Lũ lớn lịch sử kéo theo nghi vấn về con đập Tam Hiệp 37 tỷ USD
Giữa lúc nhiều địa phương của Trung Quốc chìm trong biển nước, giới chuyên gia tỏ ra hoài nghi về vai trò của đập Tam Hiệp, công trình có chi phí xây dựng lên đến 37 tỷ USD.
Trung Quốc đang trải qua đợt mưa lũ lịch sử kéo dài từ tháng 5 tới nay. Lượng nước mưa đạt kỷ lục dẫn đến tình trạng lũ lụt trên diện rộng. Tình hình thời tiết cực đoan đang nhấn chìm nhiều địa phương của Trung Quốc trong biển nước, khiến hơn 140 người thiệt mạng, ảnh hưởng đến 38 triệu người và phá hủy 28.000 ngôi nhà.
Theo CGTN, hơn 28.000 ngôi nhà bị đổ sụp và 2,2 triệu người tại 27 tỉnh thành của Trung Quốc đã phải sơ tán đi tránh lũ.
Cùng lúc đó, nhiều người tỏ ra hoài nghi về vai trò của đập Tam Hiệp. Công trình trị giá 37 tỷ USD được xây nên với mục đích điều tiết nguồn nước ở sông Trường Giang.
Đề tài gây tranh cãi
Reuters cho biết trong suốt nhiều năm, chất lượng và hiệu suất của đập Tam Hiệp là đề tài gây tranh cãi trên nhiều diễn đàn.
Chính phủ Trung Quốc cho biết đập Tam Hiệp từng nhiều lần chứng minh khả năng chống các đợt lũ lụt nghiêm trọng. Con đập giúp giảm đỉnh lũ, hạn chế tổn thất về người và của, đồng thời hỗ trợ các nỗ lực sơ tán khẩn cấp.
Hồi tháng 7/2019, chuyên gia Guo Xun thuộc Viện Cơ học Công trình thuộc Cục Động đất Trung Quốc khẳng định với báo Global Times: “Đập Tam Hiệp là một công trình tuyệt đối an toàn, có thể tồn tại đến 1.000 năm”.
Ông Guo Xun cũng cho biết: “Ngoài trọng lực của Trái Đất, không một ngoại lực nào, bao gồm lũ lụt hay động đất, có thể gây ảnh hưởng đến cấu trúc của đập Tam Hiệp”.
Song nhà khoa học thủy văn người Trung Quốc, Wang Weiluo, đã đặt nghi vấn về mức độ an toàn của đập này hồi tháng 6. Ông Wang Weiluo còn cảnh báo con đập khổng lồ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào.
Khi lũ ngày càng nghiêm trọng, một số chuyên gia trong ngành nhận định mức nước cao ở sông Trường Giang và các hồ chứa cho thấy đập Tam Hiệp không hoàn thành nhiệm vụ và mục tiêu đã đề ra.
Nhà địa lý David Shankman của Đại học Alabama (Mỹ) nhận xét: “Đập Tam Hiệp được xây dựng để kiểm soát lũ. Chưa đầy 20 năm sau ngày khánh thành con đập, Trung Quốc chứng kiến đợt lũ lụt lịch sử. Chúng ta có thể thấy đập Tam Hiệp không có khả năng chặn đứng tình huống nghiêm trọng này”.
Đập Tam Hiệp đang làm gì?
Trong một cuộc họp hôm 13/7, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên Nước Ye Jianchun, cho biết kế hoạch xả lũ của các hồ chứa, đặc biệt là tại đập Tam Hiệp đang giúp kiểm soát lũ lụt hiệu quả trong năm nay.
Theo ông Ye, đập Tam Hiệp là nơi lưu trữ khoảng 2,9 tỷ m3 trong tổng số 64,7 tỷ m3 nước lũ trên toàn quốc. Lượng nước từ đợt lũ năm nay đang được lưu trữ tại 2.297 hồ chứa.
Hôm 11/7, công ty điều hành Dự án đập Tam Hiệp cho biết từ ngày 6/7, lượng nước xả xuống khu vực hạ lưu giảm còn một nửa. Do đó, tốc độ và lưu lượng nước mưa ở khu vực trung và hạ lưu sông Trường Giang cũng giảm đáng kể.
Công ty này cũng cho biết các hồ chứa của đập Tam Hiệp đang hoạt động 88% công suất để điều tiết lượng nước lũ.
Dù vậy, nhà địa lý Fan Xiao cho rằng đập Tam Hiệp chỉ có khả năng lưu trữ dưới 9% tổng lượng nước lũ trung bình.
“Con đập chỉ có thể hoàn thành một phần nhiệm vụ trong khoảng thời gian ngắn. Cụ thể, đập Tam Hiệp chỉ hoạt động ở khu vực thượng lưu, không ngăn được nước lũ ở trung và hạ lưu sông Trường Giang”, ông Fan Xiao nhận xét.
Trong khi đó, chuyên gia Fan Xiao cho rằng đập Tam Hiệp và nhiều công trình thủy lợi khác đang làm tình hình lũ lụt trở nên nghiêm trọng hơn. Cụ thể, hoạt động xả lũ từ con đập gây ảnh hưởng đến các dòng bồi tích tự nhiên của sông Trường Giang.
Cũng theo ông Fan Xiao, dự án đập Tam Hiệp bị suy giảm chức năng kiểm soát lũ lụt do nhu cầu sản xuất thủy điện cao.
“Con người quá tập trung vào việc sử dụng hồ chứa nhân tạo để giải quyết lũ lụt. Đôi khi chúng ta bỏ qua, thậm chí làm suy yếu khả năng điều tiết dòng nước của các sông, hồ tự nhiên”, ông Xiao nhận định.
Nhà địa lý từ Mỹ, ông David Shankman, thừa nhận khả năng chống lũ của đập Tam Hiệp trong những năm trước đó. Song ông cũng lo con đập có nguy cơ sụp đổ trước các hiện tượng thời tiết cực đoan.
“Trước những đợt mưa nghiêm trọng, đập Tam Hiệp không có khả năng chống lũ đáng kể”, ông Shankman nhận xét.
Chính quyền Trung Quốc mới thừa nhận rằng đập Tam Hiệp không thể một mình điều tiết lũ cho cả vùng đồng bằng sông Trường Giang. Một số nhà phân tích của nước này nhận định đỉnh lũ sẽ rơi vào cuối tháng 7 và đầu tháng 8. Đây cũng là lúc hiệu suất của đập Tam Hiệp được kiểm chứng.