Lừa 170 người XKLĐ Hàn Quốc 'nuốt' 3 tỷ… trùm 'sỏ' đối diện án nào?
Với hành vi lừa đảo gần 200 người xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, chiếm đoạt gần 3 tỷ, hai nghi phạm có thể đối mặt mức phạt tù từ 2 đến 7 năm.
Mới đây, Công an TP Đà Nẵng đã bắt giữ Vũ Đức Minh (SN 1982, trú phường Phú La, quận Hà Đông, Hà Nội) và Đinh Hồng Quang (SN 1979, trú xã Tô Hiệu, huyện Thường Tín, Hà Nội để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Minh và Quang đã sử dụng CMND giả lừa đảo gần 200 người có nhu cầu xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc, chiếm đoạt gần 3 tỷ đồng rồi bỏ trốn đến nhiều tỉnh, thành.
Lừa đảo người lao động nghèo là nhẫn tâm
Trao đổi với PV Báo Tri thức và Cuộc sống, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho rằng, hành vi của hai đối tượng Minh và Quang là rất nhẫn tâm bởi những người đã bỏ tiền ra đều là người lao động nghèo và thiếu hiểu biết pháp luật.
Luật sư Cường cho biết, pháp luật Việt Nam cho phép kinh doanh dịch vụ tư vấn, giới thiệu Việt Nam trong và ngoài nước. Tuy nhiên. đây là hoạt động kinh doanh có điều kiện, phải có giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thì mới được phép hoạt động.
Thời gian qua, nhu cầu xuất khẩu lao động ra nước ngoài tăng cao, người có nhu cầu thường là những lao động tự do, ở các vùng nông thôn, trẻ tuổi chưa có kinh nghiệm, thiếu hiểu biết pháp luật và xã hội nên rất dễ trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Trên thực tế, các cơ quan chức năng liên tục phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây tổ chức đưa người đi nước ngoài trái phép, làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, lừa đảo chiếm đoạt tài sản có liên quan đến hoạt động tư vấn, môi giới việc làm, xuất khẩu lao động. Tuy nhiên, hoạt động vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này vẫn còn diễn biến phức tạp, nhiều người do thiếu hiểu biết pháp luật, cả tin nên vẫn trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo.
Các đối tượng lừa đảo trong lĩnh vực này thường là những đối tượng đã từng đi xuất khẩu lao động, có kinh nghiệm, hiểu biết về lĩnh vực này và có một số quan hệ, nên các đối tượng nắm được các phương thức thủ đoạn, quy trình xuất khẩu lao động dẫn đến dễ dàng tiếp cận, tư vấn, giới thiệu cho các nạn nhân. Các đối tượng này dễ dàng nắm bắt tâm lý, hiểu biết các nhu cầu để đưa ra các thông tin gian dối, làm cho nạn nhân tin tưởng để trao tài sản cho các đối tượng.
Luật sư Hoàng Tùng - Trưởng Văn phòng Luật sư Trung Hòa cho rằng, tình trạng lừa đảo xuất khẩu lao động thời gian vừa qua diễn ra khá phổ biến. Nhiều người dân vì nhẹ dạ cả tin, lại muốn đổi đời nơi “miền đất hứa” cho nên đã sập bẫy những đối tượng lừa đảo.
“Các vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức môi giới lao động nước ngoài cũng không còn phải là hình thức xa lạ, tuy nhiên với những thủ đoạn tinh vi, các đối tượng lừa đảo vẫn có thể hoạt động và chiếm đoạt thành công” - luật sư Hoàng Tùng nêu ý kiến.
Theo luật sư Tùng, các chiêu trò lừa đảo của các đối tượng đều là chiêu trò cũ, nhưng vẫn có rất nhiều người sập bẫy do không tìm hiểu kỹ, cũng như thiếu trang bị cho mình kiến thức, quy định pháp luật về xuất khẩu lao động.
Chiếm đoạt gần 3 tỷ, đối mặt án nào?
Luật sư Đặng Văn Cường cho biết, theo quy định của pháp luật, hành vi lừa đảo là thủ đoạn gian dối nhằm chiếm đoạt tài sản. Với số tiền chiếm đoạt từ 2.000.000 đồng trở lên, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý hình sự theo điều 174 bộ luật hình sự năm 2015, khung hình phạt là cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm. Trường hợp chiếm đoạt tài sản từ 500.000.000 đồng trở lên, đối tượng phải đối mặt với khung hình phạt là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân.
Theo thông tin từ cơ quan điều tra, hai đối tượng đã đưa thông tin gian dối để nhận tiền của các nạn nhân rồi bỏ trốn để trốn tránh trách nhiệm, thực tế các đối tượng cũng không có khả năng đưa những người này xuất khẩu lao động ra nước ngoài một cách hợp pháp. Bởi vậy, đây là hành vi có dấu hiệu của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại điều 174 bộ luật hình sự năm 2015.
“Cơ quan điều tra sẽ tiếp tục xác minh làm rõ sự việc, làm rõ các hành vi vi phạm pháp luật, làm rõ hậu quả xảy ra để có hình thức xử lý phù hợp với quy định của pháp luật. Có thể các đối tượng trong vụ án này sẽ bị khởi tố về nhiều tội danh liên quan đến hành vi làm giả tài liệu, sử dụng tài liệu giả về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Cơ quan điều tra cũng sẽ xác minh tài sản của các đối tượng này, sẽ thu giữ số tiền do phạm tội mà có để trả lại cho những người bị hại” - luật sư Cường nêu ý kiến.
Theo luật sư Hoàng Tùng, lừa đảo chiếm đoạt tài sản là hành vi của một người bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác. Thủ đoạn gian dối được thể hiện bằng những hành vi cụ thể nhằm đánh lừa chủ sở hữu hoặc người quản lý tài sản. Thủ đoạn gian dối của người phạm tội có trước khi có việc giao tài sản giữa người bị hại với người phạm tội. Với hành vi cấu kết, tổ chức lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền gần 3 tỷ đồng, hai đối tượng này có thể phải chịu mức phạt tù từ 2 đến 7 năm theo khoản 2, Điều 174 Bộ luật Hình sự 2015.
Làm sao tránh bị lừa đảo khi xuất khẩu lao động?
Luật sư Cường cho rằng, vụ án này sẽ là bài học cho những đối tượng vì lòng tham, lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của người lao động để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, đồng thời cũng là bài học cho cơ quan chức năng trong việc quản lý hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm.
“Cần quản lý chặt chẽ hơn nữa hoạt động này để tránh những vụ việc lừa đảo tương tự có thể xảy ra. Địa phương nào để xảy ra tình trạng các đối tượng tổ chức tư vấn giới thiệu việc làm trái phép thì phải xem xét trách nhiệm của cơ quan quản lý đối với lĩnh vực này để hạn chế các nguyên nhân, điều kiện phạm tội, làm trong sạch môi trường lao động và việc làm” -luật sư Cường nói.
Luật sư Hoàng Tùng đưa ý kiến, để tránh bị lừa đảo đi làm việc ở nước ngoài, ngăn ngừa những rủi ro, tổn thất, người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần tìm hiểu thông tin về doanh nghiệp đưa đi. Danh sách các doanh nghiệp có giấy phép đều được thể hiện rõ trên trang Thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước (www.dolab.gov.vn).
Bên cạnh đó, người lao động khi đã quyết định ra nước ngoài làm việc, thực tập hay học nghề, việc đầu tiên, quan trọng nhất là phải tìm hiểu thật kỹ các thông tin về chương trình mình muốn tham gia, đất nước mình sẽ đến. Những thông tin này nên tìm từ các nguồn chính thống như trang thông tin điện tử của Bộ LĐ,TB&XH, của Cục Quản lý lao động ngoài nước (Dolab) và báo chí.
Mời độc giả xem thêm video Bắt đối tượng truy nã về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản: