Lũ quét cuốn trôi 2 căn nhà tạm của người dân ở Thanh Hóa
Do mưa lớn, một trận lũ quét bất ngờ xảy ra tại xã Thành Sơn, huyện miền núi Quan Hóa (tỉnh Thanh Hóa) đã khiến 2 căn nhà tạm bị cuốn trôi, nhiều diện tích hoa màu và tài sản của người dân bị ảnh hưởng.
Trận lũ quét bắt đầu xảy ra tại suối Pu, xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa vào lúc 12 giờ trưa nay (23/7). Nước suối dâng cao đã tràn qua đập ở bản Xuân Thành, khiến giao thông bị chia cắt.
Nước lũ tràn về đột ngột cũng đã khiến 2 ngôi nhà tạm bị cuốn trôi và nhiều diện tích hoa màu, lồng cá nuôi của người dân bị ảnh hưởng.
Bên cạnh đó, do ảnh hưởng của áp thấp và cơn bão số 2, nhiều diện tích hoa màu, tài sản của người dân tại một số xã trên địa bàn huyện Quan Hóa cũng bị ảnh hưởng.
Theo báo cáo của UBND huyện Quan Hóa, tính đến 15 giờ 30 phút ngày 22/7, mưa lớn đã gây thiệt hại cho các xã Phú Sơn, Hiền Chung, Hiền Kiệt, Phú Xuân.
Cụ thể, nhà ông Hà Văn Trận tại bản Ôn, xã Phú Sơn bị sạt lở taluy dương, khoảng 500m3 đá làm sập hoàn toàn khu bếp ăn, đất đá trôi vào trong nhà. Hộ ông Hà Văn Phia trú bản Vui, xã Phú Xuân bị sạt lở taluy, khoảng 200m3 đất, đá vùi lấp hoàn toàn nhà bếp, nứt tường nhà, 16 con vịt, 2 con chó bị chết, ước tính thiệt hại 40 triệu đồng.
Về công trình, mưa lớn kéo dài làm sạt lở taluy, khoảng 100m3 đất đá tràn xuống phía sau nhà văn hóa bản Chiềng Căm, xã Hiền Kiệt dẫn đến hư hỏng, có nguy cơ đổ sập nhà văn hóa. Tại bản Giá, xã Phú Xuân bị sạt lở taluy dương dài 15m, khoảng 3.500m3 đất đá làm ách tắc giao thông.
Về công trình thủy lợi, mưa lớn cuốn trôi lớp bọc thân đập và sân tiêu năng công trình đập Lớp Hán, xã Hiền Chung, một số đoạn mương bị sạt lở, nứt vỡ. Ngoài ra, mưa lũ còn cuốn trôi và làm hư hỏng 16 guồng nước dọc suối Khiết, xã Hiền Chung, ước thiệt hại 25 triệu đồng.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, từ sáng sớm ngày 23/7 đến hết ngày 24/7, ở khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to với tổng lượng mưa phổ biến: Phía Đông Bắc Bộ: 100-200mm, có nơi trên 300mm; phía Tây Bắc Bộ và Thanh Hóa: 50-100mm, có nơi trên 200mm.
Trước đó, ngày 22/7, để ứng phó với bão số 2, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành công điện số 15/CĐ-UBND về việc tập trung ứng phó cơn bão số 2 và mưa lũ.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa yêu cầu Giám đốc các sở, ban, ngành, đơn vị cấp tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Giám đốc Công an tỉnh, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan theo dõi chặt chẽ diễn biến của bão, mưa lũ, ngập lụt để chỉ đạo, triển khai công tác ứng phó kịp thời, phù hợp với tình hình cụ thể tại địa phương, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân.
Đồng thời, rà soát, chủ động sơ tán người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm để bảo đảm an toàn, nhất là các hộ dân tại khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét.
Bố trí lực lượng canh gác, kiểm soát, hướng dẫn, hỗ trợ bảo đảm an toàn giao thông qua các ngầm tràn, khu vực bị sạt lở hoặc có nguy cơ sạt lở, khu vực bị ngập sâu, nước chảy xiết. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại nếu không bảo đảm an toàn.
Chủ động bố trí lực lượng ứng trực tại các khu vực trọng điểm xung yếu để sẵn sàng ứng cứu, cứu hộ cứu nạn khi có tình huống.
Kiểm tra, rà soát, chủ động triển khai biện pháp đảm bảo an toàn các công trình đê điều, hồ chứa và các công trình cơ sở hạ tầng.
Riêng đối với các huyện, thị xã, thành phố ven biển, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục hướng dẫn các tàu thuyền, phương tiện (bao gồm cả tàu du lịch) còn hoạt động trên biển, ven biển chủ động thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú an toàn; có biện pháp bảo đảm an toàn đối với hoạt động du lịch, nuôi trồng, đánh bắt thủy hải sản trên biển, ven bờ.