Lựa chọn nghiệt ngã của một điệp viên

Trong nhiều năm không ai biết về số phận của nữ điệp viên Xôviết - Đại úy Maria Dobrova, người từng được đưa vào danh sách 'mất tích không rõ nguyên nhân' của GRU (Cơ quan tình báo quân sự Nga). Có không ít người đã coi bà là kẻ phản bội. Báo chí Mỹ còn đổ thêm dầu vào lửa khi bịa ra những câu chuyện về 'sự phản bội' của Dobrova.

Thế nhưng kẻ phản bội thực sự là đặc vụ của CIA - viên Thiếu tướng Dmitry Polykov, kẻ đã giao Maria cho người Mỹ vào năm 1962. Tuy nhiên, mãi 24 năm sau đó sự thật này mới được hé lộ khi Polykov bị vạch mặt. Thực tế là Dobrova đã từng thực hiện một hành động đầy nghĩa khí để không đầu hàng FBI.

Học các kỹ năng cơ bản

Maria Dmitryevna Sukonkina sinh năm 1907 tại Minsk thuộc Belarus, bước vào hoạt động tình báo ở tuổi 44. Năm 20 tuổi, Maria tốt nghiệp xuất sắc trường Cao đẳng Âm nhạc khoa thanh nhạc và piano. Năm 23 tuổi cô kết hôn với chiến sĩ biên phòng Boris Dobrov và họ chuyển đến Petergof. Maria Dobrova lãnh đạo một nhóm nghệ thuật trong CLB quân đội, học tiếng Anh và tiếng Pháp tại Học viện Khoa học và được ghi nhận về năng khiếu ngoại ngữ.

Cuộc sống êm đềm của giáo viên tiếng Anh Maria bị đảo lộn bởi những nỗi đau khủng khiếp vào năm 1937. Boris Dobrov - chồng cô, đã mất tích khi làm nhiệm vụ tại Viễn Đông, còn cậu con trai của họ là Dima bị chết vì bệnh bạch hầu. Để vượt qua sự đau buồn và tuyệt vọng, Maria tình nguyện đến Tây Ban Nha khi đang có nội chiến. Tại đây cô làm phiên dịch cho các cố vấn quân sự Liên Xô trong hai năm.

Kẻ phản bội Dmitry Polykov khi bị bắt.

Kẻ phản bội Dmitry Polykov khi bị bắt.

Ngoài tài năng ngoại ngữ, Dobrova còn nổi bật bởi nghị lực và tính cách kiên cường. Trong chiến tranh, suốt 900 ngày Leningrad bị phong tỏa, Dobrova không đi sơ tán mà ở lại làm y tá tại Bệnh viện Leningrad. Vì lòng dũng cảm trên chiến trường, cô được trao tặng Huân chương Sao Đỏ. Bộ Ngoại giao đã ghi nhận công lao của cô và năm 1944 đã mời Dobrova làm phiên dịch tại Đại sứ quán Liên Xô ở Colombia.

Mùa hè năm 1951, Maria Dobrova nhận được lời đề nghị bất ngờ từ Cục Tình báo Quân khu Leningrad. Từ đó trở đi, Maria mang tên Glen Morrero Podceski, một người Mỹ gốc Cuba và Pháp. Theo đề xuất, cô vào vai góa phụ của một thợ kim hoàn thành đạt và sẽ mở một thẩm mỹ viện ở New York. Trước đó cô từng theo học các khóa học thẩm mỹ tại Pháp.

Maria không chỉ được học về công việc tình báo và những khía cạnh đặc biệt của hoạt động bất hợp pháp mà trước hết cô phải học cách trở thành một người Mỹ thực thụ. Năm 1953, nữ điệp viên tới châu Âu, làm quen với lối sống phương Tây và quan sát kỹ các du khách Mỹ, cô học với một giáo viên ngữ âm để trau dồi khả năng phát âm kiểu Mỹ. Sau thời gian chăm chỉ rèn luyện các kỹ năng, Maria Dobrova đã sẵn sàng chuyển đến Mỹ.

Hoạt động tình báo tại Mỹ

Maria đến Mỹ vào mùa hè năm 1954. Trong ba năm đầu tiên bà thâm nhập vào xã hội Mỹ, thiết lập các mối quan hệ hữu ích và mở thẩm mỹ viện để thu hút khách hàng từ những tầng lớp cao nhất.

Thẩm mỹ viện Glen Morrero Podceski tại Bronx, New York nhanh chóng trở thành một cơ sở danh tiếng. Vợ của các chính trị gia, quân nhân và doanh nhân đều đến đây làm đẹp. Bà chủ tiệm chăm chỉ và cởi mở, khéo léo gợi những thông tin hữu ích từ các vị khách nữ của mình. Bà vẫn nghe các câu chuyện tán gẫu của họ, nhưng đôi khi vợ của các quan chức nổi tiếng Mỹ đã tiết lộ với bà những bí mật thực sự. Từ đó, Dobrova đã biết về một căn cứ bí mật của Hải quân Mỹ, nơi thực hiện việc giám sát các tàu và tàu ngầm đang hoạt động ở Nam bán cầu.

Năm 1961, Dobrova liên hệ với một đặc vụ quan trọng là Dion, tên thật của người này cho đến nay vẫn là điều bí mật. Dion làm việc tại văn phòng của Tổng thống Kenedy và thông qua Dobrova đã thông báo về việc người Mỹ chuẩn bị cho cuộc xâm lược Cuba, việc phong tỏa hòn đảo và ám sát Chủ tịch Fidel Castro.

Người Cuba đã đẩy lùi được các cuộc tấn công của Mỹ và vượt qua cuộc khủng hoảng tên lửa. Trong những ngày căng thẳng của tháng 10/1962, một vị khách của tiệm kể rằng người chồng là Đô đốc của bà ta muốn bà rời New York vì Hải quân Mỹ được đặt trong tình trạng báo động cao và chờ đợi sự bắt đầu một cuộc chiến tranh hạt nhân với Liên Xô. Tin tức đáng báo động này lập tức được Dobrova báo về Trung tâm và chỉ trong 9 tháng năm 1962, bà đã truyền đi khoảng một chục tin tức. Bà không chỉ thu thập thông tin mà còn có thể tuyển dụng một số người.

Điệp viên Maria Dobrova.

Điệp viên Maria Dobrova.

Bị phản bội

Dmitry Polykov là một trong những kẻ phản bội tai hại nhất trong lịch sử Liên Xô. Người Mỹ đã tuyển dụng Polykov vào năm 1961 và kể từ đó họ đã chú trọng tới việc tạo ra bằng chứng ngoại phạm cho hắn. Vào năm 1962 chính tên này đã phản bội các đồng nghiệp của mình tại Mỹ. Nhưng phản gián của Mỹ sẽ chỉ bắt giữ Maria Dobrova và các điệp viên khác khi Polykov đã rời nước Mỹ. Điều này sẽ đánh lạc hướng sự nghi ngờ đối với Polykov và quy mọi thất bại của GRU cho việc các đặc vụ bị bại lộ.

Sau khi Polykov trở về Liên Xô, FBI đã bắt giữ cấp phó tình báo của Polykov là Đại tá GRU Maslov. Người Mỹ đã đưa ra trước Maslov bằng chứng không thể chối cãi: ông đang vẽ một tín hiệu quy ước trên tường rào của nhà thờ, và tiếp theo đó Glen Morrero Podceski (Maria Dobrova) đã xóa nó đi. Maslov từng làm việc dưới vỏ bọc ngoại giao, trước khi bị trục xuất, ông đã cố gắng đưa ra tín hiệu báo động cho Dobrova.

Sau đó, Maria được lệnh về nước ngay lập tức. Đó là vào năm 1963, bà đã nhanh chóng rời New York, ghé qua Chicago rồi đến Canada và từ nơi đây sẽ trở về Liên Xô. Nhưng Polykov đã biết được lộ trình của bà.

Vào ngày 10/5/1963, Dobrova đi xuống tàu điện ngầm, lẫn vào đám đông và khiến các sĩ quan phản gián đang theo dõi bà bị mất dấu. Sau khi “cắt đuôi”, Dobrova đội tóc giả và lên xe bus đến Chicago, bà chỉ còn ít thời gian để đến Canada. Dobrova đã đăng ký ở một khách sạn ở Chicago nhưng đột nhiên tại đây bà lại bị giám sát chặt chẽ. Tình hình trở nên nguy hiểm vì người Mỹ có thể bắt giữ bà bất cứ lúc nào. Dobrova đã tìm cách thông báo cho Moscow về tình trạng này. Bà đã lắp thiết bị ghi âm vào lỗ thông gió trong phòng mình. Bà viết một bức thư nói về sự nguy cấp của mình, về vị trí đặt thiết bị rồi gửi đến một địa chỉ ở Canada. Chiếc phong bì được bỏ vào hộp thư ở tòa nhà, lẫn với hàng chục bức thư khác.

Không thỏa hiệp với kẻ thù

Vào tối ngày 14/5, một nhân viên FBI gõ cửa phòng của Dobrova và xin phép vào. Người Mỹ này đã ngay lập tức đưa ra bằng chứng hoạt động gián điệp của bà. Đó là bức ảnh của bà và Maslov, người đã bị buộc tội làm gián điệp và hình ảnh bà đang xóa tín hiệu viết nguệch ngoạc bằng phấn trên bức tường rào nhà thờ. Người này nói rằng họ đã biết thân phận thật sự của “Glen Morrero Podceski”. Với những bằng chứng thuyết phục như vậy, nữ điệp viên sẽ phải đối mặt với án tù chung thân. Còn “chuột chũi” Polykov sẽ thuyết phục được ban lãnh đạo GRU là chính Dobrova đã phản bội, không phải là bị người khác tố giác.

Tuy nhiên, nhân viên phản gián FBI đề nghị với Dobrova một phương án khác để thoát khỏi kịch bản khắc nghiệt: tất cả những gì bà cần làm là phản bội Tổ quốc, có thể trở về Liên Xô theo mong muốn và tự nguyện trở thành điệp hai mang với mức thù lao rất lớn.

Dobrova yêu cầu có một giờ để suy nghĩ. Người Mỹ rời khỏi phòng, để lại nữ điệp viên một mình với ý nghĩ u ám. Máy ghi âm đã không ghi thêm được điều gì khác. Trong hoàn cảnh éo le, Maria Dobrova đã thực hiện một hành động quả cảm chưa từng có tiền lệ. Để không phải đầu hàng trong nanh vuốt của FBI, bà đã trèo qua ban công của khách sạn để rồi bước vào cõi vĩnh hằng. Ở Chicago hỗn loạn thì những tai nạn như vậy xảy ra thường xuyên và không ai chú ý đến điều đó.

Người mẹ già của nữ điệp viên, bà Maria Antonovna không biết rằng con gái mình đã anh dũng hy sinh vì quyết không phản bội Tổ quốc. Trong nhiều năm ban lãnh đạo GRU đã cố gắng tìm kiếm Đại úy Maria Dobrova nhưng không thành công.

Báo chí nước ngoài cố tình đưa tin thông tin sai lệch rằng đã tái tuyển dụng Dobrova. Thậm chí cựu phó giám đốc FBI Sullivan cũng tham gia vào các nỗ lực đánh lạc hướng đối thủ của mình. Trong hồi ký của mình, Sullivan kể về “vụ điệp viên - chuyên gia thẩm mỹ” để ám chỉ Dobrova. Theo thông tin bị bóp méo của ông ta, nữ điệp viên quá cố đã hợp tác với CIA, sau đó không chịu được sự căng thẳng trong công việc nên đã tự sát và được chôn cất tại nghĩa trang Potters Field ở New York, nơi yên nghỉ của những công dân vô gia cư và không rõ danh tính.

Cuốn hồi ký được xuất bản sau cái chết của Sullivan và rõ ràng là không được cơ quan tình báo Mỹ chỉnh sửa. Người Mỹ dường như còn muốn để các đối thủ của họ từ GRU hiểu rằng: việc tìm kiếm ngôi mộ của nữ điệp viên giữa hàng trăm nghìn ngôi mộ khác là vô ích.

Bia tưởng niệm Maria Dmitryevna Dobrova.

Bia tưởng niệm Maria Dmitryevna Dobrova.

Kẻ phản bội bị trừng phạt

Cũng như việc các tình báo viên không được bảo vệ khỏi sự phản bội thì chính những kẻ phản bội cũng bất ngờ bị các “chuột chũi” từ phía đối phương phát giác. Năm 1985, hai quan chức tình báo cấp cao của Mỹ là Aldrich Ames và Robert Hansen đã lập tức liên hệ với tình báo Liên Xô. Ames đứng đầu Ban tình báo đối ngoại của CIA, Hansen làm việc tại Ban phân tích Liên Xô của FBI.

Ames và Hansen đã chuyển giao hàng nghìn trang tài liệu mật cho Liên Xô và đã tiết lộ không ít danh tính của các đặc vụ. Khi cả hai người đều tuyên bố về sự phản bội của Polykov thì Ban phản gián Liên Xô đã nghiêm túc giám sát “đồng chí thiếu tướng”. Nhiều người đã nghi ngờ Polykov có mối quan hệ với người Mỹ, nhưng ít ai có thể tưởng tượng được về mức độ thiệt hại bởi hoạt động hèn hạ của hắn ta. Trong suốt 20 năm, viên Thiếu tướng GRU đã trao hồ sơ của 1.500 nhân viên tình báo Liên Xô cho nước ngoài và giao 19 người nhập cư hoạt động bất hợp pháp cho người Mỹ!

Chỉ sau khi Polykov bị bắt vào năm 1986, số phận của đại úy GRU Maria Dobrova mới được làm sáng tỏ. Tất cả những tuyên bố của các nhà báo Mỹ và các đặc vụ của FBI hóa ra chỉ là trò tung hỏa mù. Đất nước Xôviết đã biết rằng nữ điệp viên Maria Dobrova vẫn trung thành với Tổ quốc và đã chọn cái chết thay vì phản bội.

Vào tháng 5/1988, Tổng thống Mỹ Reagan có yêu cầu Tổng thống Liên Xô Gorbachev ân xá hoặc trao đổi Polykov nhưng điều này đã không còn ý nghĩa. Viên thiếu tướng GRU Dmitry Polykov phải nhận bản án tử hình thích đáng và đã bị xử bắn trước đó không lâu.

Thời kỳ cải tổ sau đó và đặc biệt là vào những năm 1990 đầy biến động, quê hương chưa thể đáp ơn về đóng góp của nữ điệp viên Xôviết. Chỉ đến năm 2022, tại nghĩa trang phía Bắc của St. Peterburg, bên trên ngôi mộ người mẹ của nữ điệp viên đã dựng một tấm bia mới có khắc bằng chữ vàng cả tên tuổi của Maria Dmitryevna Dobrova, người đã anh dũng hy sinh khi thực hiện nhiệm vụ đặc biệt.

Bích Nguyễn

Nguồn ANTG: https://antg.cand.com.vn/ho-so-mat/lua-chon-nghiet-nga-cua-mot-diep-vien--i741688/