Lựa chọn ngành y là sự lựa chọn của lòng dũng cảm, sự dấn thân
Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, lựa chọn ngành y là lựa chọn của những người giỏi, nhưng cũng là sự lựa chọn của lòng dũng cảm, sự dấn thân.
Chiều 26/2, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã đến thăm, làm việc với Trường ĐH Y Hà Nội và dự Lễ tốt nghiệp, trao bằng bác sĩ nội trú khóa 45.
Báo cáo với Phó Thủ tướng, GS.TS Nguyễn Hữu Tú – Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho biết, nhà trường hiện có gần 2.700 công chức, viên chức và người lao động, 7 đơn vị trực thuộc.
Trong 122 năm hình thành và phát triển, Trường ĐH Y Hà Nội thể hiện vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực cho ngành y tế, có nhiều đóng góp cho sự nghiệp chăm sóc sức khỏe nhân dân, sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước.
Trường ĐH Y Hà Nội cũng là trung tâm chuyên sâu trong nghiên cứu ứng dụng, chuẩn hóa và chuyển giao các kỹ thuật y khoa tiên tiến, góp phần đưa nền y học Việt Nam hòa nhập với nền y học các nước tiên tiến trên thế giới.
Tuy nhiên, nhà trường cũng gặp nhiều khó khăn, thách thức về quản trị đại học; cơ chế, chính sách hoạt động; cơ sở vật chất, trang thiết bị; thực hiện tự chủ đại học.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo Bộ GD&ĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nội vụ, TP Hà Nội, tỉnh Thanh Hóa… đã trao đổi, thảo luận về Đề án phát triển thành Đại học Y Hà Nội theo cơ chế đặc thù và trở thành trường top 100 của châu Á...
Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, hiện "cái áo" của Trường ĐH Y Hà Nội quá chật, cơ sở vật chất rất cần được nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa để trở thành cơ sở đào tạo, nghiên cứu đa lĩnh vực.
Ghi nhận, đánh giá cao vai trò, tầm quan trọng, những đóng góp của Trường ĐH Y Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà bày tỏ, mô hình, cơ chế hiện nay đã "chật chội" so với sự phát triển của nhà trường.
Do đó, Trường ĐH Y Hà Nội cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành trong quá trình xây dựng đề án, chiến lược phát triển. Cùng với UBND tỉnh Thanh Hóa, nhà trường cần đề xuất cơ chế, chính sách tài chính đặc thù xây dựng phân hiệu Trường ĐH Y Hà Nội tại địa phương, sớm trở thành trường đại học thành viên.
Trường ĐH Y Hà Nội cần làm việc với Bộ GD&ĐT, Y tế, UBND TP Hà Nội để cập nhật vào quy hoạch ngành quốc gia, xác định mô hình tổ chức, quy mô cơ sở vật chất, nguồn nhân lực… làm cơ sở bố trí quỹ đất.
Phó Thủ tướng giao các Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính… tiếp tục rà soát, nghiên cứu và đề xuất tháo gỡ vướng mắc mang tính đặc thù trong đào tạo nhân lực ngành y tế như: tự chủ đại học, tự chủ bệnh viện, giải quyết mối quan hệ xã hội hóa trong y tế, mô hình bệnh viện trong trường đại học, tiêu chí cơ sở thực hành y khoa, cơ chế đào tạo bác sĩ nội trú…
Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành, UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Trường ĐH Y Hà Nội triển khai các bước thực hiện sáp nhập Bệnh viện Điều dưỡng Phục hồi chức năng Trung ương, Bệnh viện 71 Trung ương tại Thanh Hóa.
Phó Thủ tướng gợi mở, mô hình của Trường ĐH Y Hà Nội có cả đào tạo, giảng dạy, nghiên cứu, thực hành, bệnh viện cần được nghiên cứu, xem xét, để xây dựng tiêu chí, lộ trình thực hiện đối với các cơ sở y tế, đào tạo y khoa, nhằm giải các bài toán có tính chiến lược của ngành y về tổ chức, cơ chế quản trị, mối quan hệ công – tư trong xã hội hóa y tế.
Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Lễ tốt nghiệp và trao bằng Bác sĩ nội trú Trường ĐH Y Hà Nội, khóa 45. Phó Thủ tướng chúc mừng 396 tân bác sĩ nội trú.
Theo Phó Thủ tướng, nghề thầy thuốc hết sức đặc biệt bởi đối tượng lao động là sức khỏe, thể chất, sinh mạng con người. Lựa chọn ngành y là lựa chọn của những người giỏi, có năng lực nhất, nhưng cũng là sự lựa chọn của lòng dũng cảm, sự dấn thân, bởi ở đâu có nhân dân ở đó cần người chăm sóc sức khỏe.
Nhân dịp kỷ niệm 69 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và với tình cảm cá nhân, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà gửi những tình cảm nồng ấm và sự tri ân sâu sắc tới các thế hệ thầy thuốc, nhân viên y tế trên cả nước, trong đó có các bác sĩ, giảng viên trường y - những người mang sứ mệnh đặc biệt cao cả, vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc.