Lựa chọn khắc nghiệt
Một buổi sáng đầu tháng 11, giữa bầu không khí ngột ngạt phần vì tiết đang trong thời điểm giao mùa, phần vì sự im lặng đến nghẹt thở bủa vây các cơ sở kinh doanh thời đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19, Mike, một chủ cửa hàng quần áo ở ngoại ô phía Nam thủ đô Beirut của Liban thốt lên đầy lo ngại: 'Nếu tiếp tục phong tỏa thêm một tháng nữa, chúng tôi sẽ chết đói '.
Không chỉ Mike, nhiều người dân ở Liban cũng từng chia sẻ “chúng tôi thà chết vì COVID-19 còn hơn chết đói”. Đây có lẽ là suy nghĩ của không ít người dân trên thế giới vào thời điểm tổng số ca mắc bệnh trên toàn cầu đã tăng lên mức 50 triệu ca. Tuy nhiên, đứng giữa hai lựa chọn hoặc chết vì đói hoặc chết vì bệnh tật, người ta đã liều lĩnh chọn phương án thứ hai vì họ có thể mắc bệnh hoặc không nhưng đói kém thì chắc chắn sẽ xảy ra. Và gánh nặng kinh tế càng khiến công cuộc chống dịch thêm nhiều thách thức.
Các thống kê đã chỉ ra tốc độ lây lan dịch bệnh đang nhanh dần đều. Nếu như từ khi dịch bùng phát lần đầu tiên ở Trung Quốc hồi cuối năm 2019 đến khi cả thế giới ghi nhận mốc 1 triệu ca bệnh là 3 tháng sau đó, thì giờ đây trong vòng chưa đầy 1 tháng (từ ngày 18/10 đến 8/11), tổng số ca bệnh trên thế giới đã tăng thêm 10 triệu ca (từ 40 triệu lên 50 triệu). Đáng chú ý, nếu như trong 12 ngày (1/10-30/10) thế giới đi từ mốc 40 triệu lên 45 triệu ca thì chỉ trong 9 ngày sau đó, thế giới lại chạm ngưỡng 50 triệu ca. Và nếu cứ theo đà tăng hơn 600.000 ca/ngày hiện nay thì thế giới sẽ lên mốc 55 triệu ca chỉ trong khoảng 7 ngày tới. Các khoảng cách thời gian cứ thu hẹp dần càng củng cố thêm nhận định của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đưa ra hồi đầu tháng 10 vừa qua rằng thế giới đang bước vào giai đoạn dịch bệnh “nguy hiểm”.
Trở lại với Liban, hồi đầu tháng 10, nước này đã phong tỏa 111 thị trấn và làng mạc ghi nhận số ca mắc mới gia tăng nhanh chóng. Sau đó là biện pháp giới nghiêm ban đêm trên toàn quốc. Đến đầu tháng 11, giới chức Liban đang cân nhắc phong tỏa trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên, mức độ tuân thủ các quy định phòng dịch của người dân, yếu tố tác động khá lớn tới hiệu quả của biện pháp lần thứ hai này, đã khác do họ vẫn đang phải hứng chịu các hệ lụy tồi tệ từ đợt phong tỏa trước. Đợt phong tỏa đầu tiên đã khiến hàng chục nghìn người dân nước này mất việc hoặc giảm thu nhập, đồng nội tệ mất giá thảm hại, giá cả leo thang và nghèo đói gia tăng.
Đó không chỉ là câu chuyện của riêng Liban nghèo khó mà còn là thực trạng ở nhiều nơi khác trên thế giới, đặc biệt là ở những khu vực và quốc gia giàu có, nơi mà lợi ích kinh tế rất được quan tâm. Chính sự gia tăng số ca mắc bệnh tại các khu vực này là động cơ chính đưa thế giới lên mốc 50 triệu bệnh nhân COVID-19 trong 7 ngày qua.
Cụ thể là trong vài tuần qua, tâm điểm dịch bệnh đã trở về châu Âu khi số ca mắc mới mỗi ngày ở châu lục này liên tục đạt những mức đỉnh mới. Theo worldometers.info, tính đến ngày 8/11 (giờ Việt Nam), châu Âu ghi nhận hơn 11,92 triệu bệnh nhân, trong đó có hơn 290.500 người tử vong. Kể từ đầu tháng 10, "Lục địa Già" đã liên tục "lập kỷ lục buồn" về số ca mắc mới mỗi ngày cao nhất thế giới. Hồi tuần trước, mỗi ngày châu Âu ghi nhận trung bình hơn 277.000 ca mắc mới/ngày, chiếm hơn 50% tổng số ca mắc mới toàn cầu. Virus SARS-CoV-2 gây bệnh không ngừng tăng tốc trên toàn châu lục khi số ca mắc mới trong tuần vừa qua tăng 20% so với tuần trước đó. Tốc độ gia tăng các ca tử vong thậm chí còn nhanh hơn, với 21.500 ca tử vong mới trong tuần vừa qua, cao hơn gần 50% so với con số hơn 14.400 ca tử vong mới ghi nhận một tuần trước đó.
Các quốc gia ghi nhận nhiều ca mắc bệnh trong tuần tính đến ngày 5/11 tại châu lục này gồm Pháp (44.000 ca/ngày), Italy (28.600 ca/ngày, tăng 43% so với tuần trước đó), Anh (22.400 ca/ngày, tăng 2%), Tây Ban Nha (21.100 ca/ngày, tăng 13%) và Ba Lan (20.000 ca/ngày, tăng 46%). Giám đốc WHO khu vực châu Âu Hans Kluge nhận định châu lục này đang chứng kiến tình trạng “bùng nổ” bệnh nhân COVID-19 khi chỉ trong vòng vài ngày, tổng số ca mắc mới tăng thêm 1 triệu ca. Nghiêm trọng hơn là thời điểm khó khăn nhất châu Âu dường như vẫn ở phía trước. Làn sóng dịch bệnh thứ hai ập đến cũng khiến triển vọng phục hồi kinh tế vừa nhen nhóm trong quý III/2020 đã vội đi vào ngõ cụt. Liên minh châu Âu (EU) giờ đây cảnh báo tình hình kinh tế sẽ không thể trở về mức bình thường trước năm 2023.
Cái giá tính bằng triển vọng phục hồi kinh tế chính là điều đẩy cuộc chiến chống dịch bệnh tại châu Âu, cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, vào tình thế khó khăn hơn. Các chính phủ đã phải áp dụng các biện pháp hạn chế mới nghiêm ngặt hơn để ngăn chặn làn sóng dịch bệnh thứ hai. Tuy nhiên, cũng giống như câu chuyện ở Liban, ngày càng nhiều người dân và các nghiệp đoàn phản đối việc tiếp tục hạn chế, đóng cửa và phong tỏa trên diện rộng. Biểu tình và đụng độ đã xảy ra ở nhiều nơi ở Anh, Tây Ban Nha hay Italy. Như lời đại diện chợ thực phẩm Mercato Metropolitano ở Anh chia sẻ “với chúng tôi đây là một quyết định điên rồ”. Với họ, việc tiếp tục trải qua một đợt đóng cửa tiếp theo, lại ngay trước Lễ hội Giáng sinh - cơ hội kinh doanh cuối cùng trong năm, chẳng khác nào “chết với hàng nghìn vết dao đâm”.
Tương tự, tại Mỹ, hơn 128.000 ca mắc mới được ghi nhận chỉ riêng trong ngày 6/11, một kỷ lục mới tại quốc gia vốn chịu tác động dịch bệnh nặng nề nhất thế giới này và cũng là ngày thứ 3 liên tiếp số liệu này ở mức trên 100.000. Số ca mắc bệnh bắt đầu tăng tại Mỹ từ giữa tháng 10 và những ngày qua, liên tiếp các kỷ lục mới về số ca mắc mới được ghi nhận, trong khi số ca tử vong cũng ở mức trên 1.000 trong vài ngày liên tiếp. Theo worldometers.info, tổng số ca mắc tại quốc gia này đã vượt ngưỡng 10 triệu trong ngày 7/11, trong đó có hơn 242.000 ca tử vong. Khi mùa Đông cận kề, làn sóng dịch bệnh thứ 3 tại Mỹ đang tăng tốc ở mọi khu vực. Dịch bệnh đang dần vượt ra ngoài tầm kiểm soát và số ca mắc mới và tử vong được cho là sẽ tăng trong vài tháng tới.
Kinh tế Mỹ cũng đang "oằn mình" trong cơn bĩ cực và dự báo cho thấy kinh tế trải qua thời kỳ thoái chưa từng có trong lịch sử trong khi hàng chục triệu người đã mất việc làm. Hiện chính quyền các bang chưa triển khai các biện pháp hạn chế mới, nhưng điều này được cho là sẽ không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, thực trạng kinh tế sẽ gây sức ép lớn lên việc thực thi các biện pháp trên khi các doanh nghiệp và người lao động Mỹ không tán đồng.
Giới chuyên gia cảnh báo châu Âu nói riêng và thế giới nói chung có thể sẽ còn tiếp tục đối mặt với các làn sóng dịch bệnh tiếp theo trong năm tới. Tại châu Âu, Hội đồng Khoa học Pháp cho rằng với những biện pháp hiện tại, làn sóng dịch bệnh thứ hai tại châu Âu có thể sẽ hạ nhiệt vào cuối tháng 12 hoặc đầu năm 2021. Tuy nhiên, nếu không có vaccine phòng bệnh nguy cơ xảy ra những làn sóng tiếp theo vẫn thường trực bởi các biện pháp phong tỏa từng phần hiện chỉ giúp kiềm chế số ca mắc mới.
Tại Việt Nam, tính đến ngày 6/11, cả nước ghi nhận 1.212 ca mắc bệnh, trong đó có 1.070 người đã được điều trị khỏi. Nhờ những sáng kiến riêng trong khoanh vùng và điều trị bệnh, nhanh chóng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị, cách ly… nên tới nay, Việt Nam đã có 65 ngày không ghi nhận ca mắc mới tại cộng đồng, 96,4% ca bệnh được điều trị khỏi và khống chế tối đa số ca tử vong và hạn chế được tỷ lệ lây nhiễm chéo trong cơ sở khám chữa bệnh.
Tuy nhiên, nhận định dịch bệnh COVID-19 là căn bệnh nguy hiểm và lây lan dữ dội, ảnh hưởng trên diện rộng nhất trong 100 năm qua, Bộ Y tế Việt Nam cảnh báo nguy cơ vẫn rất cao, đặc biệt khi tình hình thế giới vẫn đang phức tạp. Tình hình dịch bệnh có thể sẽ diễn biến khó lường hơn khi mùa Đông đến, thời tiết lạnh và hanh khô là những điều kiện rất thuận lợi cho virus sinh sôi và lây lan. Ngày 6/11, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho biết phải chuẩn bị tinh thần ít nhất đến hết năm 2021 dịch bệnh mới kết thúc, đồng thời nhấn mạnh giải pháp căn cơ nhất của Việt Nam vẫn là tiếp tục các giải pháp phòng dịch và chung sống an toàn với dịch. Phó Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ ngành, địa phương không chủ quan, và tất cả các cơ sở, từng người dân phải chủ động chống dịch.
Cuộc chiến chống dịch bệnh phụ thuộc vào các yếu tố như môi trường, các biện pháp giúp hạn chế dịch bệnh lây lan và mức độ tuân thủ của người dân. Các làn sóng tiếp theo sẽ xuất hiện vào lúc nào, hậu quả ra sao và kéo dài bao lâu tùy thuộc vào hình thái thời tiết, hiệu quả của các chính sách xét nghiệm và truy dấu và mức độ nghiêm ngặt của các biện pháp phong tỏa. Vì vậy, các chính phủ và người dân cần xác định đang bước vào một giai đoạn ứng phó dịch bệnh theo từng đợt cao trào khác nhau cho tới khi có vaccine, trong đó có các biện pháp phong tỏa. Việc can thiệp sớm được cho là sẽ hạn chế những thiệt hại kinh tế trong dài hạn.
Trước những biến động khôn lường và triển vọng phát triển thành công vaccine chưa thực sự sáng rõ, WHO khuyến cáo các chính phủ cần có những biện pháp với những mục tiêu cụ thể và không loại trừ khả năng mở rộng quy mô áp dụng. Trong đó cần đảm bảo hai yếu tố, một là nhất quán để người dân tin tưởng và làm theo và hai là có tính dự báo. WHO cũng kêu gọi khuyến khích người dân đeo khẩu trang. Theo WHO khu vực châu Âu, số liệu nghiên cứu cho thấy việc kết hợp giữa biện pháp đeo khẩu trang và hạn chế tụ tập đông người giúp bảo vệ 226.000 mạng người ở châu Âu tính đến tháng 2/2021.
Quan trọng hơn cả, với một cuộc chiến toàn cầu thì sức mạnh đoàn kết toàn cầu sẽ là thứ vũ khí sắc bén nhất. Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng bày tỏ đặc biệt quan ngại khi cuộc chiến chống COVID-19 đã bộc lộ những điểm yếu nguy hiểm của thế giới như thiếu sự phối hợp, từ thực hiện các biện pháp phong tỏa tới các nỗ lực phát triển vaccine, cách nhận biết và đương đầu với những thách thức phát triển dài hạn.
Đại Hội đồng LHQ đã triệu tập cuộc họp đặc biệt vào đầu tháng 12 tới với hy vọng giúp thế giới gắn kết hơn, từ đó khơi dậy sức mạnh phối hợp quốc tế giúp đẩy lùi dịch bệnh. Điều cuối cùng và cũng là điều quan trọng nhất là tinh thần chủ động, tự giác tuân thủ của mỗi người dân. Kinh tế sẽ có lúc phục hồi nhưng sức khỏe và tính mạng của con người là điều quý giá nhất mà có thể sẽ không bao giờ lấy lại được nếu lơ là cảnh giác và nếu chủ động mỗi người cũng sẽ góp phần vào nỗ lực vừa chống dịch vừa đảm bảo duy trì hoạt động kinh tế.