Lựa chọn nào cho Singapore để kiềm chế lạm phát?
Với động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mới đây của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương), các nhà hoạch định chính sách có thể đang dự phòng cho một kịch bản lạm phát tồi tệ hơn.
Trong bài phân tích trang tin Channel News Asia, chuyên gia kinh tế trưởng Selena Ling thuộc ngân hàng OCBC nhận định rằng, với động thái thắt chặt chính sách tiền tệ mới đây của Cơ quan tiền tệ Singapore (MAS, ngân hàng trung ương), các nhà hoạch định chính sách có thể đang dự phòng cho một kịch bản lạm phát tồi tệ hơn.
Ngân hàng trung ương Singapore ngày 14/10 đã lần thứ năm liên tiếp trong 12 tháng thắt chặt chính sách tiền tệ để kiềm chế mức lạm phát tăng cao nhất trong 14 năm. Lần này, MAS điều chỉnh điểm giữa của biên độ chính sách tỷ giá hối đoái, ước tính tăng khoảng 2% so với mức trước đó.
Lý do rất đơn giản – MAS đã điều chỉnh dự báo lạm phát tổng thể và lạm phát cơ bản năm 2022 lên lần lượt là 6% và 4% và cả hai mức lạm phát này vẫn tiếp tục tăng trong năm 2023 lên lần lượt là 5,5-6,5% và 3,5-4,5%. Lạm phát cơ bản ban đầu được cho là đạt đỉnh vào khoảng giữa năm nay và ổn định trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, mốc thời gian này giờ đây đã được đẩy sang năm 2023.
Có thực sự là các ngân hàng trung ương, trong đó có MAS, không còn lựa chọn nào khác ngoài việc tiếp tục quyết liệt trên mặt trận chính sách tiền tệ nhằm kiềm chế lạm phát? Điều này sẽ tác động như thế nào đến các doanh nghiệp và người tiêu dùng Singapore trong thời gian tới?
Những động lực của MAS
Điều thứ nhất cần lưu ý là không giống như hầu hết các ngân hàng trung ương khác, MAS không điều hành chính sách lãi suất, mà là chính sách tỷ giá hối đoái giúp quản lý lạm phát nhập khẩu bằng cách tăng cường đồng đô la Singapore (SGD).
Thứ hai, thực tế là thế giới đã phải đối mặt với cả các cú sốc về nguồn cung, ban đầu là do phong tỏa vì đại dịch COVID-19 nhưng gần đây hơn là do cuộc xung đột Nga-Ukraine và cả sự đối đầu Mỹ-Trung về khả năng sản xuất các thiết bị tiên tiến như chất bán dẫn.
Vì vậy, mặc dù chính sách thắt chặt tiền tệ có thể làm giảm nhu cầu, nhưng sẽ không trực tiếp giải quyết được những hạn chế từ phía nguồn cung. Hơn nữa, động lực tương đối của MAS cũng quan trọng.
Trong khi MAS đã sớm bắt đầu thắt chặt chính sách tiền tệ từ tháng 10/2021 và đến nay đã 5 lần thực hiện biện pháp này, điều cũng đáng lưu ý là Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đã đẩy mạnh tăng lãi suất, ba đợt tăng 75 điểm cơ bản. Chỉ trong 8 tháng qua, Fed đã tăng lãi suất tổng cộng 300 điểm cơ bản, tương đương 3 điểm phần trăm.
Điều này có nghĩa là các doanh nghiệp nhập khẩu các nguyên liệu đầu vào trung gian có thể được lợi từ đồng SGD mạnh lên. Đồng SGD vốn đã tăng giá so với nhiều đồng tiền khác trong khu vực. Tuy nhiên, đây không phải là trường hợp đối với đồng USD.
Đối với các nhà xuất khẩu, những doanh nghiệp nhắm vào thị trường Mỹ sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nhưng những doanh nghiệp bán hàng sang các thị trường khu vực có thể phải đối mặt với một số áp lực về cạnh tranh. Đối với những công dân Singapore muốn đi du lịch hay học tập ở nước ngoài, họ cũng có thể vui mừng vì đồng SGD mạnh hơn, đặc biệt khi đến Nhật Bản, châu Âu hay Vương quốc Anh.
Những bất trắc địa chính trị, sự chậm lại ở các nền kinh tế chủ chốt
Thuế hàng hóa và dịch vụ (GST) của Singapore sẽ tăng từ 7% lên 8% vào tháng 1/2023. Trong khi việc tăng 1 điểm phần trăm GST có khả năng dẫn đến mức tăng giá một lần duy nhất, MAS cho rằng tác động lên lạm phát chỉ là tạm thời, và lạm phát cơ bản sẽ tiếp tục ở mức cao trong nửa đầu năm 2023 trước khi giảm xuống vào nửa cuối năm.
Tuy nhiên, điều này cũng có mức độ không chắc chắn đáng kể vì cuộc xung đột Nga-Ukraine dường như chưa có hướng giải quyết, và vẫn còn phải chờ xem nguồn nhân lực nước ngoài có thể được tăng cường nhanh như thế nào để giảm bớt sức ép về thị trường lao động trong nước và tiền lương ở Singapore.
Trong khi đó, triển vọng tăng trưởng của Singapore và toàn cầu đã trở nên ảm đạm. Sự suy giảm đồng bộ của các nền kinh tế lớn bao gồm Mỹ, Khu vực đồng euro, Anh và Trung Quốc đang diễn ra. Nếu lạm phát tiếp tục ở mức cao, việc thắt chặt chính sách tiền tệ có thể tiếp tục. Dự báo tăng trưởng của Singapore trong năm 2023 thấp hơn nhiều so với mức tăng trưởng theo xu hướng.
Nói một cách đơn giản, rõ ràng tăng trưởng của Singapore có nguy cơ suy giảm. “Đạp phanh” sẽ có ý nghĩa kinh tế khi đà tăng trưởng vẫn ổn định, nhưng tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này có khả năng tiếp tục giảm tốc trong quý IV/2022.
Sang năm 2023, chính sách tài chính có thể phải tăng cường một lần nữa để giải quyết các vấn đề về chi phí sinh hoạt cho các hộ gia đình. Ngày 14/10, Chính phủ Singapore đã công bố gói hỗ trợ trị giá 1,5 tỷ SGD nữa để giúp người dân Singapore đối phó với tình trạng lạm phát kéo dài.
Gói hỗ trợ này bao gồm tới 500 SGD tiền mặt/người để giúp 2,5 triệu người có thu nhập từ 100.000 SGD trở xuống trong năm 2022, cùng với khoản trợ cấp giao thông bổ sung khoảng 200 triệu SGD vào năm 2023 để trang trải cho khoản tăng 10,6% sắp tới giá vé giao thông công cộng, cũng như 600.000 voucher giao thông công cộng trị giá 30 SGD cho mỗi hộ gia đình có thu nhập hàng tháng không vượt quá 1.600 SGD/người.
Áp lực chi phí cơ bản trong năm 2023 tiếp tục chuyển từ các chuỗi cung ứng trong nước và toàn cầu sang giá tiêu dùng cuối cùng. Như MAS đã cảnh báo, các doanh nghiệp sẽ phải đối mặt với chi phí tiện ích và nguyên liệu thô cao hơn khi các hợp đồng được gia hạn mặc dù các mặt hàng năng lượng và thực phẩm đã được điều chỉnh từ mức cao nhất hàng năm. Ngoài ra, mặc dù tốc độ tăng chi phí lao động tại Singapore sẽ ở mức vừa phải trong cả năm 2023, nhưng nó có khả năng sẽ duy trì trên mức trung bình trong lịch sử.
Vì vậy, việc tăng lương mạnh mẽ vừa có lợi vừa có hại – có lợi cho người lao động đang phải đối mặt với các hóa đơn chi tiêu tăng do lạm phát, nhưng có hại cho các doanh nghiệp không thể vượt qua được những sự gia tăng chi phí tích lũy. Điều này khiến cho Ngân sách 2023 của Singapore đóng vai trò quan trọng hơn, do nguồn thu từ thuế đã tăng về cuối năm và việc tăng thuế GST sắp tới.
Lãi suất ngắn hạn ở mức nào?
Mặc dù chính sách đồng SGD mạnh hơn về mặt lý thuyết có thể làm giảm sự chuyển dịch từ lãi suất đồng USD cao hơn sang lãi suất đồng SGD, nhưng lãi suất SGD có thể bám sát hơn lãi suất USD. Fed được dự đoán rộng rãi là sẽ thực hiện đợt tăng thứ tư lên 75 điểm cơ bản vào tháng Mười Một trước khi giảm dần xuống mức tăng 50 điểm cơ bản vào tháng Mười Hai.
Mặt khác, MAS chỉ có cuộc họp dự kiến vào tháng 4/2023, với ít khả năng lại có một động thái trái chu kỳ nữa sau khi đã 5 lần thắt chặt chính sách tiền tệ. Đổi lại, có thể có thêm nguy cơ tăng lãi suất trong nước tạm thời. Người đi vay có thể phải đối mặt với áp lực tăng thêm đối với lãi suất thế chấp, nhưng người gửi tiết kiệm có thể vui mừng với lợi nhuận cao hơn từ các khoản tiết kiệm và đầu tư.
Tóm lại, phụ thuộc vào việc bạn là người gửi tiết kiệm hay đi vay, nhà xuất khẩu hay nhập khẩu, đây là thời điểm tốt nhất và cũng là thời điểm tồi tệ nhất./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lua-chon-nao-cho-singapore-de-kiem-che-lam-phat/262868.html