Lũ quét, sạt lở nghiêm trọng nhiều nơi ở vùng núi Thanh Hóa

Mưa kéo dài, lũ quét xuất hiện nhiều nơi ở khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa, gây thiệt hại về nhà cửa, hoa màu, công trình...

Cụ thể, lúc 12h ngày 23/7, nước suối Pu ở xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa dâng cao, gây ngập đập tràn, cuốn trôi 2 ngôi nhà tạm, nhiều diện tích hoa màu, cá nuôi lồng...của người dân.

Lũ quét xảy ra tại suối Pu, nước tràn qua đập tràn ở xã Thành Sơn. (Ảnh cắt từ clip).

Lũ quét xảy ra tại suối Pu, nước tràn qua đập tràn ở xã Thành Sơn. (Ảnh cắt từ clip).

Sau khi xảy ra lũ quét, lực lượng chức năng bố trí người túc trực hai bên đập tràn, cấm tuyệt đối người dân không lại gần khu vực xảy ra lũ quét.

Theo bà Hà Thị Nga, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Hóa, từ ngày 19 đến sáng ngày 22/7 trên địa bàn xảy ra mưa lớn, gây ra lũ quét, gây thiệt hại về công trình, nhà ở, giao thông.... tại 4 xã Phú Sơn, Hiền Chung, Hiền Kiệt, Phú Xuân.

UBND huyện Quan Hóa đã chỉ đạo các xã, ban quản lý các bản có thiệt hại khẩn trương tập trung lực lượng, phương tiện hỗ trợ hộ bị thiệt hại sớm ổn định đời sống. Huy động máy móc, nhân lực xử lý số lượng đất, đá sạt trượt, đảm bảo giao thông thông suốt, đặt biển cảnh báo tại các nơi nguy cơ sạt lở, tại các ngầm tràn nguy hiểm, nước lớn.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các hộ dân nơi có nguy cơ rất cao tạm di dời đến nơi an toàn khi có mưa lớn.

Mưa lớn kéo dài gây thiệt hại nhiều tài sản ở huyện Quan Sơn

Mưa lớn kéo dài gây thiệt hại nhiều tài sản ở huyện Quan Sơn

Ngoài ra, tại huyện Quan Sơn, từ ngày 21 đến 23/7, mưa lũ, sạt lở đất đã làm nhà ở, các công trình phụ, tài sản của 3 hộ dân các xã Na Mèo, Trung Tiến bị hư hỏng; 5,68ha lúa, hoa màu bị thiệt hại; gần 1.200m2 diện tích nuôi thủy sản bị cuốn trôi, thiệt hại khoảng 500kg cá; nhiều tuyến đường giao thông liên thôn của các xã Na Mèo, Mường Mìn, Sơn Thủy bị hư hại...

Trước tình hình trên, huyện Quan Sơn đã chỉ đạo và phân công các thành viên Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và phòng thủ dân sự huyện, trực tiếp xuống địa bàn các xã chỉ đạo khắc phục hậu quả; tổ chức sơ tán các hộ dân bị sạt lở đất, có nguy cơ sạt lở đất đến nơi an toàn. Đồng thời, sẵn sàng lực lượng, phương tiện và chủ động các phương án theo phương châm “4 tại chỗ” để xử lý các tình huống khẩn cấp, nhằm hạn chế thiệt hại đến mức thấp nhất khi xảy ra sạt lở đất, lũ ống, lũ quét.

Clip lũ quét tại đập tràn ở xã Thành Sơn, huyện Quan Hóa

Hoàng Lam

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/lu-quet-sat-lo-nghiem-trong-nhieu-noi-o-vung-nui-thanh-hoa-post1657441.tpo