Lựa chọn cân bằng

Chọn Nga là điểm đến đầu tiên trong chuyến thăm chính thức nước ngoài đầu tiên sau khi có cuộc gặp các nhà lãnh đạo G7 tại Hội nghị Hòa bình về Ukraine, Thủ tướng Ấn Độ dường như đang tìm kiếm vai trò của một người gìn giữ hòa bình cho cuộc xung đột ở khu vực bằng cách chọn lựa bước đi cân bằng chiến lược trong quan hệ với Nga và phương Tây.

Động thái bất thường

Hôm nay, 8.7, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ bắt đầu chuyến thăm ba ngày tới Nga và Áo. Đây là chuyến thăm song phương đầu tiên của ông kể từ khi tuyên thệ nhậm chức nhiệm kỳ Thủ tướng thứ ba liên tiếp vào tháng trước.

Đáng lẽ theo truyền thống, ông Modi sẽ chọn một hoặc nhiều nước láng giềng của Ấn Độ cho chuyến công du nước ngoài đầu tiên của mình, nhấn mạnh chính sách "láng giềng là trên hết", coi các nước lân bang của Ấn Độ là ưu tiên trong chính sách đối ngoại.

Vì vậy, việc lựa chọn Nga và Áo lần này có vẻ kỳ lạ, nhưng nếu xem xét kỹ hơn, chúng ta có thể nhận ra “những tính toán chiến lược đằng sau động thái bất thường này”.

Với những biến động mạnh mẽ và nhanh chóng của tình hình quốc tế, mục tiêu của Ấn Độ là thúc đẩy liên kết đa phương, tức là bắt tay với các đối tác khác nhau tại các thời điểm khác nhau để tối đa hóa lợi ích của New Delhi. Một ví dụ điển hình là Ấn Độ đang nhận được dầu của Nga với giá ưu đãi bất chấp sự phản đối của phương Tây trong bối cảnh xung đột Ukraine.

Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Business Today

Thủ tướng Ấn Độ Modi và Tổng thống Nga Putin. Ảnh: Business Today

Trong bối cảnh Thủ tướng Modi không tham dự Hội nghị thường niên của Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) năm 2024 tại Kazakhstan, và vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy ông sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh BRICS do Moscow tổ chức vào cuối năm nay, việc ông Modi chọn Nga là điểm công du nước ngoài đầu tiên, khi cuộc chiến tranh Ukraine đang diễn ra, đã cho thấy những cân nhắc chiến lược quan trọng.

Cân bằng vì lợi ích chiến lược

Trước hết, đây là chuyến thăm Nga đầu tiên của ông Modi sau 5 năm, và chuyến thăm sẽ càng có ý nghĩa khi diễn ra vào thời điểm Tổng thống Nga có ít bạn bè đáng tin cậy.

Các hội nghị thượng đỉnh Ấn Độ - Nga hàng năm đã trở thành một sự kiện thường kỳ kể từ năm 2000, khi New Delhi và Moscow thay phiên tổ chức các cuộc họp. Tuy nhiên, các cuộc họp thượng đỉnh này đã bị gián đoạn trong những năm gần đây.

Năm 2021, Tổng thống Putin đã đến thăm New Delhi. Sau sự kiện Nga đưa quân vào Ukraine, điều đó đã phá vỡ mối quan hệ giữa Nga với các quốc gia phương Tây.

Mặc dù ông Modi đã gặp ông Putin vào năm 2022, nhưng không phải ở Moscow mà là bên lề cuộc họp SCO ở Samarkand, Uzbekistan. Tại cuộc họp đó, ông Modi đã nói với ông Putin rằng "đây không phải là thời đại chiến tranh".

New Delhi và Moscow đã có mối quan hệ chặt chẽ trong nhiều thập kỷ, đặc biệt là sau khi Ấn Độ và Liên Xô cũ ký "Hiệp ước Hòa bình, Hữu nghị và Hợp tác Ấn - Xô" vào năm 1971; sau năm 1991, mối quan hệ giữa hai nước đã được định hình lại.

Các hội nghị thượng đỉnh hàng năm là phương thức chính để gìn giữ mối quan hệ lâu dài trong một thế giới đang thay đổi. Quốc phòng và năng lượng là những yếu tố quan trọng của quan hệ đối tác đã được định hình lại nhưng mối quan hệ vẫn đang yếu đi do Ấn Độ phụ thuộc nhiều hơn vào phương Tây về công nghệ và đầu tư.

Trong khi đó, Nga đang dần nghiêng về phía đối thủ chiến lược của Ấn Độ là Trung Quốc sau những căng thẳng với phương Tây kể từ khi nước này sáp nhập Crimea năm 2014.

Vào năm 2022, Tổng thống Putin và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tuyên bố về “tình hữu nghị không giới hạn”.

Trong bối cảnh này, việc tham gia chính trị với Nga trong khi cố gắng bổ sung các yếu tố kinh tế thực chất vào mối quan hệ song phương là điều cần thiết. Hầu hết các thiết bị quân sự của Ấn Độ vẫn có nguồn gốc từ Nga, cần phải có phụ tùng thay thế. Ấn Độ đã bắt đầu đa dạng hóa các đối tác mua sắm quốc phòng nhưng vẫn cần Nga cung cấp các phụ tùng thay thế quan trọng và một số hệ thống phòng không S-400 đang chờ xử lý. Ấn Độ cũng đang tìm kiếm các máy bay thay thế cho một số máy bay chiến đấu Sukhoi.

Do đó, việc cân bằng mối quan hệ giữa Nga và phương Tây là điều quan trọng đối với New Delhi.

Việc Thủ tướng Ấn Độ gặp Tổng thống Putin vào hôm nay ở Moscow sau khi tham dự phiên họp mở rộng của G7 tại Italy vào tháng trước là một phần của chiến lược "phòng ngừa rủi ro" này. Ấn Độ đã tham dự một hội nghị về hòa bình ở Ukraine tại Thụy Sĩ vào tháng trước nhưng không xác nhận tài liệu kết quả.

Ngoài ra, Ấn Độ và Nga chuẩn bị ký một hiệp ước hỗ trợ hậu cần giúp Ấn Độ mở rộng phạm vi hoạt động của hải quân - thậm chí là đến Bắc Cực. Các hiệp ước tương tự với Nhật Bản, Australia và Hoa Kỳ đang cho phép tàu của Ấn Độ đi qua các tuyến đường dài hơn với quyền tiếp cận các cơ sở cảng ở các quốc gia này. Hiệp ước hậu cần của Nga dự kiến sẽ cho phép Ấn Độ tiếp cận các cơ sở hải quân của Nga ở khu vực Bắc Cực, nơi đang chứng kiến sự quan tâm ngày càng tăng trên toàn cầu và các tuyến vận chuyển mới được mở ra. Điều này cũng quan trọng đối với Ấn Độ trong bối cảnh đầu tư vào các khu vực phía đông của Nga tăng lên.

Bên cạnh đó, duy trì mối quan hệ tốt đẹp với Nga sẽ hữu ích nếu cựu Tổng thống Donald Trump trở lại Nhà Trắng sau cuộc bầu cử tháng 11. Sau cuộc tranh luận giữa Biden và Trump vào tuần trước, cơ hội giành chiến thắng trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump đã sáng sủa hơn.

Trong khi Tổng thống Putin không có mối quan hệ tốt với chính quyền Biden, thì từ đây ông đã có mối quan hệ tương đối thoải mái với cựu Tổng thống Trump; điều này nhiều khả năng sẽ không thay đổi trong nhiệm kỳ thứ hai của Trump.

Sẵn sàng cho vai trò sứ giả hòa bình

Nhiều nhà phân tích cho rằng, không loại trừ trong chuyến thăm lần này, ông Modi có thể mang thông điệp từ phương Tây đến với Tổng thống Putin, nhất là sau khi ông vừa gặp các nhà lãnh đạo châu Âu tại Hội nghị G7? Bộ Ngoại giao Ấn Độ đã nhiều lần ám chỉ rằng New Delhi sẵn sàng đóng vai trò là sứ giả giữa Nga và phương Tây; nước này cũng đã làm phần việc của mình để bảo đảm Sáng kiến Ngũ cốc biển Đen, cho phép Ukraine xuất khẩu ngũ cốc qua biển Đen của Nga, do Liên Hợp Quốc hậu thuẫn vào tháng 7.2022 được thúc đẩy. Với mối quan hệ của Ấn Độ với cả hai bên, có lẽ New Delhi có thể đóng vai trò đưa các bên tham chiến trong cuộc xung đột Ukraine vào bàn đàm phán.

Nếu ông Trump thắng cử vào tháng 11 tại Hoa Kỳ, có dấu hiệu cho thấy sự ủng hộ của Hoa Kỳ dành cho Ukraine có thể giảm sút; và châu Âu dường như chưa sẵn sàng để tự mình gánh vác gánh nặng; có lẽ đã đến lúc Ấn Độ đóng vai trò thúc đẩy hòa bình.

Quốc Đạt

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/lua-chon-can-bang-i378717/