Lựa chọn đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín
Quy định số 205-QĐ/TW của Bộ Chính trị về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền do Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng ký ban hành ngày 23-9-2019 có ý nghĩa quan trọng, thu hút sự quan tâm đặc biệt của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là ở thời điểm chuẩn bị đại hội Đảng các cấp, tiếp tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII.
Nhiều người tin tưởng, Quy định 205-QĐ/TW là “bảo bối” để các cấp ủy và đại hội Đảng các cấp sắp tới lựa chọn được những người đủ đức, đủ tài để gánh vác công việc của đơn vị, địa phương và lãnh đạo đất nước ngày càng phát triển vững mạnh.
* Kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, thời gian qua công tác cán bộ đã dần đi vào nền nếp, bám sát các quan điểm, nguyên tắc của Đảng và đạt được những kết quả quan trọng. Đảng ta đã xây dựng, bổ sung, hoàn thiện và ban hành nhiều nghị quyết, quy định, quy chế về cán bộ và công tác cán bộ, góp phần kiểm soát quyền lực, phòng chống những tiêu cực trong công tác cán bộ.
Đồng chí Nguyễn Thanh Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương cho biết, vừa qua các tỉnh ủy, thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Trung ương đã tiến hành rà soát 2.169.908 trường hợp. Trong đó có 2.827 trường hợp sai về quy trình, thủ tục trong các khâu của công tác cán bộ; 55.697 trường hợp thiếu tiêu chuẩn, điều kiện. Tỷ lệ thiếu tiêu chuẩn, điều kiện hoặc sai về quy trình thủ tục trong đề bạt, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, giới thiệu cán bộ ứng cử ở cấp huyện là cao nhất, tiếp theo là cấp tỉnh và thấp nhất là cấp Trung ương.
Tuy nhiên, cùng với quá trình đổi mới, mặt trái của nền kinh tế thị trường đã ảnh hưởng sâu sắc đến đời sống xã hội, đặc biệt là công tác cán bộ. Tình trạng chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền và các tiêu cực khác trong công tác cán bộ còn xảy ra khá phổ biến ở các cấp, các ngành nhưng chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.
Điều mà cán bộ, đảng viên quan tâm lo lắng nhất hiện nay là hiện tượng cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất, uy tín nhưng vẫn được quy hoạch, điều động, bổ nhiệm; thiếu dân chủ hoặc dân chủ hình thức, thiếu công khai, minh bạch trong công tác cán bộ; tình trạng ưu ái người thân, người quen, cùng quê, cùng “phe cánh”…
Để thiết lập được một cơ chế kiểm soát việc thực thi quyền lực, theo Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Thanh Bình, quy định đã xác định các chủ thể có quyền hạn, trách nhiệm trong công tác cán bộ một cách cụ thể, quy định những việc phải làm, không được làm của các chủ thể đó trên nguyên tắc mọi quyền lực đều phải được kiểm soát chặt chẽ; nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền, thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này; bổ sung chế tài, hình thức xử lý đối với người vi phạm; đề cao trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong công tác cán bộ.
Ngoài ra, còn có những nội dung nhằm đảm bảo tính khách quan cho những người thực thi nhiệm vụ đồng thời ngăn chặn tiêu cực, “lợi ích nhóm”, “hoàng hôn nhiệm kỳ” có thể xảy ra trong công tác cán bộ.
Ông Trần Quang Toại, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật tỉnh cho rằng, các cấp ủy, tổ chức Đảng, tập thể lãnh đạo địa phương, cơ quan đơn vị tập trung lãnh đạo chỉ đạo thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định, quy chế, quy trình về công tác cán bộ. Thường xuyên kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm minh những hạn chế, khuyết điểm trong công tác cán bộ, từ đó để công tác cán bộ được thực hiện đúng kỷ cương phép nước và quy định của Đảng.
* Kiên quyết chống chạy chức, chạy quyền
Quy định 205-QĐ/TW đã nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này. Theo đó, các hành vi chạy chức, chạy quyền là tiếp cận, thiết lập quan hệ, hối lộ, mua chuộc người có trách nhiệm, chức vụ quyền hạn hoặc người có liên quan nhằm mục đích có được vị trí, chức vụ, quyền lợi. Tranh thủ mọi lúc, mọi nơi, nhất là các dịp lễ, Tết hay sinh nhật và các cơ hội khác để tặng quà, tiền, bất động sản, sắp xếp các hoạt động vui chơi, giải trí cho cán bộ lãnh đạo, người có thẩm quyền hoặc người có liên quan đến mục đích được sự ủng hộ, tín nhiệm, được vị trí, chức vụ, quyền lợi, lợi dụng các mối quan hệ thân quen hoặc sử dụng lợi thế, vị trí công tác uy tín của người khác để tác động; tranh thủ gây sức ép với người có thẩm quyền, trách nhiệm trong việc giới thiệu bổ nhiệm mình hoặc người khác…
Kết quả nghiên cứu của Viện Nghiên cứu dư luận xã hội, Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, trước năm 2012, hiện tượng chạy chức, chạy quyền, chạy tội đã là một trong những vấn đề được dư luận xã hội quan tâm nhưng chưa phải là một trong những vấn đề gây bức xúc nhất. Từ năm 2012 đến nay, hiện tượng này luôn nằm trong nhóm 5 vấn đề bức xúc nhất trong năm.
Không chỉ nhận diện rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền, Quy định 205-QĐ/TW cũng có riêng 1 điều về xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền và bao che tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền.
Theo đó, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có hành vi chạy chức, chạy quyền hoặc bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền thì bị xử lý nghiêm theo quy định của Đảng, Nhà nước. Các hành vi chạy chức, chạy quyền, bao che, tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền liên quan đến việc đưa, nhận hối lộ hoặc các hành vi vi phạm khác đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự thì phải chuyển hồ sơ sang cơ quan chức năng để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật; không giữ lại để xử lý hành chính.
Phó trưởng ban thường trực Ban Tổ chức Tỉnh ủy Đặng Minh Nguyệt cho biết, theo Kế hoạch 290 của Tỉnh ủy về thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, công tác nhân sự nhiệm kỳ 2020-2025 phải đảm bảo nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ mà trực tiếp là Ban Chấp hành, Ban TVTU, cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp.
Kiên quyết sàng lọc, không để lọt vào cấp ủy khóa mới những người bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, tiêu cực, lợi ích nhóm; vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm.
Quan liêu, cửa quyền, thiếu gắn bó mật thiết với nhân dân. Bản thân hoặc vợ (chồng), con vi phạm các quy định của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước làm ảnh hưởng tới uy tín cơ quan, đơn vị, bản thân cán bộ; kết quả thực hiện nhiệm vụ không cao.
Việc Bộ Chính trị ban hành Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền đang đem lại sự tin tưởng vào việc các cấp ủy Đảng sẽ xây dựng được đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; góp phần xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh; củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng.
Trong thời điểm các cấp ủy đang triển khai thực hiện Chỉ thị 35-CT/TW của Bộ Chính trị về tổ chức đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội XIII của Đảng thì việc ban hành và thực hiện Quy định 205-QĐ/TW lại càng cần thiết đối với công tác nhân sự của nhiệm kỳ mới, bảo đảm cho việc lựa chọn được người đủ phẩm chất, năng lực và uy tín vào bộ máy lãnh đạo.