Lửa
Làng quê. Trưa. Im ắng. Thật im ắng. Không những mọi hoạt động của con người ngừng nghỉ mà thiên nhiên cũng lặng im. Không một chiếc lá nào lay động trong thời điểm giao thừa của hai ngọn gió nam và nồm. Khí trời hầm hập khiến những chú chó biếng chạy rong trốn mình trong bóng râm thè lưỡi thở dốc. Bỗng đâu có tiếng gà gáy một tràng. Tiếng gà gáy chao chát, lạc lõng trong cái không gian tĩnh lặng có cảm giác như viên sỏi rơi tỏm xuống mặt nước ao phẳng lỳ.
Cứ tưởng trong cái không gian ấy mọi giác quan của cuộc sống đã tê liệt. Nhưng khi chái bếp nhà bà Tư có làn khói lạ bốc lên, sự yên tĩnh giả tạo bị phá vỡ bởi những tiếng hô hoán:
- Ch..a..áy nh..à! Bà con ơi... Cháy nh..à!
Xóm làng náo động hẳn lên vì tiếng la ó, tiếng bước chân chạy thình thịch, tiếng chó sủa...
Bà Tư đang thiu thiu ngủ, giật mình choàng tỉnh. Bà vừa chống gậy đi ra sân thì thấy mọi người kẻ gàu, người xô chạy ào vô cổng nhà bà. Giọng ai đó la lên:
- Mẹ tránh qua bên cho chúng con nhờ!
- Mẹ ngồi đây chớ đi đâu kẻo ai đụng ngã thì khổ. Một chị phụ nữ nắm hai cánh tay trên của bà ấn bà ngồi xuống.
Bây giờ bà Tư mới thấy lửa bốc cao trên bếp nhà mình, thấy người ta khiêng những đồ vật trong nhà đem ra sân, thấy cảnh hối hả với những bước chân thoăn thoắt đến rối mắt.
Bà ngồi yên lặng nhìn cảnh chữa cháy. Lạ thật! Bà chẳng thấy tiếc gì cả. Có lẽ do bà già quá rồi. Dù ướt còn cháy mất nhưng của nả có gì đâu mà tiếc. Suốt mấy mươi năm chiến tranh nhà bà đã bao lần cháy. Cháy rồi dựng lại. Đó là khi còn trẻ chứ bây giờ thì... Chợt bà giật mình. Ánh mắt bà lướt nhanh qua những đồ vật mọi người đem ra... Không có!
- Mẹ đi đâu đó? Bà già! Muốn chết hả? - Giọng ai đó vang lên chặn bước chân của bà Tư lại.
Mặc kệ. Bà Tư ném gậy, xăm xăm bước gần như chạy vào ngôi nhà rỗng tuếch mờ đục màu khói. Kia rồi! Bà với tay gỡ xuống, ôm vào lòng. Ai đó bế thốc bà lên chạy ra khỏi nhà.
Đặt Bà Tư ngồi xuống mép sân, người đàn ông giận dữ:
- Bà muốn chết hả?!... Tưởng của nả gì. Thật già lẩm cẩm!
Bà nhìn anh ta, cười, tay quẹt nước mắt...
***
“Rớt tú tài anh đi trung sĩ” vậy mà cái thằng Tư chưa qua hết trung học đệ nhất cấp khi về thăm mẹ lại đeo lon thiếu úy cảnh sát. Cái xóm nhỏ chỉ vỏn vẹn mươi nóc gia được gọi là Xóm Mười Nhà xao động hẳn lên. Cứ như có đợt sóng ngầm cuồn cuộn dưới chân làm người ta không yên. Người ta xầm xì. Người ta cảnh giác. Người ta cười trên miệng, rủa trong lòng. Người ta xa lánh với người đã từng chia đau sẻ khổ trong thời chiến tranh bởi con của người đó bây giờ là thiếu úy cảnh sát.
Bao năm tang thương chiến tranh bà Tư sống trong sự sẻ chia đùm bọc của nghĩa xóm tình làng. Bây giờ bà cảm nhận sự xa lánh của mọi người cũng vì nó, cái thằng con bất nghịch của bà. Nhưng dù sao nó cũng là núm ruột của bà. Tức con nhưng không thể ghét con. Buồn xóm làng nhưng không thể giận xóm làng. Thật khốn khổ cho bà. Là mẹ con tất nhiên bà có hỏi nó. Nó nói: “Cha và anh con chết vì bom đạn chiến tranh. Con không thể đi lính hay thoát ly lên núi để làm chiến tranh. Con đi cảnh sát là để đem lại bình yên cho dân sự”. Đầu năm 1975 nó về ở với bà một ngày đêm. Bà còn nhớ lời nó nói trước khi đi biền biệt: “Nếu con không còn được về thăm mẹ thì mẹ cũng đừng buồn mẹ nhé”. Nó cầm tay bà đặt lên ngực nó, nói: “Mẹ à! Con của mẹ sống theo dẫn dắt của trái tim. Con cúi xin mẹ đừng buồn vì con”. Rồi giải phóng tháng 4/1975 cảnh đoàn viên hay ly tán của nhà nhà đều rõ ràng. Chỉ có thằng Tư con bà là biền biệt. Bà chờ đợi khắc khoải. Cửa nhà đêm đêm vẫn để mở mong bước chân con về... Sao con vẫn biền biệt, Tư ơi!...
Vào một ngày đầu tháng 7 có những người lạ hỏi thăm Xóm Mười Nhà đến nhà bà Tư hỏi và đề nghị bà Tư cung cấp thông tin về nhân thân của bà và thằng Tư. Cái xóm nhỏ bây giờ đã tăng lên gần trăm nóc gia lại xôn xao: “Thằng Tư là gián điệp đã di tản ra nước ngoài lại quay về hoạt động bị bắt. Thằng Tư sau thời gian trốn chui trốn nhủi đã xuống tàu vượt biên bị bão giập đã giết chủ tàu, cướp của, ăn thịt người để sống trong những ngày bão dạt. Bị bắt đang chờ xử bắn...”. Sự thăm viếng và những tin đồn đã quật ngã bà Tư gần một tháng trên giường bệnh. Thân già sống một mình không người kề cận, lại sống trong một địa phương mà hầu hết đều tham gia cách mạng, tưởng rằng bà đã giã từ cuộc đời lắm đau khổ của bà. Nhưng bà đã ngồi dậy bởi sự cưu mang của xóm làng. Dù sao thì chiến tranh cũng đã qua, có mất mát đau thương thì cũng đã rõ ràng. Thời gian đã làm con người nguôi ngoai oán giận. Tính thiện đã làm mọi người động lòng trắc ẩn trước một hoàn cảnh tội nghiệp neo đơn. Xóm làng kẻ gạo, người thuốc cưu mang bà Tư và tránh nhắc đến thằng Tư.
Lại một ngày tháng 7 những người khách lạ hôm trước lại đến. Lần này đi với họ còn có thêm một người khác. Họ đến Ủy ban xã rồi cùng cán bộ xã đến nhà bà Tư... Thân già tưởng đã khô kiệt nước mắt vì khổ đau, vì mỏi mòn mong nhớ đã trào ra nghẹn ngào. Những giọt nước mắt như một loại dung dịch phút chốc làm tan chảy nỗi đau âm thầm bao năm, để bằng tất cả cảm xúc của nỗi đau mới, từ trái tim người mẹ thốt ra hai tiếng “Con... ơi!”. Người khách mới cầm tấm bằng Tổ quốc ghi công giới thiệu là đồng đội cũ của con bà Tư kể với cán bộ xã và bà con Xóm Mười Nhà hiếu kỳ đến xem rằng Thiếu úy Cảnh sát Quốc gia Nguyễn Ngọc Tư là biệt động thành đã hy sinh anh dũng trong sự nghiệp giải phóng đất nước. Vì tính chính xác và cũng vì nhiêu khê trong việc xác thực nên đến nay sự hy sinh của Nguyễn Ngọc Tư mới được nhà nước công nhận và cấp bằng Liệt sĩ.
... Và bây giờ, mọi người làm sao hiểu được bà có thể chết cháy với tấm bằng Tổ quốc ghi công của con chứ không thể rời xa.
Lửa! Lửa vẫn luôn âm ỉ dù ở thể vô hình hay hữu hình. Bởi nếu không có lửa thì thế giới là một cõi lạnh lẽo không lẽ sống.
Quê nhà, ngày vào Thu 12/7/2021
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/202107/lua-3068540/