Lựa chọn khó của Đảng Cộng hòa thời hậu Trump
Đảng Dân chủ hôm 20-1 chính thức tiếp quản Thượng viện từ tay đảng Cộng hòa sau khi tân Phó Tổng thống Kamala Harris chứng nhận lời tuyên thệ nhậm chức của 3 thượng nghị sĩ Dân chủ, gồm các ông Jon Ossoff, Raphael Warnock và Alex Padilla.
Trên cương vị Chủ tịch Thượng viện, lá phiếu của bà Harris giúp phá vỡ thế cân bằng (50-50) với Đảng Cộng hòa về số ghế ở cơ quan lập pháp này, mang lại thế đa số mong manh cho Đảng Dân chủ.
Diễn biến này tạo ra lợi thế để Tổng thống Joe Biden theo đuổi các chính sách của ông, đặc biệt là khi quyền kiểm soát Hạ viện cũng nằm trong tay Đảng Dân chủ với thế đa số 221-211.
Về phần mình, theo AP, Đảng Cộng hòa đang đối mặt với một kỷ nguyên "suy giảm quyền lực, bất ổn gia tăng và chia rẽ sâu sắc" khi lần đầu tiên sau hơn một thập kỷ, quyền kiểm soát Nhà Trắng và Quốc hội đều thuộc về Đảng Dân chủ.
Mất thế đa số luôn là một liều thuốc khó nuốt, làm dấy lên tranh cãi về việc ai là người phải chịu trách nhiệm cho thất bại trong mùa bầu cử vừa qua. Quá trình này đang diễn ra vô cùng gay gắt khi phe Cộng hòa đối mặt với hàng loạt câu hỏi hóc búa liên quan đến tương lai của họ thời hậu Tổng thống Donald Trump.
"Đã đến lúc phải chọn lựa. Chúng ta phải quyết định về việc tiếp tục đi theo con đường của ông Trump hoặc trở về với những giá trị cốt lõi của chúng ta" - Thống đốc bang Maryland Larry Hogan tuyên bố, đồng thời nhấn mạnh Đảng Cộng hòa "sẽ tốt hơn nhiều nếu xóa bỏ chủ nghĩa Trump". Dù vậy, ông Hogan thừa nhận ông không có hy vọng ảnh hưởng của ông Trump "biến mất hoàn toàn".
Nhiều người trung thành với ông Trump tại các bang như Michigan, Pennsylvania và Wyoming đã thể hiện sự tức giận với 10 nghị sĩ Đảng Cộng hòa bỏ phiếu ủng hộ luận tội ông Trump tại Hạ viện vào tuần rồi. "Ủy ban Quốc gia Đảng Cộng hòa vẫn xem ông Trump là lãnh đạo đảng của chúng ta trong tương lai…" - ông Frank Eathorne, thành viên cao cấp của Đảng Cộng hòa tại bang Montana, khẳng định.