Lựa chọn mạo hiểm của giới trẻ Trung Quốc giữa Covid-19
Vì Covid-19, giới trẻ ở xứ tỷ dân không có nhiều lựa chọn cho tương lai. Với một số người, mạo hiểm đi du học là cách duy nhất để tránh kỳ thi gaokao khắc nghiệt.
“Tôi nghĩ khóa của chúng tôi là những sinh viên quốc tế khổ sở nhất”, Wang, một sinh viên năm nhất, nói với China News Service.
Hôm 21/9, một chuyến bay trọn gói đã đưa 74 du học sinh từ thành phố Trùng Khánh đến Manchester (Anh) để bắt đầu năm học mới. Đây là sự kiện đánh dấu những người trẻ đầu tiên sang nước ngoài kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.
Khoảng 20.000 người cũng đăng ký các chuyến bay tương tự với hy vọng tiếp tục chương trình học còn dang dở ở xứ sở sương mù.
Chỉ một số ít du học sinh may mắn có mặt trên những chuyến bay mạo hiểm này.
Nhiều người trong số này cho biết việc tốt nghiệp cấp 3 ở các trường quốc tế không giúp con họ vượt qua kỳ thi gaokao khốc liệt, cũng như không đủ điều kiện để đăng ký đại học trong nước.
Gap year hay tạm nghỉ một học kỳ vẫn còn là khái niệm khá xa lạ với với những gia đình truyền thống. Tuy nhiên, vì tình hình phức tạp của dịch bệnh, họ đành phải chọn giải pháp này.
“Đi hay ở?”
Yao (18 tuổi, Nam Kinh) đã lên kế hoạch theo học trường Cao đẳng Kenyon ở Ohio (Mỹ) vào năm nay, nhưng vì không xin được visa, cô phải hoãn lại dự định này. Kể từ khi tốt nghiệp trung học, Yao đã đợi suốt 4 tháng để chờ lãnh sự quán Mỹ mở đợt xét visa trực tuyến. Cô cho hay nhiều bạn học cùng lớp cũng đang gặp phải tình trạng tương tự.
Theo một cuộc khảo sát của Hiệp hội Dịch vụ Du học Bắc Kinh (BOSSA) với 9.000 sinh viên Trung Quốc cho thấy có đến 40-60% trong số này bị chậm trễ giấy tờ hành chính do đại dịch gây ra, chẳng hạn đơn xác nhận từ trường đại học, thủ tục xin thị thực và lệnh hạn chế đi lại giữa các quốc gia.
Kế hoạch đổ vỡ, Yao đành đăng ký các lớp học trực tuyến của trường để tiếp tục chương trình.
“Trục trặc kỹ thuật là lý do khiến việc học online trở nên căng thẳng. Internet kết nối rất kém, thường xuyên bị chập chờn nhưng chúng tôi vẫn phải thảo luận trong lớp. Điều đó khiến các lớp trực tuyến thường kém hiệu quả”, Yao nói với Sixth Tone.
Sau khi nhận thấy việc học trực tuyến quá khó khăn, cô bắt đầu phân vân về sự tương thích giữa mình và trường Kenyon.
“Qua vài lần cân nhắc, tôi quyết định nộp đơn vào trường khác, có thể là các trường ở những nước khác. Cuộc sống đại học trong tưởng tượng của tôi là cùng bạn bè đến Mỹ, học tập và xây dựng ước mơ. Nhưng bây giờ, tất cả những gì tôi có là cảm giác không chắc chắn và sự lo lắng”, Yao nói.
Dù còn nhiều hạn chế song học online vẫn là một trong những lựa chọn thiết thực nhất đối với du học sinh lúc này.
Yan, mới tốt nghiệp trung học ở Thượng Hải, cuối cùng đã quyết định tham gia các lớp học trực tuyến tại nhà. Cha mẹ cô cảm thấy nhẹ nhõm hơn vì ít nhất họ sẽ không phải lo lắng về sức khỏe và sự an toàn của cô.
Tuy nhiên, với Yan, đây chỉ là biện pháp miễn cưỡng, vì chương trình giảng dạy kéo dài một năm mà trường của Yan - Đại học British Columbia (UBC) - xây dựng nghe có vẻ rất khác so với những gì cô hình dung khi trở thành sinh viên.
Theo chính sách của nhà trường, Yan sẽ mất học bổng 50.000 nhân dân tệ (7.400 USD) nếu quyết định hoãn việc học của mình. Vì vậy, cô đã đăng ký các lớp học online và trả tổng học phí là 85.000 nhân dân tệ (12.500 USD).
“Tôi thực sự không thể thức dậy vào nửa đêm để học. Chúng tôi còn phải đóng số tiền như các lớp trực tiếp nhưng không được trải nghiệm cuộc sống đại học ở phương Tây”, Yan bày tỏ.
Điều khiến du học sinh lo lắng sau vấn đề kỹ thuật là chất lượng giảng dạy khác nhau giữa các cơ sở giáo dục và việc phải đóng học phí tương đương với khóa chính thức.
Mảnh đất màu mỡ cho chương trình quốc tế
Trong khi một số trường đại học ở Mỹ giảm học phí từ 10-30% cho chương trình dạy từ xa, hầu hết sinh viên quốc tế không được giới thiệu chính sách này. Việc trả cùng một mức học phí cho chất lượng dạy kém hơn đã khiến gia đình của du học sinh băn khoăn về giá trị của giáo dục trực tuyến.
Theo Sixth Tone, nguồn thu nhập của các trường đại học phương Tây chủ yếu dựa vào học phí của sinh viên quốc tế.
Năm 2019, có hơn 350.000 sinh viên Trung Quốc tại các trường cao đẳng và đại học ở Mỹ. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch, số lượng du học sinh dự kiến sẽ giảm 63-98% so với năm ngoái.
Dự báo đáng lo ngại này đã thúc đẩy các tổ chức giáo dục “tung ra” nhiều kế hoạch hấp dẫn hơn để thu hút sinh viên tiếp tục chương trình học của họ mà không phải rời khỏi quê nhà.
Vì không xin được thị thực, Fang, sinh viên năm nhất của trường Cao đẳng Holy Cross (Mỹ), sẽ học tại ĐH Kinh doanh và Kinh tế Quốc tế ở Bắc Kinh. Nhiều bạn học trong lớp của cô cũng chung cảnh ngộ này. “Tuy không lý tưởng lắm nhưng còn hơn là học trực tuyến. Các giáo viên ở đây rất tận tình, điểm số của tôi cũng sẽ được chuyển tiếp”, Fang cho hay.
Với những tiện ích của chương trình hợp tác quốc tế, 7 trường đại học ở tỉnh Quảng Đông quyết định mở rộng thêm tiêu chí tuyển sinh để chào đón những sinh viên không có khả năng đi du học.
Nếu chọn các chương trình hợp tác, học sinh sẽ phải từ bỏ lời mời nhập học từ những trường nước ngoài.
Nhìn chung, các tiêu chuẩn đăng ký không quá khó để đáp ứng. Nhưng những chương trình này vẫn có nhiều rủi ro vì không xây dựng để phù hợp với học sinh tốt nghiệp từ các trường trung học quốc tế - nơi có xu hướng tập trung vào ngôn ngữ và giáo dục khai phóng hơn cách giảng dạy ở trường công tại Trung Quốc, vốn nặng về Toán và khoa học.
Hu Xiangdong, giáo sư tại Đại học Sư phạm Hoa Trung (thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc), chia học sinh trường quốc tế thành hai nhóm: những người thực sự tìm kiếm một nền giáo dục tốt hơn và muốn né kỳ thi gaokao.
"Đối với nhóm đầu tiên, họ sẽ thực hiện tốt việc chuyển tiếp sang chương trình hợp tác tại một trường đại học nào đó ở Trung Quốc. Còn nhóm thứ hai có lẽ không phù hợp với điều này, vì rất nhiều chuyên ngành được cung cấp trong những chương trình như vậy thường liên quan đến khoa học và kỹ thuật", ông Xiangdong cho biết.
Kể từ tháng 9, nhiều trường đại học ở phương Tây đã thông báo kế hoạch về việc hoạt động trở lại vào học kỳ mùa xuân nhưng không có ngày khai giảng cụ thể.
Bất chấp những trở ngại do đại dịch gây ra, theo khảo sát của BOSSA, 64% số người vẫn không có ý định thay đổi kế hoạch du học và 71% trong số đó nói rằng họ giữ nguyên điểm đến.