Lũ trên các sông lên nhanh trở lại, khẩn cấp di dời dân đến nơi an toàn

Hiện nay, lũ trên các sông đang lên rất nhanh. Mực nước lúc 13 giờ ngày 17/10/2020 trên sông Bến Hải tại Gia Vòng 9.77 m, dưới BĐ3: 1.23 m; tại Hiền Lương 2.06 m, trên BĐ2: 0.06 m. Trên sông Hiếu tại Đầu Mầu 23.78 m, trên BĐ3: 0.58 m; Đông Hà 4.55 m, trên BĐ3: 0.55 m; trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn 6.93 m, trên BĐ3: 0.93 m; trên sông Ô Lâu tại Hải Tân 3.25 m, dưới BĐ3: 0.25 m. Trong ngày hôm nay các địa phương đã nỗ lực huy động các lực lượng di dời khẩn cấp các hộ dân bị ngập lụt đến nơi an toàn.

 Mưa lớn gây sạt lở tại km 44 trên Quốc lộ 9 - Ảnh: Thanh Trúc

Mưa lớn gây sạt lở tại km 44 trên Quốc lộ 9 - Ảnh: Thanh Trúc

 Triển khai lực lượng và phương tiện cứu hộ các hộ dân bị ngập lụt ở khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương, Đông Hà - Ảnh: Thanh Trúc

Triển khai lực lượng và phương tiện cứu hộ các hộ dân bị ngập lụt ở khu phố Tân Vĩnh, phường Đông Lương, Đông Hà - Ảnh: Thanh Trúc

Địa bàn huyện Hải Lăng bị ngập lụt trở lại trên diện rộng với 14/16 xã, thị trấn bị ngập lụt tương đương đỉnh lũ ngày 13/10/2020. Toàn huyện hiện có 16.875 hộ gia đình bị ngập lụt từ 0,2 – 3,5 m. Toàn bộ hệ thống giao thông các tuyến đường tỉnh, huyện, liên xã trên địa bàn đều bị ngập, chia cắt. Tuy nhiên, từ ngày 16/10/2020 nhận thấy tình hình mực nước các sông tiếp tục dâng cao trở lại nên huyện đã chỉ đạo các xã thông báo tất cả các hộ dân di dời, không được về nhà vệ sinh nhà cửa; thực hiện phương châm “4 tại chỗ” chủ động sơ tán, ứng cứu người dân ở những địa bàn trũng thấp. Tính đến 14 h chiều nay các lực lượng và địa phương đã di dời trở lại 1.787 hộ gia đình với 2.591 người từ vùng nguy cơ ngập sâu đến nơi an toàn.

Trên địa bàn thị xã Quảng Trị, một số khu dân cư và tuyến đường đã ngập sâu từ 0,5m trở lên như Khu phố 6, Khu phố 1, Phường 3; Khu phố 5, Phường 2… và một số tuyến đường như đường Ngô Thị Nhậm, đường Nguyễn Thị Lý… Để chủ động ứng phó với mưa lũ, UBND thị xã Quảng Trị đã tích cực triển khai các phương án "4 tại chỗ", yêu cầu các địa phương khẩn trương triển khai công tác sơ tán dân cư vùng ngập sâu, nguy hiểm đến nơi an toàn, nhất là người già và trẻ em; sẵn sàng nhân lực, vật lực, phương tiện để chủ động ứng cứu, cứu trợ Nhân dân trong mọi tình huống…, góp phần giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra.

Tại huyện Cam Lộ, mưa lớn kéo dài khiến mực nước trên sông Hiếu dâng cao, gây ngập lụt nghiêm trọng tại 6/8 xã, thị trấn; đặc biệt, có nhiều thôn, khu phố đang bị chia cắt, cô lập. Tính đến 10 giờ ngày 17/10/2020, đã có trên 30 khu dân cư thuộc các xã Cam Tuyền, Cam Hiếu, Cam Thủy, Cam Thành, Thanh An và thị trấn Cam Lộ bị ngập sâu trong nước. Trong đó, xã Cam Hiếu có 1.310 hộ với 4.585 nhân khẩu; xã Thanh An 985 hộ với 2.463 nhân khẩu; xã Cam Thủy 980 hộ với 3.430 nhân khẩu; xã Cam Tuyền 490 hộ với 1.715 nhân khẩu; thị trấn Cam Lộ 663 hộ với 2.321 nhân khẩu. UBND huyện Cam Lộ đã kịp thời chỉ đạo UBND các xã, thị trấn thực hiện di dời, sơ tán người dân đến nơi an toàn; đồng thời huy động nhân lực chủ chốt là công an, lực lượng quân sự huyện cùng nhiều phương tiện vượt lũ để bảo vệ tài sản, tính mạng cho Nhân dân.

Tại huyện Hướng Hóa, mực nước trên các sông, suối dâng cao gây chia cắt trên diện rộng. Cụ thể: Tại xã Ba Tầng nước lũ chia cắt 4 điểm tại thôn Hùn, Loa, Trùm, Ba Tầng; xã Hướng Lập bị nước lũ chia cắt tại thôn Cuôi, Tri; thị trấn Lao Bảo bị nước lũ chia cắt tại khóm Cao Việt, Duy Tân; xã Tân Lập bị nước lũ chia cắt tại thôn Bù, Cồn, Làng Vây; xã Thanh bị nước lũ chia cắt tại thôn Thanh 1, Thanh Mới; xã Lìa bị nước lũ chia cắt tại thôn Kỳ Tăng, Amôr, A Xóc-Lìa; nước lũ cô lập các thôn Long Thành, Xi Núc (xã Tân Long); các tuyến đường đi vào xã Hướng Lộc bị nước lũ chia cắt; tuyến đường đi xã Thuận bị nước lũ chia cắt tại Bản 1; đường ĐT 587 bị tắc đường tại ngầm tràn km 1+700 do nước lũ tràn qua… Huyện Hướng Hóa đã khẩn trương di dời 1.088 hộ/4.941 khẩu ra khỏi vùng bị ngập lụt.

Thiệt hại ban đầu trong đợt lũ lụt từ ngày 16/10/2020 đến nay, lũ lụt đã làm 1 người chết, 1 người bị thương; làm 1 nhà bị vùi lấp hoàn toàn do sạt lở đất ở thôn Tà Rùng (xã Húc); cuốn trôi 2 nhà và 5 nhà có nguy cơ bị cuốn trôi ở khóm 5, thị trấn Khe Sanh… Về giao thông, đường Hồ Chí Minh (nhánh Tây) bị sạt lở gây ách tắc giao thông (hiện các cơ quan quản lý đường bộ đang khắc phục để thông tuyến); tuyến Quốc lộ 9 bị sạt lở tại bản Vây (xã Tân Lập); tuyến đường từ xã Hướng Tân đi xã Hướng Linh bị sạt lở trở lại; tuyến đường từ Bản 1 (xã Thuận) đi xã Hướng Lộc bị sạt lở nghiêm trọng; tuyến đường liên thôn thôn Quyết Tâm đi thôn Hòa Thành (xã Tân Hợp) bị sạt lở nghiêm trọng…

Về thủy lợi, đập hồ Tân Xuyên (xã Tân Hợp) bị vỡ với chiều dài khoảng 10 m… Các công trình nước sinh hoạt bị cuốn trôi trên 3.500m đường ống (Xa Lít 300m, Tà Nghi 200m (Hướng Việt); đường ống do người dân tự đầu tư lắp đặt 3.000m). Hệ thống nước sinh hoạt thôn Chênh Vênh và Cheng bị đất đá vùi lấp, hư hỏng nặng.

Mưa lớn, nước sông dâng nhanh gây chia cắt trên diện rộng tại Đakrông. Tuyến đường ĐT.588a bị chia cắt nhiều điểm, điểm làng Cát, thị trấn Krông Klang nước ngập từ 1-2 m, tràn Phú Thành, Ba Rầu, xã Mò Ó nước ngập sâu hơn 2m. Hai xã Ba Lòng, Triệu Nguyên bị ngập sâu, tuyến đường vào trung tâm xã Ba Nang bị chia cắt ở các điểm cầu tràn Đá Đỏ, tràn Ra Lây. Đường vào trung tâm xã A Vao bị chia cắt tại cầu tràn Tà Rụt - A Vao, tràn Kỳ Neo; tuyến đường Quốc lộ 15 D bị chia cắt ở cầu tràn A Bung - A Ngo do nước ngập sâu từ 1-2m. Trên tuyến Quốc lộ 9 đoạn km 43 và km 50 thuộc địa phận huyện Đakrông bị sạt lở nghiêm trọng, làm ách tắc giao thông nhiều giờ. Công trình nước sinh hoạt thôn bị cuốn trôi trên 672m đường ống (thôn Kỳ Neh 12 m, thôn A Vao 50 m, tổ Ro Ró 2 (A Vao) 60 m, Pa Ling 100 m, Tân đi 3 xã A Vao 100 m, Tân Đi 2 xã A Vao 300 m ống, Ka Hẹp thôn A Pul 50 m). Công trình nước sinh hoạt khu tái định cư xã Húc Nghì tuyến ống bị gãy 3 điểm chiều dài 50 m.

Nhiều xã của huyện Gio Linh như Gio Việt, Gio Mai, Gio Quang, Trung Hải, Trung Sơn bị ngập sâu. Trên tuyến đường T100 đoạn hạ lưu cầu An Tiêm, xã Trung Sơn nước trên sông chảy xiết đã xuất hiện sạt lở nghiêm trọng khoảng 50 m, ăn sâu vào đất liền đe dọa đến nhiều hộ dân ở khu vực này. Ngay trong sáng 17/10/2020, lãnh đạo huyện Gio Linh đã có mặt tại hiện trường, chỉ đạo lực lượng Công an huyện và lực lượng tại địa phương tổ chức ứng cứu gần 100 hộ dân ở vùng xung yếu, trong đó, có nhiều trường hợp người già neo đơn và các cháu nhỏ sơ sinh ở thôn Bách Lộc, xã Trung Hải đến nơi an toàn.

Thành phố Đông Hà có tổng cộng 2.430 hộ dân bị ngập, địa phương đã tiến hành di dời tại chỗ và di dời khẩn cấp tổng cộng 737 hộ dân với 2.457 đến nơi an toàn.

Trên địa bàn tỉnh có 45.927 hộ với 130.701 người bị ảnh hưởng bởi mưa lũ, ngập lụt; trong đó đã triển khai sơ tán 8.694 hộ với 26.446 người đến các khu vực an toàn. Đã có 17 người chết, hai người chưa tìm thấy và 12 người bị thương do ảnh hưởng của đợt mưa lũ từ ngày 6/10/2020 đến nay.

Dự báo trong 6-12 giờ tới, lũ trên các sông tiếp tục lên và dao động ở mức rất cao. Mực nước ở một số nơi được dự báo như sau: Trên sông Thạch Hãn tại Thạch Hãn lên mức 7.30 m, trên mức BĐ3: 1.30 m; trên sông Bến Hải tại Hiền Lương 2.40 m, dưới BĐ3: 0.10 m; trên sông Hiếu tại Đông Hà khả năng đạt đỉnh 4.65 m, trên mức BĐ3: 0.65 m, trên lũ lịch sử (năm 1983) 0.07 m, sau đó giảm chậm; trên sông Ô Lâu tại Hải Tân 3.50 m, ở mức BĐ3. Nguy cơ rất cao xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi các huyện Hướng Hóa, Đakrông, Cam Lộ và phía tây các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh và Hải Lăng, sạt lở bờ sông, taluy đường giao thông, các công trình đang thi công. Tình trạng ngập lụt sâu trên diện rộng diễn ra nghiêm trọng tại vùng thấp trũng, đồng bằng các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Cam Lộ, Triệu Phong, Hải Lăng, thành phố Đông Hà và thị xã Quảng Trị.

Mực nước trên các sông đang ở mức cao, trong khi đó một số hồ thủy lợi tiếp tục xả nước điều tiết nên các xã vùng thấp nguy cơ bị ngập sâu. Chính quyền địa phương và người dân cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không được chủ quan trước thiên tai lũ lụt.

Tổ phóng viên

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=82&modid=445&itemid=152474