Lũ lụt tàn phá trên diện rộng ở Châu Âu, gần 200 người chết
Hôm 19-7, CNN đưa tin ít nhất 189 người đã chết và hàng trăm người khác vẫn mất tích sau khi trận lũ lụt thảm khốc càn quét những vùng rộng lớn ở Tây Âu, khiến hàng chục nghìn người không thể trở về nhà của họ và nhiều người sơ tán mà không có điện và nước uống.
Lũ lụt, gây ra bởi lượng mưa chưa từng có đã càn quét các vùng phía tây nước Đức trước khi chuyển sang các nước láng giềng Bỉ và Hà Lan.
Một số khu vực trên khắp miền nam Hà Lan được sơ tán sau khi sông Maas dâng lên mức chưa từng thấy trong hơn một thế kỷ vào ngày 17-7. Ở Venlo, một thành phố nằm ngay trên sông Maas, 10.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa.
Mực nước dâng cao nhanh chóng buộc các tình nguyện viên và quân đội phải chạy đua với thời gian để chuẩn bị cho thành phố đối phó với lũ lụt. Họ sản xuất các bao cát và đắp các công trình phòng chống lũ lụt trong khi các kỹ sư tập trung củng cố các con đê sau khi một con đê như vậy bị vỡ ở tỉnh Nam Limburg hôm 16-7, gây ra lũ lụt quy mô lớn ở các khu vực xung quanh.
Sự chuẩn bị đã được đền đáp - cơ quan an ninh khu vực Venlo cho biết các công trình đê điều và phòng chống lũ lụt được gia cố qua đêm và dự kiến sẽ không có lũ lụt lớn.
Trong khi đó ở Đức, quy mô thực sự của sự tàn phá do lũ lụt gây ra đã được tiết lộ khi nước rút xuống vào cuối tuần, để lại sự tàn phá, bùn đất và hỗn loạn.
Toàn bộ thị trấn, đường tàu và đường sá bị cuốn trôi và ít nhất 158 người đã thiệt mạng trong điều mà Tổng thống Đức Frank-Walter Steinmeier mô tả là "thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất" trong một thế kỷ.
Cho đến nay, hầu hết các trường hợp tử vong được báo cáo là ở bang miền tây Rhine-Palatinate, nơi 110 người đã mất mạng, theo một tuyên bố của cảnh sát Koblenz hôm 18-7.
Đến thăm Schuld, một trong những thị trấn bị ảnh hưởng nặng nề nhất vào ngày 18-7, Thủ tướng Đức Angela Merkel nói rằng sự tàn phá là "siêu thực".
Bà nói với các phóng viên tại thị trấn Adenau: “Thật là sốc - tôi gần như có thể nói rằng tiếng Đức không có từ nào để nói về sự tàn phá cỡ này”.
Bà Merkel đã hứa chính phủ của bà sẽ nhanh chóng hỗ trợ tài chính.
Phát biểu cùng với bà Merkel, thủ hiến bang Rhineland-Palatinate Malu Dreyer cho biết khu vực này là "một nơi kinh hoàng và hủy diệt".
Tại Bỉ, Trung tâm Khủng hoảng quốc gia hôm 18-7 cho biết tình hình đang dần được cải thiện trên khắp đất nước và các khu vực bị lũ lụt đã "thoát khỏi nguy hiểm sắp xảy ra".
Cơ quan này cho biết công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục và mối quan tâm lớn nhất lúc này là thiếu nước sinh hoạt ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Theo trung tâm, ít nhất 31 người đã thiệt mạng tại nước này.
"Các hoạt động cứu hộ đã kết thúc, nhưng các hoạt động tìm kiếm vẫn đang diễn ra ở một số khu vực", trung tâm cho biết trong một tuyên bố.
Lũ lụt kinh hoàng xảy ra sau khi các khu vực ở Tây Âu trải qua lượng mưa lịch sử, với lượng mưa kéo dài hơn một tháng trong 24 giờ.
Những trận mưa như trút nước đã dẫn đến lũ quét cực độ, với mực nước dâng cao trong vòng vài phút.
Mặc dù còn quá sớm để các nhà khoa học có thể nói về vai trò của biến đổi khí hậu trong trận lũ lụt đặc biệt này như thế nào, nhưng những trận mưa cực đoan như những gì xảy ra ở Tây Âu trong tuần này đang trở nên phổ biến hơn và nghiêm trọng hơn.