Lựa chọn chi tiêu của 4 gia đình ở những nơi sống đắt nhất Việt Nam

Hoàng Nhâm phân chia các khoản chi tiêu cho gia đình từ đầu tháng, cố không để thiếu trước hụt sau. Trong khi đó, vợ chồng Hồng Anh tiết kiệm đều đặn 75% thu nhập để sớm mua nhà.

Theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội cùng với Quảng Ninh và TP.HCM là 3 địa phương có mức sống cao nhất cả nước năm 2022. Giữa bối cảnh giá cả sinh hoạt ngày càng tăng, các gia đình, đặc biệt là vợ chồng trẻ ở thành phố lớn, phải tính toán để cân đối hợp lý giữa khoản thu và chi hàng tháng.

Cũng theo kết quả nghiên cứu sự thích nghi và ứng phó của gia đình với đại dịch Covid-19 tại Hà Nội, đăng trên tạp chí Nghiên cứu Gia đình và Giới, để tổ chức cuộc sống gia đình phù hợp với tình hình giá cả tăng trong khi thu nhập bị sút giảm, một trong những hành động ứng phó là cắt giảm chi tiêu.

Cụ thể, chỉ có gần 6% gia đình không cắt giảm, gần 64% cắt giảm một ít và có đến 30,2% cắt giảm chi tiêu từ một nửa trở lên.

Việc cắt giảm chi tiêu phụ thuộc vào mức sống của gia đình. Có 10,8% gia đình ở mức sống khá giàu không cắt giảm, trong khi tỷ lệ này ở hai nhóm trung bình và nghèo là 2,1% và 0%. Tỷ lệ gia đình cắt giảm chi tiêu từ một nửa trở lên giảm dần theo mức sống.

Zing trò chuyện với 4 gia đình đang sinh sống tại Hà Nội và TP.HCM để nghe chia sẻ về quan điểm chi tiêu của họ.

Cố chi tiêu trong mức cho phép
Hoàng Nhâm

Nơi sống: quận Hà Đông, Hà Nội
Loại hình nhà ở: chung cư riêng
Thành viên gia đình: mẹ chồng, 2 vợ chồng, 2 con
Nghề nghiệp: chồng là kỹ sư IT, vợ làm nhân viên văn phòng
Thu nhập: 28 triệu đồng/tháng
Các khoản chi tiêu: ăn uống, sinh hoạt phí (8 triệu đồng); học phí của con (14 triệu đồng); bỉm, sữa (2 triệu đồng); thuốc men và khám chữa bệnh (2 triệu đồng); tiết kiệm (2 triệu đồng)
Quan điểm chi tiêu: chia các khoản cụ thể từ đầu tháng, cố gắng chi tiêu trong mức cho phép

Cuối tháng, khi tài khoản ngân hàng của hai vợ chồng báo có lương, tôi nhanh chóng chia nhỏ thành 5 phần để chi tiêu. Dù cố gắng cân đối trong mức cho phép là 26 triệu đồng, tôi vẫn thường xuyên thấy thiếu.

Khoản khám chữa bệnh thường phát sinh nhiều. Hai con sức đề kháng yếu nên hay đi viện, đồng nghĩa với tiền viện phí và thực phẩm bồi bổ tăng. Một khoản chi tiêu khác cũng thường phát sinh là ăn uống. Các con khá kén ăn nên tôi hay cho bé ra ngoài để thay đổi không khí, ăn ngon miệng hơn.

Tôi đều ghi chú các khoản chi tiêu mỗi tháng để so sánh. Những tháng không có nhiều hiếu hỷ hay con ốm đau thì thường vừa đủ chi. Tháng nào tiêu nhiều hơn, tôi cắt giảm các khoản khác hoặc lấy từ tiền tiết kiệm, thưởng cuối năm, lễ, Tết để bù vào.

Nhìn chung, phần lớn các tháng đều chi tiêu chênh lệch so với dự chi khoảng 2-3 triệu đồng.

Năm 2022, chi tiêu trung bình mỗi tháng của gia đình tôi khoảng 25-26 triệu đồng. Năm 2023, con số này là 28-29 triệu đồng. Một phần vì thời tiết giao mùa, mẹ chồng và hai con ốm nhiều hơn, một phần do giá cả đắt đỏ hơn.

So với thu nhập của những nhà xung quanh, gia đình tôi chỉ ở mức trung bình. Tôi cố gắng tính toán thật kỹ từng khoản chi và cùng chồng làm thêm để cải thiện thu nhập.

Một trong những khoản cắt giảm là đi ăn ngoài và mua đồ chơi cho con. Tôi thường xuyên phải trao đổi với chồng vì anh khá chiều con. Mỗi khi con đòi hỏi, tôi phải đánh lạc hướng bằng cách làm cho bé món ăn lạ miệng hay tự bày trò chơi.

Ngoài ra, thay vì đi du lịch hay đến trung tâm thương mại thường mất một khoản lớn, gia đình tôi sẽ tới công viên, khu vui chơi ngoài trời và di chuyển bằng phương tiện công cộng như xe buýt, tàu điện để tiết kiệm chi phí.

Sử dụng thẻ tín dụng thông minh
Nguyễn Phương

Nơi sống: quận Đống Đa, Hà Nội
Loại hình nhà ở: nhà riêng
Thành viên gia đình: 2 vợ chồng, 1 con
Nghề nghiệp: chồng làm quản lý thương hiệu, vợ là chuyên viên truyền thông
Thu nhập: 50-60 triệu đồng/tháng
Các khoản chi tiêu: ăn uống, bỉm của con, vật dụng gia đình (14-15 triệu đồng); học phí của con (3,5-3,7 triệu đồng); trả nợ vay mua ôtô (3,5 triệu đồng); quỹ dự phòng đau ốm, cưới xin,... (5 triệu đồng); tiết kiệm (10 triệu đồng)
Quan điểm chi tiêu: dùng thẻ tín dụng tiêu trước trả sau, kiểm soát tốt để không bị nợ

Vợ chồng tôi chi tiêu tiền gia đình bằng thẻ tín dụng vì mua sắm online và trả bằng thẻ nhiều, mỗi tháng khoảng 14-15 triệu đồng. Sau khi chi cho các khoản chính (tính cả tiết kiệm) hết khoảng 40 triệu đồng, số dư còn lại là tiền tiêu riêng, tôi và chồng sẽ tự tính toán.

Tháng nào cưới xin nhiều, tiền mừng trên 5 triệu đồng, vợ chồng tôi vừa đủ tiêu, phải vay thêm vài triệu hoặc xén bớt vào khoản tiết kiệm.

Nếu con ốm phải đi viện, tiền tích lũy sẽ bị hụt kha khá. Ví dụ, có tháng bé vào viện gần một tuần đóng 10-11 triệu đồng, một phần do nhà tôi không mua bảo hiểm sức khỏe nên tốn kém.

Dùng thẻ tín dụng tiêu trước trả sau đi đôi với nỗi lo “vung tay quá trán”. Tuy nhiên, vợ chồng tôi sử dụng đã lâu, thậm chí còn kiểm soát tốt vì hiểu nếu nổi hứng tiêu gì quá tay là tháng sau lại chật vật.

Bình thường, thu nhập của tôi khoảng 20-23 triệu đồng từ công việc chính và làm freelance (tự do). Tôi vừa xin nghỉ việc từ ngày 31/3 nên mất một phần thu nhập khoảng 10 triệu đồng. Điều này chỉ ảnh hưởng một chút tới tiền tiết kiệm. Vì vậy, tôi chỉ dự định nghỉ ngơi 1-2 tuần rồi sẽ tìm việc mới.

So với chồng, tôi ít để ý đến việc tính toán chi tiêu. Các khoản đều do anh ghi ra và thống nhất với tôi cùng thực hiện. Thẻ tín dụng cũng là chồng giữ.

Nhìn chung, khoản chi cho con cái khá tốn kém. Bé mới hơn 2 tuổi nên vợ chồng tôi chưa cho đi học thêm gì. Nhưng khi con lớn hơn chút nữa, cần học ngôn ngữ hoặc các môn năng khiếu khác, chúng tôi sẽ phải xem xét và cân đối lại chi tiêu hoặc cố gắng cày thêm.

Làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu
Nguyệt Quang

Nơi sống: quận 3, TP.HCM
Loại hình nhà ở: chung cư thuê
Thành viên gia đình: 2 vợ chồng, 2 con
Nghề nghiệp: chồng có công ty cho thuê xe, vợ mở công ty về dịch vụ nhân sự
Thu nhập: 70-80 triệu đồng/tháng từ kinh doanh
Các khoản chi tiêu: học phí của con (30 triệu đồng); thuê nhà, điện, nước, Internet (20 triệu đồng); ăn uống (10 triệu đồng); giao lưu đối tác, bạn bè (5-10 triệu đồng); du lịch (5-10 triệu đồng); mua sắm đồ chơi, quần áo, mỹ phẩm,... (3-4 triệu đồng)
Quan điểm chi tiêu: làm bao nhiêu, tiêu bấy nhiêu, tiền để đầu tư hơn là tiết kiệm

Với quan điểm chi tiêu thoáng, vợ chồng tôi làm ra bao nhiêu, tiêu hết bấy nhiêu nên gần như không có tiền tích lũy.

Tôi luôn cho rằng khoản đầu tư lớn nhất trong chi tiêu của gia đình tôi hàng tháng là học phí của hai con ở trường tư thục - 30 triệu đồng. Sau khi lo liệu hết các khoản chính, còn lại bao nhiêu tiền, tôi sẽ cân đối cho những việc ít cần thiết hơn như giao lưu đối tác/gặp gỡ bạn bè, du lịch, mua sắm cá nhân.

Có căn hộ chung cư cho thuê, sở hữu đất trong và ngoài thành phố, vợ chồng tôi vẫn chọn đi thuê nhà. Cũng nhờ cho thuê tài sản (xe hơi, nhà, đất), chúng tôi có thu nhập thụ động hàng tháng. Toàn bộ khoản này được sử dụng để thanh toán nợ ngân hàng và tái đầu tư.

Nếu ở quê, mức thu nhập 70-80 triệu đồng/tháng đủ để gia đình 4 người sống thoải mái. Nhưng so với mặt bằng chung tại TP.HCM, chi tiêu của nhà tôi chỉ ở mức bình thường.

Dù không có tiền tích lũy, đôi khi còn xài kiểu “vung tay quá trán”, vợ chồng tôi không áp lực, thậm chí coi đó là động lực để kiếm tiền.

Ưu tiên tiết kiệm hơn chi tiêu
Hồng Anh

Nơi sống: quận 10, TP.HCM
Loại hình nhà ở: nhà của bố mẹ đẻ
Thành viên gia đình: bố mẹ vợ, 2 vợ chồng
Nghề nghiệp: chồng làm ở mảng nhân sự, vợ là bác sĩ
Thu nhập: 40 triệu đồng/tháng
Các khoản chi tiêu: ăn uống, mua sắm (10 triệu đồng); tiết kiệm: 30 triệu đồng
Quan điểm chi tiêu: ưu tiên tiết kiệm hơn là chi tiêu

Với kế hoạch mua nhà ở TP.HCM rồi mới sinh con, vợ chồng tôi đặt mục tiêu tiết kiệm nhiều nhất có thể.

Hàng tháng, sau khi nhận lương, chồng chuyển toàn bộ cho tôi để cân đối. Tôi chia thu nhập thành hai phần: 75% tiết kiệm (30 triệu đồng), 25% tiêu xài (10 triệu đồng).

Nhờ ở cùng bố mẹ, chúng tôi không tốn chi phí thuê nhà. Số tiền chi tiêu chủ yếu là ăn uống (trong đó gửi bố mẹ phí sinh hoạt 4 triệu đồng) và mua sắm.

Vợ chồng tôi thường tiết kiệm đủ 30 triệu đồng, nhưng cũng có tháng phát sinh chi phí cho sinh nhật, hiếu hỷ,...

Như tháng 4 này, nộp tiền học lái xe cho chồng 9 triệu đồng (tổng 18 triệu đồng chia làm hai lần đóng) và đi du lịch 10 triệu đồng nên phần tích lũy chỉ còn 10 triệu đồng.

Mỗi năm, vợ chồng tôi chỉ đi du lịch 2-3 lần, thường là lên Đà Lạt nghỉ dưỡng. Cưới xin cũng không nhiều, trong tầm kiểm soát được, chỉ khi nào tốn 3 triệu đồng trở lên mới phải tiêu xén vào khoản tiết kiệm. Do đó, mục tiêu để dành mua nhà riêng không bị xáo trộn nhiều.

Thiên Nhi - Hải Phong

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lua-chon-chi-tieu-cua-4-gia-dinh-o-nhung-noi-song-dat-nhat-viet-nam-post1422280.html