Lũ quét, sạt lở đất tiếp tục đe dọa miền Bắc

Dự báo trong 4 ngày tới (từ 28 - 31/7), tại các tỉnh, TP phía Bắc (bao gồm cả Hà Nội) sẽ hứng chịu một đợt mưa lớn. Nguy cơ lũ quét, sạt lở đất tiếp tục đe dọa nhiều địa phương.

Người dân Hà Nội đắp đất, be bờ chống ngập úng ven sông Bùi.

Người dân Hà Nội đắp đất, be bờ chống ngập úng ven sông Bùi.

Bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia dự báo từ đêm 28/7 đến ngày 31/7, ở khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) có khả năng xảy ra mưa vừa, mưa to và dông, cục bộ có nơi mưa rất to.

Tổng lượng mưa ở khu vực vùng núi và trung du phổ biến từ 70 - 200mm, cục bộ có nơi trên 250mm. Khu vực đồng bằng có mưa từ 50 - 100mm, cục bộ có nơi trên 150mm.

Cơ quan khí tượng thủy văn cảnh báo mưa lớn có khả năng gây ra lũ quét trên các sông, suối nhỏ; sạt lở đất trên sườn dốc và tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp.

Để chủ động ứng phó với đợt mưa lớn sắp tới, Bộ NN&PTNT đã có công văn đề nghị các tỉnh, TP khu vực Bắc Bộ (bao gồm cả Hà Nội) tập trung huy động lực lượng khẩn trương khắc phục hậu quả đợt mưa lũ vừa qua.

Hồ chứa thủy điện Hòa Bình vẫn đang mở 3 cửa xả đáy.

Hồ chứa thủy điện Hòa Bình vẫn đang mở 3 cửa xả đáy.

Các địa phương theo dõi chặt chẽ bản tin dự báo, cảnh báo mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; thông tin kịp thời, đầy đủ đến các cấp chính quyền, người dân biết để chủ động phòng tránh, ứng phó, giảm thiểu thiệt hại.

Tập trung triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng, có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất để chủ động khơi thông dòng chảy, tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Cùng với đó, tổ chức lực lượng canh gác, kiểm soát, hỗ trợ, hướng dẫn bảo đảm giao thông an toàn cho người và phương tiện, nhất là tại các ngầm, tràn, khu vực ngập sâu, nước chảy xiết. Kiên quyết không cho người và phương tiện qua lại…

Theo thống kê của Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT), mưa lũ do bão số 2 đã khiến ít nhất 10 người chết và 9 người bị mất tích do mưa lũ. Trong đó, Sơn La là tỉnh chịu thiệt hại về người lớn nhất với 10 trường hợp bị chết và mất tích.

Đáng chú ý, tại Hà Nội cũng đã ghi nhận 2 trường hợp bị lũ cuốn khi đi qua ngầm tràn, được cấp cứu nhưng không qua khỏi tại xã Đông Xuân (huyện Quốc Oai) và trên sông Bùi (huyện Chương Mỹ).

Cùng với thiệt hại nghiêm trọng về người, mưa lũ đã khiến 73 nhà dân bị sập đổ, hàng chục hộ dân phải di dời khẩn cấp. 1.507 ngôi nhà bị thiệt hại. Cuộc sống của người dân nhiều địa phương đảo lộn do mưa lũ...

Trước thiệt hại nghiêm trọng do mưa lũ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện yêu cầu các tỉnh, TP rà soát, cập nhật hoàn thiện phương án phòng, chống thiên tai trên địa bàn phù hợp với diễn biến thiên tai và điều kiện cụ thể của địa phương. Các địa phương cũng cần đặc biệt lưu ý có biện pháp chủ động, quyết liệt để giảm thiệt hại về người do lũ quét, sạt lở đất. Đồng thời, Chủ tịch UBND cấp tỉnh chịu trách nhiệm trước Thủ tướng nếu để xảy ra lơ là, chủ quan trong lãnh đạo, chỉ đạo dẫn tới thiệt hại về tính mạng của người dân.

Tùng Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lu-quet-sat-lo-dat-tiep-tuc-de-doa-mien-bac.html