Lũ dữ đi qua, mất mát và hoang tàn còn ở lại...
Tròn một tuần sau đợt lũ do ảnh hưởng bão số 3, bầu trời huyện vùng biên Mường Lát đã xanh trong, tạnh ráo. Nhưng sự mất mát đau thương, khung cảnh hoang tàn thì vẫn hiện hữu trên khắp các bản làng.
Mẹ con chị Hơ Thị Sua trước những gì còn sót lại của ngôi nhà sau lũ.Ảnh: Nguyễn Trường
Bản Pá Hộc, xã Nhi Sơn (Mường Lát), những ánh nhìn xa xăm chất chứa tâm trạng của các mế, các chị ngồi buồn trước hiên nhà. Tại nhà văn hóa của bản, những hộ bị thiệt hại đang tập trung nhận hỗ trợ từ những đoàn từ thiện, đã phần nào làm ấm lòng những nạn nhân của đợt thiên tai.
Cụ Thao Văn Sự, sinh năm 1941, bùi ngùi: “Lũ cuốn trôi hết cả rồi! Cả ngôi nhà ở cũng không còn nữa. Một tuần qua, gia đình tôi phải đi ăn nhờ, ở tạm tại ngôi lán tạm mà Công an huyện Mường Lát và người dân trong bản vừa dựng cho”. Giữa câu chuyện với chúng tôi, nét mặt của cụ già người Mông 78 tuổi này cũng nhiều lần chùng xuống, nước mắt rơm rớm. Gia đình cụ Sự có 7 nhân khẩu, gồm 2 ông bà, các con và cháu nội chung sống. Cũng may lúc ngôi nhà bị sập hoàn toàn do lũ, không có ai trong nhà nên không có ai bị thương vong.
Trước móng nhà trơ trọi và những thanh gỗ nằm ngổn ngang còn sót lại, chị Hơ Thị Sua, sinh năm 1986 cùng ở bản Pá Hộc vẫn còn ngẩn ngơ và nuối tiếc khi tổ ấm là căn nhà sàn đổ sập hoàn toàn. Còn lại 2 bàn tay trắng, vợ chồng chị cùng 3 con phải đến nhà văn hóa của bản để tá túc trong những ngày qua. Chị kể: “Hôm đó là sáng mùng 4–8, khi nghe nước suối đổ ầm ầm, bùn đất, cây cối ào tới làm nghiêng nhà sàn, tôi vội bế đứa con nhỏ 4 tuổi chạy ra khỏi nhà. Vừa chạy xuống đến đường thì nhà đổ. Nếu chậm 3 – 4 phút chắc hai mẹ con đã chết rồi”.
Trưởng bản Pá Hộc - anh Thao Văn Thê, cho biết: Cả bản có 4 nhà bị cuốn trôi hoặc sập hoàn toàn, 10 ngôi nhà khác bị hư hỏng nặng, 1 người chết là anh Thao Văn Súa, Trưởng Công an xã. Ngoài lương thực dự trữ là lúa và ngô của đa phần các hộ đã không còn, cả bản có 6 con bò, 9 con lợn và hơn 100 con gà cũng bị chết và cuốn trôi trong đợt mưa lũ.
Tại bản Na Ón, xã Trung Lý, cả bản vẫn còn ngổn ngang trong đống đổ nát. Từng cặp mắt vừa lạ lẫm, vừa mệt mỏi cứ như níu lấy chúng tôi. Lòng nặng trĩu, chúng tôi dừng lại trước ngôi nhà đã chìm trong bùn đất của gia đình anh Sùng A Pó, 40 tuổi. Pó cùng vợ hì hục đào bới từ đống đổ nát, cố vớt vát lại chút tài sản còn sót lại. Pó bảo, chỉ mong tìm lại được vài ba cái xoong, nồi cùng mấy khúc gỗ tốt để tận dụng. Bao năm dành dụm, bao năm chắt chiu, một trận lũ về cuốn đi tất cả. Nhà Pó nghèo, 3 khoanh ruộng nhỏ trước nhà, đàn vịt 30 con, 2 con trâu - đó là toàn bộ nguồn sống của cả 5 nhân khẩu. Lũ về, nguồn sống đó gần như không còn...
Máy xúc giải tỏa các điểm sạt lở giao thông trên Quốc lộ 15C qua bản Cặt, xã Nhi Sơn.
Thống kê từ UBND huyện Mường Lát, toàn huyện có 3 người chết, 31 hộ có nhà bị thiệt hại hoàn toàn, hơn 100 ngôi nhà bị hư hỏng một phần. Gần đến thềm năm học mới, nhưng có 9 trường học bị thiệt hại, hư hỏng tại các xã: Mường Chanh, Quang Chiểu, Pù Nhi, Tam Chung, Trung Lý, Nhi Sơn và thị trấn Mường Lát. Hạ tầng y tế, văn hóa ở các xã, các bản cũng thiệt hại nặng nề. Trong nông nghiệp, hơn 100 ha lúa, ngô, rau màu, cây ăn quả bị thiệt hại, hơn 40 ha cây lâm nghiệp bị hư hỏng. Hơn 70 con gia súc, 860 con gia cầm của người dân cũng trôi theo dòng lũ. Nhiều hệ thống cấp nước sinh hoạt và thủy lợi, 29 đập dâng trên địa bàn bị hư hại... Ngay sau lũ, UBND huyện Mường Lát đã thành lập 5 tổ công tác xuống cơ sở phối hợp rà soát đánh giá số liệu thiệt hại và cùng với nhân dân khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Huyện phối hợp với Sở Giao thông – Vận tải triển khai khắc phục sạt lở trên các tuyến đường.
Có mặt tại Mường Lát chiều 10–8, tuy các tuyến đường chính đã thông nhưng rất nhiều vị trí còn bùn đất nhầy nhụa. Trên các ngọn đồi, dãy núi, những vết sạt còn nguyên màu mới, nhiều nguy cơ sẽ tiếp tục đổ sụp nếu có mưa lớn. Những ngổn ngang và khó khăn chồng chất ở từng bản làng, từng công trình, từng nương lúa... vẫn còn chờ những nỗ lực của con người.
Lê Đồng - Nguyễn Trường