Lựa chọn nhà thầu: Nên quy định thế nào để tránh làm khó doanh nghiệp?
Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đang xây dựng Dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà thầu. Các doanh nghiệp cho rằng, các quy định của dự thảo cần hợp pháp, hợp lý để doanh nghiệp dễ thực hiện.
Luật Đấu thầu 2023 được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 5 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-1-2024. Luật được kỳ vọng sẽ tháo gỡ các vướng mắc trong thực tiễn, đồng thời tạo dựng nền tảng pháp lý mới, đầy đủ, đồng bộ, thống nhất nhằm xây dựng môi trường đấu thầu cạnh tranh lành mạnh, minh bạch, hiệu quả cho cả cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế.
Để thực thi Luật Đấu thầu, Bộ KH-ĐT đang xây dựng dự thảo Nghị định về lựa chọn nhà thầu. Dự thảo được thiết kế với 126 điều, tương đối đồ sộ và kỹ thuật. Dự thảo dự kiến sẽ bổ sung nhiều quy định mới để hướng dẫn các nội dung Luật Đầu thầu 2023 như: quy định về đảm bảo cạnh tranh, chống “quân xanh, quân đỏ” trong đấu thầu, các gói thầu rút gọn…
Chia sẻ tại hội thảo “Lấy ý kiến doanh nghiệp dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật đấu thầu về lựa chọn nhà thầu”, ông Nguyễn Khắc Hải- Phó Tổng giám đốc Tổng công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (Vinaconex) cho rằng, cần phải cụ thể hóa các ưu đãi đối với nhà thầu, làm rõ nội hàm, thủ tục hành chính cần thiết để nhà thầu thuộc đối tượng ưu đãi dễ thực hiện cũng như phải biết làm gì để hưởng các ưu đãi này trong quá trình tham gia đấu thầu.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đưa ra quy định mức ưu đãi đối với hàng hóa có xuất xứ Việt Nam dưới 50% và trên 50%, đồng thời phải có giấy tờ chứng minh hàng hóa dự thầu có xuất xứ Việt Nam.
“Việc xác định cụ thể tỷ lệ % chi phí sản xuất trong trong nước rất khó thực hiện và bóc tách, khó chứng minh và cũng khó kiểm chứng. Do vậy, chỉ nên quy định 1 mức ưu đãi là hàng hóa có xuất xứ Việt Nam hoặc trong trường hợp cần thiết phải quy định tỷ lệ chi phí sản xuất trong nước để được hưởng ưu đãi thì các ngành, các lĩnh vực riêng, đặc thù sẽ có quy định cụ thể tùy vào tình hình thực tế của ngành, nghề đó”- đại diện Vinaconex kiến nghị.
Tán thành phương thức đấu thầu qua mạng tại dự thảo, ông Nguyễn Khắc Hải cho rằng đây là bước đi đúng đắn của cơ quan quản lý nhà nước nhằm công khai, minh bạch quá trình đấu thầu và theo lộ trình đến năm 2025, toàn bộ các gói thầu sẽ phải triển khai tổ chức đấu thầu qua mạng. Tuy nhiên, vẫn nên linh hoạt để các gói thầu hỗn hợp, gói thầu áp dụng phương thức hai giai đoạn một túi hồ sơ, hai giai đoạn hai túi hồ sơ không bắt buộc phải áp dụng hình thức đấu thầu qua mạng.
Góp ý cho dự thảo, bà Nguyễn Thu Hằng- Trưởng Bộ phận Quan hệ chính phủ & Chính sách công, Công ty TNHH Johnson & Johnson Việt Nam nhận xét, các văn bản quy phạm pháp luật hiện nay chưa thống nhất được khái niệm về Thiết bị y tế (TBYT).
Các văn bản trước đây có sử dụng một số khái niệm như: Trang thiết bị y tế hoặc Thiết bị y tế để mô tả về máy móc, thiết bị sử dụng trong chẩn đoán, điều trị; Vật tư y tế là các loại vật tư sử dụng trong chẩn đoán, điều trị cho bệnh nhân. Trong các văn bản hướng dẫn về thanh toán bảo hiểm y tế hiện nay đang sử dụng từ “Vật tư y tế”.
Trong Dự thảo Nghị định chỉ đề cập đến khái niệm “Thiết bị y tế”, mà không có khái niệm về “Vật tư y tế”. Trong khi thực tế các luật khác luật (ví dụ luật bảo hiểm y tế, luật khám chữa bệnh…) và văn bản dưới đều có khái niệm vật tư y tế, danh mục vật tư y tế thanh toán bảo hiểm y tế, các bệnh viện thường xuyên tổ chức các gói thầu mua.
Theo bà Thu Hằng, các gói thầu mua thiết bị y tế có tính chất đặc thù và có tác động trực tiếp đến sức khỏe của con người nên cần yêu cầu về chất lượng kỹ thuật, nhưng các bệnh viện e ngại khi nêu chi tiết các thông số kỹ thuật, yêu cầu về công nghệ thì sẽ bị quy kết là vi phạm khoản 2 của điều 23: “2. Hồ sơ mời thầu không được nêu bất cứ điều kiện nào nhằm hạn chế sự tham gia của nhà thầu hoặc nhằm tạo lợi thế cho một hoặc một số nhà thầu gây ra sự cạnh tranh không bình đẳng.
Do đó, đại diện Johnson & Johnson Việt Nam đề xuất có hướng dẫn rõ ràng hơn về điều khoản này để tránh vướng mắc khi lập hồ sơ mời thầu.
Ngoài các yếu tố kỹ thuật trong quy định đấu thầu, BS. Nguyễn Thị Lương Phong- Giám đốc Đối ngoại, Công ty TNHH Sanofi Aventis Việt Nam cho hay, tại nhiều quốc gia trên thế giới, trong trường hợp đặc biệt nhằm đảm bảo tiếp cận thuốc của người bệnh, các cơ chế mua sắm thỏa thuận đặc biệt với nhà sản xuất, nhà thầu cũng được áp dụng. Các thỏa thuận có thể dựa trên các yếu tố giá - sản lượng, giới hạn số lượng bệnh nhân, giới hạn mức ngân sách cố định, chi trả dựa trên hiệu quả điều trị…
“Đặc biệt, thỏa thuận giảm giá kèm theo điều kiện bảo mật giá cũng cần được cân nhắc áp dụng. Cơ chế bảo mật giá sẽ giúp các nhà sản xuất có thể đưa ra những mức giá linh động, phù hợp với từng điều kiện của thị trường”- bà Nguyễn Thị Lương Phong nêu ý kiến.