Lựa chọn đối tượng ưu tiên trong khuyến khích điện mặt trời mái nhà

Bộ Công Thương lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước. Khi hệ thống điện Quốc gia có thêm nguồn điện 'chạy nền', việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ mở rộng ra các đối tượng khác.

Mới đây Bộ Công Thương đã xây dựng dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp để tự sử dụng mà không bán điện cho tổ chức, cá nhân khác.

Sau khi dự thảo Quyết định được công bố, trên một số diễn đàn mạng xã hội có những ý kiến cho rằng nên mở rộng cơ chế ưu đãi phạm vi lắp đặt hệ thống điện mái nhà tự sản tự tiêu cho các đối tượng khác. Tuy nhiên, các chuyên gia năng lượng cho rằng, cách tiếp cận của Bộ Công Thương là phù hợp tại thời điểm hiện nay. Sự phát triển nguồn điện luôn phải song hành với sự phát triển của lưới điện, sự hài hòa giữa nguồn điện “chạy nền” và năng lượng tái tạo nhằm đảm bảo an ninh hệ thống điện, vận hành an toàn và điều độ của hệ thống điện quốc gia.

Trong thời gian tới, khi hệ thống điện có thêm nguồn điện “chạy nền”, việc khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà sẽ mở rộng ra các đối tượng khác.

Việc lựa chọn ưu tiên điện mặt trời mái nhà đối với nhà ở, công sở, trụ sở doanh nghiệp, được Bộ Công Thương báo cáo tại văn bản số 74/BC-BCT dự thảo Quyết định về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp tại Việt Nam.

Theo đó, các cơ chế khuyến khích dựa trên cơ sở của Quyết định 500/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia 2021 - 2030, tầm nhìn năm 2050 (Quy hoạch điện VIII); trong đó đặt ra mục tiêu đến năm 2030 có 50% tòa nhà công sở, nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu.

Xem thêm: Cần có cơ chế đột phá khuyến khích lắp đặt điện mặt trời mái nhà đăng trên Tạp chí Công Thương tại đây.

Trong phương án phát triển nguồn điện, Quyết định 500 cũng đã nêu “ưu tiên và có chính sách đột phá để thúc đẩy phát triển điện mặt trời mái nhà của người dân và mái nhà công trình xây dựng, nhất là các khu vực có nguy cơ thiếu điện như miền Bắc và điện mặt trời tự sản, tự tiêu. Từ nay đến năm 2030, công suất các nguồn điện loại hình này ước tính tăng thêm 2.600 MW. Loại hình nguồn điện này được ưu tiên phát triển không giới hạn công suất, với điều kiện giá thành hợp lý và tận dụng lưới điện sẵn có, không phải nâng cấp”.

Ngày 10/6, Văn phòng Chính phủ có công văn số 4286/VPCP-CN gửi Bộ trưởng Bộ Công Thương và Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp về việc thực hiện một số nhiệm vụ để triển khai đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch điện VIII. Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Công Thương “Nghiên cứu ban hành quy định khuyến khích phát triển các dự án điện mặt trời phân tán, áp mái với mục đích tự sản, tự tiêu”.

Tiếp đó, ngày 12/6/2023, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 219/TB-VPCP Kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, trong đó nêu rõ “Chỉ thị 20/CT-TTg ngày 08 tháng 6 năm 2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường tiết kiệm điện giai đoạn 2023 - 2025 và các năm tiết theo có đặt ra yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 có 50% các tòa nhà công sở và 50% nhà dân sử dụng điện mặt trời mái nhà tự sản, tự tiêu”; giao Bộ Công Thương “nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ/Thủ tướng Chính phủ ban hành cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư, huy động nguồn lực điện mặt trời áp mái phục vụ cho hoạt động dân sinh và các cơ quan công sở”.

Do vậy, Bộ Công Thương lựa chọn hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của doanh nghiệp để thực hiện trước.

Dự thảo Quyết định khuyến khích phát triển điện mặt trời mái nhà, áp dụng cho hệ thống lắp đặt tại nhà ở, công sở, trụ sở của các doanh nghiệp được đánh giá có nhiều quy định “mở” khi cho phép tổng công suất hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt theo Quyết định này trên toàn quốc được “ưu tiên phát triển không giới hạn công suất” (Điều 4.1 Dự thảo).

Các chủ đầu tư được miễn trừ giấy phép hoạt động điện lực, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh điện; được ưu tiên bố trí ngân sách; miễn hoặc giảm các loại thuế, phí; được vay vốn với lãi suất ưu đãi... (Điều 4.2, 4.3, 4.4 Dự thảo). Đồng thời, hệ thống điện mặt trời mái nhà lắp đặt vào hệ thống điện đã được đấu nối không phải thực hiện thỏa thuận đấu nối (Điều 4.5).

Dự thảo cũng yêu cầu các bộ, ngành tạo thuận lợi cho các chủ đầu tư. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước có biện pháp giảm lãi suất cho vay; hoặc thiết kế một gói vay lãi suất ưu đãi, ưu tiên cho khu vực miền Bắc; Bộ Tài chính ưu tiên bố trí ngân sách hỗ trợ phát triển điện mặt trời mái nhà lắp đặt tại công sở; nghiên cứu miễn giảm các loại thuế, phí; Bộ Công an đơn giản hóa các thủ tục xây dựng, phòng cháy chữa cháy, môi trường, yêu cầu về an toàn điện với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà; Bộ Xây dựng đơn giản hóa các thủ tục cấp, miễn giấy phép xây dựng, thẩm định an toàn công trình đối với các công trình xây dựng có lắp đặt hệ thống điện mặt trời mái nhà.

Văn Giang

Nguồn Tạp chí Công thương: http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/lua-chon-doi-tuong-uu-tien-trong-khuyen-khich-dien-mat-troi-mai-nha-108600.htm