Lụa -- 10 năm
10 năm sau lần công diễn đầu tiên (tháng 8-2013), vở thanh xướng kịch Lụa của nhạc sĩ Quốc Bảo được thực hiện như một album ca khúc Lụa - 10 năm. Album nguyên là một vở oratorio (thanh xướng kịch) lấy cảm hứng từ tiểu thuyết của nhà văn Italia Alessandro Baricco.
Xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1996, tiểu thuyết Lụa của Alessandro Baricco nhanh chóng trở thành bestseller (tác phẩm bán chạy nhất) văn học quốc tế. Trong vòng 2 năm đầu tiên ra mắt, chỉ riêng ở châu Âu, số lượng tác phẩm bán được lên đến 700.000 cuốn.
Tác phẩm này là những chuyến du hành diệu vợi của Hervé Joncour từ thị trấn Lavilledieu ở miền Nam nước Pháp đến ngôi làng bí ẩn ở Nhật Bản, để tìm mua trứng tằm duy trì nghề chăn tằm dệt lụa. Ở đó, anh phải lòng người thiếp của vị lãnh chúa Nguyên Mộc, để rồi cả cuộc đời chìm trong ám ảnh về “đôi mắt không có dáng phương Đông”.
"Tôi viết nhạc giản dị hơn. Sự giản dị đó rất riêng, không bị trộn lẫn với bất kỳ ai" -Nhạc sĩ Quốc Bảo
Và Lụa vốn là bài hát cho Hélène, người vợ của Hervé Joncour. Trước khi viết tiểu thuyết, Alessandro Baricco là một nhà phê bình âm nhạc. Có lẽ vì thế, Lụa của ông mang đậm nhạc tính, thể hiện ở cấu trúc tiểu thuyết, được viết giống như một bản opera. Cái nhìn trong Lụa rất đặc biệt, đề cập đến mối quan hệ giữa con người với con người, giữa ta với thế giới bên trong ta.
Trở lại Lụa - 10 năm của Quốc Bảo, có các nhân vật như trong truyện và có tuyến người kể chuyện. Khi album phát hành trực tuyến, Lụa - 10 năm chỉ còn 9 ca khúc. Các ca khúc được giao cho 3 giọng ca Phạm Hoài Nam, Trini và Dạ Ngân thể hiện trên nền nhạc phối chill-out (một nhánh nhạc điện tử chủ trương âm nhạc thư giãn). 9 ca khúc vốn nằm trong nhạc mục khoảng 19 ca khúc của vở gốc. Vở này khi công diễn không thu trực tiếp được vì nhiều lý do, nên các khán giả của Lụa khá khó khăn khi tìm nghe bản thu điện thoại. Album này được hoàn thiện tại phòng thu Viết Tân sau đúng 10 năm, là tâm huyết của nhạc sĩ Quốc Bảo và các nghệ sĩ.
Trong album, Phạm Hoài Nam thể hiện vai nam chính trầm ấm, giàu cảm xúc; Trini biến hóa đa dạng; và Dạ Ngân khô lạnh, tiết chế cảm xúc. Sự phân vai trong album có đôi khi không rõ nét, bởi khác với trong vở thanh xướng kịch, mỗi ca sĩ được phân nhân vật riêng thì ở đây, ca sĩ nữ là Trini có khi vào vai người ái thiếp, có khi ở vai người vợ Hélène. Sự mơ hồ ấy cũng như tấm lụa - nhẹ tênh, mênh mang.
“Mất đến 10 năm để trả một món nợ cho khán giả yêu mến Lụa, tôi thấy nhẹ người. Nó là sự nhắc nhớ kỷ niệm với những ai từng được xem Lụa 10 năm trước, bây giờ tái sinh trong một hình hài mới. Với khán giả nghe lần đầu lại tiếp nhận như một album gồm những ca khúc mới”, nhạc sĩ Quốc Bảo chia sẻ.
Sau 10 năm, thanh xướng kịch có phần “kén người nghe” được chuyển thành ca khúc khá nhẹ nhàng. Phần lời của mỗi ca khúc là dáng hình của nỗi khắc khoải được đặt trên nền nhạc từ bộ gõ, âm thanh synthesizer, bộ dây… ru người nghe vào miền tỉnh thức. Và câu chuyện âm nhạc, nhân vật trong đó của Quốc Bảo hướng về phía nội tâm con người, không nằm ở câu chữ nữa.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/lua-10-nam-post697592.html