Lựa chọn địa bàn khảo sát và giám sát có tính đại diện, đặc thù cao
Chia sẻ kinh nghiệm trong tham gia các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Ủy ban Pháp luật tại Hội nghị sáng nay, 27.9, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, việc khảo sát, giám sát thực địa tại địa phương là nội dung không thể thiếu, cần lựa chọn những địa bàn có tính đại diện, đặc thù cao.
Xác định đúng phạm vi, mục tiêu giám sát
Năm 2022 là năm bản lề trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Chương trình hành động của Đảng đoàn Quốc hội. Với quan điểm xác định nhiệm vụ đổi mới và đẩy mạnh công tác giám sát là khâu trọng tâm, then chốt để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của Quốc hội, hoạt động giám sát tiếp tục được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo, có nhiều đổi mới, cải tiến về phương thức, cách thức tổ chức hoạt động nhằm nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả.
Trong quá trình này, Ủy ban Pháp luật đã tham gia đầy đủ, có trách nhiệm vào hoạt động của các Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các hoạt động giám sát khác theo Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022; triển khai chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật bảo đảm tiến độ, chất lượng. Trong đó, nổi bật là công tác chủ trì tham mưu, phục vụ triển khai có hiệu quả hoạt động giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về "Việc thực hiện các nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019 - 2021".
Kết quả giảm sát đối với chuyên đề này đã được báo cáo với Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Phiên họp thứ 15 vào tháng 9.2022 vừa qua. Nội dung và kết quả giám sát đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội và các cơ quan có liên quan đánh giá tốt. Trên cơ sở kết quả giám sát chuyên đề này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 595/NQ/UBTVQH15 về việc tiếp tục thực hiện chủ trương sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã.
Đạt được kết quả như vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, đầu tiên phải kể đến sự chỉ đạo sát sao, liên tục của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đối với việc triển khai nội dung giám sát chuyên đề. Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật với tư cách là cơ quan tham mưu chính cho chuyên đề giám sát đã chủ động xây dựng các dự thảo kế hoạch giám sát chi tiết, tham mưu thành lập Đoàn giám sát, xây dựng đề cương chi tiết yêu cầu các cơ quan báo cáo các nội dung liên quan đến nội dung giám sát từ rất sớm.
“Do phạm vi giám sát được xác định sát và đúng từ đầu, có trọng tâm, trọng điểm, mục tiêu giám sát cũng đã được hình dung, mường tượng rõ, nên yêu cầu báo cáo cũng hết sức tập trung, đúng đối tượng, không dàn trải”, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật chia sẻ kinh nghiệm.
Bên cạnh đó, Ủy ban Pháp luật cũng có một kinh nghiệm khác là cùng với việc nghiên cứu tài liệu, báo cáo của các cơ quan là đối tượng giám sát, của các Đoàn Đại biểu Quốc hội, HĐND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, thì việc khảo sát, giám sát thực địa tại địa phương cũng là nội dung không thể thiếu trong hoạt động giám sát chuyên đề.
Để việc giám sát, khảo sát thực tế có hiệu quả cao, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Phương Thủy nêu rõ, Đoàn giám sát đã phải tổ chức nghiên cứu kỹ lưỡng, lựa chọn địa bàn có tính đại diện, đặc thù cao, xác định cụ thể nội dung khảo sát ở từng địa phương bám sát với mục tiêu của nội dung giám sát. Do đó, tuy chỉ lập 3 đoàn khảo sát thực tế ở 6 tỉnh, thành phố, nhưng với cách thức, phương pháp tổ chức, làm việc khoa học, hiệu quả, nên kết quả khảo sát mà Đoàn giám sát nhận được là hết sức tích cực, làm cơ sở quan trọng cho việc đề xuất các giải pháp kiến nghị mà sau đó đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội ghi nhận trong Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề này.
Kết quả giám sát đối với chuyên đề này đã giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, đánh giá, chỉ ra những kết quả tích cực đạt được cũng như những mặt hạn chế, vướng mắc và nguyên nhân trong quá trình thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2019-2021; trên cơ sở đó, đề xuất các giải pháp tháo gỡ vướng mắc, khắc phục các bất cập, tồn tại; kiến nghị hoàn thiện chính sách, pháp luật có liên quan đặc biệt là cung cấp các luận cứ khoa học, cơ sở thực tiễn để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1210/2016/UBTVQH13 về phân loại đô thị, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 1211/2016/UBTVQH13 về tiêu chuẩn của đơn vị hành chính và phân loại đơn vị hành chính cũng đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, thông qua tại phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 9.2022 vừa qua.
Trong việc thẩm tra các báo cáo của Chính phủ để trình Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đặc biệt là Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm chất lượng báo cáo, tạo điều kiện cho việc xem xét, đánh giá sát thực về công tác tổ chức thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Tổng Thư ký Quốc hội, Bộ Tư pháp xây dựng, báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất "Một số yêu cầu về nội dung Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội", làm cơ sở cho Chính phủ và các cơ quan thống nhất thực hiện.
Nhờ đó, chất lượng xây dựng báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội năm 2022 được nâng lên đáng kể, bảo đảm tính toàn diện, thông tin, số liệu được tổng hợp, cập nhật đầy đủ, có so sánh, đối chiếu với kết quả thực hiện của năm trước. Điều này cũng tạo thuận lợi cho việc nghiên cứu, thẩm tra của Ủy ban Pháp luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến tại phiên họp thứ 15 vừa qua.
Qua thực tiễn tham mưu, phục vụ triển khai Chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và tổ chức thực hiện Chương trình giám sát của Ủy ban Pháp luật năm 2022, Ủy ban Pháp luật nhận thấy có một số khó khăn, vướng mắc như sau:
Đó là vẫn chưa khắc phục được sự thiếu cân đối giữa các hoạt động phục vụ công tác xây dựng pháp luật với hoạt động giám sát trong hoạt động của Ủy ban, Thường trực Ủy ban Pháp luật. Bởi khối lượng công việc được giao cho Ủy ban Pháp luật là rất lớn, thời gian dành cho hoạt động giám sát vì vậy còn hạn chế và khó bố trí được thời gian làm việc thỏa đáng.
Việc phân công trách nhiệm, cơ chế phối hợp trong việc tham mưu phục vụ các Đoàn giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong một số trường hợp còn chưa thật rành mạch. Việc mời chuyên gia tham gia các tổ giúp việc còn có khó khăn, do số lượng chuyên gia ít trong khi nhiều tổ lại hoạt động trong cùng thời điểm; bên cạnh đó, chế độ đãi ngộ đối với chuyên gia thấp nên khó thu hút được các chuyên gia giỏi.
Còn tình trạng cơ quan chịu sự giám sát chưa bảo đảm tiến độ, chất lượng báo cáo theo yêu cầu, chưa nghiêm túc thực hiện một số kiến nghị giảm sát, yêu cầu tại các kết luận, nghị quyết về giám sát chuyên đề của các cơ quan của Quốc hội; việc theo dõi, đôn đốc thực hiện kiến nghị giám sát cũng chưa thực sự quyết liệt, thường xuyên....
Nguyên nhân của những hạn chế nêu trên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, là do khối lượng công việc thường xuyên được giao phụ trách của Ủy ban Pháp luật tương đối nhiều, nhiều công việc phát sinh đột xuất (ngoài chương trình, kế hoạch), trong khi đó, bộ máy tham mưu, giúp việc của Ủy ban hiện đang hết sức thiếu cả về số lượng và chuyên viên có chuyên môn vững, chuyên sâu. Cơ chế phối hợp, huy động nguồn lực hỗ trợ tư vấn cho Đoàn giảm sát chưa thật hiệu quả. Chưa có cơ chế xử lý đối với một số cơ quan thuộc đối tượng giám sát chưa có trách nhiệm cao trong việc thực hiện các yêu cầu giám sát.
Phải chỉ rõ mặt được, chưa được, nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và của Ủy ban Pháp luật từ nay đến cuối năm 2022, và triển khai Chương trình giám sát năm 2023, Thường trực Ủy ban Pháp luật kiến nghị một số vấn đề cần được chú trọng triển khai:
Thứ nhất, tiếp tục phát huy những kinh nghiệm, cách làm sáng tạo, hiệu quả đã được kiểm nghiệm qua thực tiễn tổ chức các hoạt động giám sát chuyên đề và hoạt động giám sát khác của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội năm 2022.
Thứ hai quán triệt và thực hiện nghiêm quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân; Quy chế tổ chức thực hiện một số hoạt động giám sát ban hành kèm theo Nghị quyết số 334/2017/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Nghị quyết số 560/NQ-UBTVQH15 ngày 22.7.2022 về hướng dẫn việc tổ chức thực hiện hoạt động giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội. Đồng thời, thực hiện đồng bộ các giải pháp đổi mới được đề xuất tại Đề án tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát đã được Đảng đoàn Quốc hội phê duyệt.
Thứ ba, đề cao trách nhiệm của cơ quan chủ trì tiến hành giảm sát trong việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai các hoạt động, linh hoạt điều chỉnh theo yêu cầu thực tiễn, bảo đảm chất lượng các kết luận và báo cáo kết quả giám sát. Kết luận, kiến nghị giám sát phải chỉ rõ mặt được, chưa được và nguyên nhân, trách nhiệm đối với các vấn đề tồn tại, hạn chế, bám sát thực tiễn và có tính thuyết phục; xác định rõ nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để khắc phục các bất cập, hạn chế gắn với trách nhiệm thực hiện và tiến độ hoàn thành cụ thể để có cơ sở kiểm tra, giám sát. Đồng thời, cần quan tâm hơn nữa đến công tác theo dõi, giám sát việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát.
Thứ tư, việc lựa chọn nội dung giám sát, nhất là giám sát chuyên đề cần tập trung vào những vấn đề bất cập, bức xúc có tính thời sự của đất nước, được cử trị, Nhân dân quan tâm. Việc phân công nhiệm vụ cho các thành viên Đoàn giám sát là đại diện Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban cần tinh đến khả năng, quỹ thời gian thực hiện thực tế, cân đối, hài hòa với yêu cầu thực hiện nhiệm xuyên của Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban.
Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện cách thức tổ chức và hoạt động của các đoàn công tác, tổ khảo sát của các Đoàn giám sát bảo đảm gọn nhẹ, khoa học và hiệu quả; công chức giúp việc các đoàn công tác, tổ khảo sát nên sử dụng huy động chủ yếu từ đơn vị giúp việc của cơ quan thường trực Đoàn giám sát và các đơn vị giúp việc chung của Văn phòng Quốc hội; bố trí thời gian làm việc hợp lý để hạn chế gây phiền hà, ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan, tổ chức, địa phương chịu sự giám sát.
Thứ sáu, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động giám sát công tác tổ chức thi hành pháp luật, giám sát văn bản quy phạm pháp luật và tổ chức phiên giải trình tại Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội phù hợp với lĩnh vực thuộc phạm vi phụ trách.