Lúa chín cúi đầu

Chuyện rằng, có vị vua kén chọn ngựa. Người ta đưa đến 2 con bạch mã đã được huấn luyện rất kỹ, lại giống hệt nhau. Vua cho gọi lính cưỡi ngựa chạy quanh sân, thấy con ngựa thứ nhất chạy nhẹ nhàng như bay, không để lại dấu vết đằng sau. Con thứ hai hí vang trời, giậm vó để lại lớp bụi bay mù mịt. Ngài liền chọn con thứ nhất, ngụ ý đề cao vẻ khiêm nhường giản dị bên ngoài, khinh thường vẻ màu mè, khua to tiếng lớn.

Câu chuyện chọn ngựa khiến ta liên tưởng hiện nay trong khi có đa số cán bộ đảng viên cần cù chăm chỉ thực hiện chức trách, phục vụ nhân dân nhưng vẫn khiêm nhường; thì lại có một số nói nhiều hơn làm, làm việc nhỏ mà khua chiêng gõ mõ. Trong khi có những người đứng đầu cơ quan rất chuẩn mực, gần gũi, khiêm nhường, thì lại có những nhân viên thừa hành lại thường tự cho mình quan trọng, có thái độ hách dịch vượt khỏi chức trách cho phép.

Cổ nhân từng có câu “Sông sâu tĩnh lặng, lúa chín cúi đầu” để nhận biết và đề cao giá trị thực của mỗi cá nhân biết khiêm nhường. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là mẫu mực của đức khiêm nhường. Người phê bình thái độ của một số cán bộ “cậy thế mình ở trong ban này ban nọ, rồi ngang tàng phóng túng, muốn sao được vậy, coi khinh dư luận, không nghĩ đến dân”. Người căn dặn: “Cán bộ đều là công bộc của dân. Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta”.

Mùa xuân Canh Tý đã đến với mọi nhà. Nhân dân mong muốn mỗi cán bộ đảng viên xây dựng cho mình một bản lĩnh, trí tuệ đi đôi với đức khiêm tốn, biết tôn trọng nhân dân; để làm tốt vai trò “một cánh én nhỏ” trong tập thể lớn, cùng dệt nên mùa xuân tươi thắm mãi.

Ngọc Linh

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/xay-dung-dang-nha-nuoc/lua-chin-cui-dau-127843.html