Lũ lụt nhấn chìm nhiều khu vực tại Bangladesh và Ấn Độ
Lũ lụt nhấn chìm nhiều khu vực của Bangladesh và Đông Bắc Ấn Độ trong ngày 21/6, trong bối cảnh nhà chức trách nỗ lực tiếp cận trên 9,5 triệu người bị mắc kẹt sau nhiều ngày mưa lớn.
Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã thực hiện chuyến bay thị sát một số khu vực bị lũ lụt ngày 21/6.
Ông Atiqul Haque, Tổng Cục trưởng Tổng Cục Xử lý thảm họa Bangladesh, cho biết có thêm 3 huyện tại miền Trung và Bắc nước này bị ngập lụt. Chính quyền địa phương cùng với quân đội, hải quân, cảnh sát, cơ quan khẩn cấp và cứu hỏa và nhân viên tình nguyện đang tham gia hoạt động cứu hộ.
Lũ lụt tại vùng Sylhet, trong đó có huyện Sunamganj ở Đông Bắc Bangladesh, nghiêm trọng nhất trong hơn 1 thế kỷ qua và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) cho biết 90% cơ sở y tế của khu vực bị ngập lụt và các ca bệnh do nước ô nhiễm đang gia tăng.
UNICEF đang kêu gọi huy động 2,5 triệu USD để ứng phó với tình trạng khẩn cấp tại Bangladesh và đang phối hợp với chính quyền để cung cấp các viên lọc nước, vật tư y tế khẩn cấp và thùng nước. Cơ quan này cho biết 4 triệu người, trong đó có 1,6 triệu trẻ em, bị mắc kẹt do lũ lụt tại Đông Bắc Bangladesh đang cần giúp đỡ khẩn cấp.
Tại một số khu vực, quân đội Bangladesh thả bao đựng đồ cứu trợ từ máy bay trực thăng cho người dân đang chờ đợi trên các nóc nhà.
Tại bang Assam ở nước láng giềng Ấn Độ, lũ lụt đã cô lập 3 huyện tại thung lũng Barak và các khu vực của thành phố lớn Silchar ngập lụt.
Thủ hiến Assam Himanta Biswa Sarma cho biết :“Tình hình cực kỳ nghiêm trọng. Chúng tôi sẽ nỗ lực vận chuyển nhiên liệu đến Selchar và 2 huyện khác ngay tức khắc”.
Chính quyền cho biết quân đội và dân quân Ấn Độ được huy động đến giúp cứu hộ và sơ tán khoảng 1.000 người trong 72 giờ qua.
Theo số liệu từ Cơ quan khí tượng Ấn Độ, lượng mưa tại bang Assam và bang Meghatlaya lân cận tăng tới 134% so với lượng mưa trung bình thời gian này hằng năm. Khoảng 4,7 triệu người buộc phải rời khỏi nhà cửa tại Assam, trong đó khoảng 330.000 người ở tại các nơi trú ẩn.
Mưa lớn khác thường gây lũ lụt tồi tệ nhất trong hơn một thế kỷ tại một số khu vực trũng của Bangladesh và làm ít nhất 69 người thiệt mạng trong 2 tuần qua và tại bang Assam phía Đông Bắc Ấn Độ. Thời tiết cực đoan tại Nam Á trở nên thường xuyên hơn và các nhà hoạt động môi trường cảnh báo biến đổi khí hậu có thể dẫn đến thiên tai nghiêm trọng hơn.