khai ngoài trận địa, nhiều VKTB có tuổi đời cao do vậy nhanh bị xuống cấp. Để bảo đảm hệ số kỹ thuật Kt = 1,0 cho nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, cứu hộ, cứu nạn và đạt từ Kt = 0,95-1,0 cho các đơn vị làm nhiệm vụ huấn luyện và các hoạt động thường xuyên khác, Đảng ủy Lữ đoàn đã có nghị quyết chuyên đề về lãnh đạo công tác kỹ thuật, trong đó chú trọng phát huy tinh thần say mê, sáng tạo của cán bộ, nhân viên trong việc nghiên cứu sáng kiến, cải tiến kỹ thuật để nâng cao chất lượng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn. Riêng năm 2022, Lữ đoàn có 1 sáng kiến đoạt giải Nhì, 2 sáng kiến đoạt giải Khuyến khích “Tuổi trẻ sáng tạo toàn quân”. Năm 2023, cán bộ, nhân viên Lữ đoàn đã nghiên cứu và cho ra đời hàng chục sáng kiến; đơn vị đã thẩm định và lựa chọn một số sáng kiến tiêu biểu, có tính khả thi, áp dụng vào thực tiễn cao để tham dự cấp Quân khu và toàn quân”.

Nhờ triển khai đồng bộ nhiều giải pháp bảo đảm tốt công tác kỹ thuật, góp phần nâng cao chất lượng huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của đơn vị; nhiều năm liền Lữ đoàn Phòng không 214 được Bộ Quốc phòng công nhận đạt “Đơn vị huấn luyện giỏi”.

Bài, ảnh: NGUYỄN THANH

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lu-doan-phong-khong-214-quan-khu-3-bao-dam-ky-thuat-cho-cac-nhiem-vu-736500