Lựa chọn nội dung, chương trình, chuẩn bị báo cáo thẩm tra là khâu then chốt nâng cao chất lượng Kỳ họp HĐND

Phát biểu chỉ đạo của Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội nghị

Trong không khí cả nước kỷ niệm 47 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30.4.1975 – 30.4.2022) và 136 Ngày Quốc tế Lao động (1.5.1886 – 1.5.2022), Kỷ niệm 132 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19.5.1890 - 19.5.2022); thực hiện chương trình công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XV, hôm nay, Hội nghị Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố đồng bằng Sông Hồng và Duyên hải Bắc Bộ lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026 được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, vùng đất Cố đô hàng ngàn năm lịch sử, có nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng. Thay mặt lãnh đạo Quốc hội, tôi xin gửi đến các đồng chí những lời chúc mừng tốt đẹp nhất, chúc các đồng chí, đại biểu dự hội nghị mạnh khỏe, hạnh phúc và thành công.

Vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức Hội nghị Thường trực HĐND tại 5 khu vực, có thể đánh giá các Hội nghị thực sự là diễn đàn để Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố, các cơ quan của Quốc hội chia sẻ, trao đổi những kinh nghiệm hay, những bài học quý; góp phần nâng cao vai trò, vị trí và chất lượng hoạt động của HĐND các cấp, đưa công tác phối hợp giữa các cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội với HĐND các địa phương ngày càng gắn bó chặt chẽ và thực chất hơn.

Tôi rất vui mừng vì tuy tổ chức vào ngày thứ Bảy nhưng Hội nghị trong không khí vui tươi, tình cảm, trách nhiệm, khoa học, sáng tạo, hiệu quả; đại biểu dự họp nghiêm túc, chú ý lắng nghe. Các tham luận ngắn gọn, rõ ràng, mạch lạc, thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, trên tinh thần xây dựng, có trọng tâm, có chủ đề, nội dung, phản ánh những kinh nghiệm, những vấn đề tâm đắc, những hạn chế cần khắc phục, các kiến nghị, đề xuất. Qua phim phóng sự, phát biểu của đồng chí Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình, báo cáo đề dẫn, báo cáo chung, các tham luận, nhiều tỉnh thành phố có đổi mới, sáng tạo, hoạt động thiết thực như: mở rộng đối tượng chất vấn, tăng cường thời gian chất vấn như thành phố Hà Nội, tỉnh Quảng Ninh; đổi mới chất vấn theo hướng “hỏi nhanh - đáp gọn” như tỉnh Bắc Ninh; tăng cường khảo sát thực tế để thu nhận được nhiều thông tin, phản biện các báo cáo thẩm tra trình kỳ họp như tỉnh Hải Dương; đổi mới cách thức thẩm tra, thảo luận, biểu quyết nghị quyết như tỉnh như tỉnh Vĩnh Phúc và nhiều điển hình khác nữa.

Đặc biệt là những thành tựu nổi bật về phát triển kinh tế - xã hội năm 2021 của 11 tỉnh, thành phố: thu ngân sách hơn 578.340 tỷ, chiếm khoảng 37,9% của cả nước, riêng Hà Nội và Hải Phòng đạt hơn 357.000 tỷ, chiếm 60,8% của cụm và chiếm 23,5% của cả nước. Trong đó thu nội địa 450.464 tỷ (Hà Nội 242.659 tỷ; Hải Phòng 35.000 tỷ; Quảng Ninh 42.520 tỷ... Tuy nhiên, còn có tỉnh thu thấp như Nam Định 7.305 tỷ; Thái Bình 9.357 nghìn tỷ; Hà Nam hơn 12.000 tỷ… Tăng trưởng trung bình của 11 tỉnh là 7,22% cao hơn nhiều so với bình quân chung của cả nước (2,58%). Trong đó các tỉnh tăng trưởng cao như Quảng Ninh 10,28%; Hà Nam 8,85%; Hải Dương 8,6%; Vĩnh Phúc 8,02%. Trong khi cả nước có 9 tỉnh, thành phố tăng trưởng âm thì Cụm chúng ta tăng trưởng thấp nhất là Hà Nội cũng đạt 2,92%. Thu nhập bình quân đầu người đạt 4.524 USD cao hơn so với bình quân cả nước (3.680 USD). Thu hút đầu tư, kim ngạch xuất nhập khẩu, năng suất lao động đều đạt cao, tỷ lệ giảm nghèo rất đáng ghi nhận; nhất là xây dựng nông thôn mới 10/11 tỉnh thành có 100% số xã đạt chuẩn và 7/11 tỉnh thành có 100% số huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Có thể khẳng định rằng, có được những kết quả đó trước hết là có sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, sự nỗ lực, quyết tâm của cả hệ thống chính trị trong đó có sự đóng góp tích cực, thiết thực, hiệu quả của HĐND các cấp vùng đồng bằng Sông Hồng, Duyên hải Bắc bộ.

Vùng đồng bằng Sông Hồng, Duyên hải Bắc bộ hội tụ đủ các điều kiện thuận lợi về hệ thống giao thông, sân bay, cảng biển, đường sắt, đất đai trù phú, tài nguyên khoáng sản, tiềm năng du lịch, là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, khoa học, giữ vai trò động lực, thúc đẩy sự phát triển chung của cả nước. Một số địa phương cần đặt câu hỏi tại sao thu ngân sách, tăng trưởng còn thấp? Đã đổi mới, quyết tâm, nỗ lực phấn đấu hay chưa? Tắc nghẽn ở chỗ nào, đã khai thác, phát huy tiềm năng lợi thế đúng mức hay chưa? Từ đó xác định vai trò của HĐND, xác định yêu cầu phải đoàn kết thống nhất, quyết tâm cao hơn, huy động sức mạnh của toàn dân, của cả hệ thống chính trị, phát huy sáng tạo, sáng kiến, cải cách hành chính, thu hút đầu tư, quyết tâm xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh.

Qua theo dõi, thời gian qua HĐND các cấp đã có sự nỗ lực, quyết tâm, trách nhiệm cao, hoạt động ngày càng chủ động, thực chất; sự phối hợp công tác với các cơ quan, tổ chức hữu quan thiết thực, hiệu quả, kịp thời; áp dụng công nghệ thông tin tốt hơn; hoạt động giám sát được công khai, minh bạch, rõ người, rõ việc, nội dung giám sát bám sát với yêu cầu thực tiễn; có nhiều giải pháp linh hoạt, chủ động, khẳng định mỗi đại biểu HĐND là hạt nhân đóng góp quan trọng vào nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, còn những hạn chế như trong báo cáo và tham luận tại Hội nghị đã nêu:

Tình trạng gửi tài liệu dự thảo báo cáo chậm làm ảnh hưởng đến chất lượng báo cáo thẩm tra của các Ban. Các cơ quan được giao soạn thảo, chuẩn bị nghị quyết chưa chủ động thực hiện. Hoạt động chất vấn, giải trình tại các phiên họp của Thường trực HĐND có nơi, có lúc còn hình thức, tính tranh luận khi thảo luận chưa cao. Công tác giám sát hiệu quả chưa cao, trong đó giám sát chuyên đề còn ít. Việc thực hiện cam kết sau chất vấn và kết luận sau giám sát còn hạn chế. Việc đôn đốc, theo dõi kết quả giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị cử tri của một số địa phương có lúc, có việc còn chậm. Nhận thức của một số cấp ủy địa phương và một bộ phận cán bộ, công chức chưa thực sự coi trọng và phát huy, vị trí, vai trò của HĐND.

Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội đã và đang đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động, tôi nêu 6 nhóm nội dung đổi mới để các đồng chí có thể tham khảo, vận dụng trong năm 2022 và các năm tiếp theo: Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội; quy định về hình thức làm việc trực tuyến; quy định về kỳ họp bất thường; đổi mới công tác dân nguyện. Quy định về tài liệu kỳ họp theo hình thức văn bản điện tử; cung cấp thông tin phục vụ đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; về thời hạn gửi tài liệu đến cơ quan thẩm tra đối với nội dung trình Quốc hội. Công khai về kỳ họp Quốc hội theo hướng quy định thêm một số phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp; công tác tuyên truyền, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của Quốc hội. Quy định về lấy ý kiến đại biểu Quốc hội bằng hình thức phiếu xin ý kiến điện tử đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Giảm thời gian đặt câu hỏi chất vấn xuống còn 1 phút thay vì 2 phút; giảm thời gian trả lời là 3 phút đối với chất vấn của 1 đại biểu thay vì 5 phút. Đổi mới về tổ chức thực hiện trong công tác dự kiến chương trình kỳ họp, chuẩn bị nội dung kỳ họp, điều kiện bảo đảm kỳ họp. Đặc biệt thực hiện Điều 55 về giám sát và hướng dẫn hoạt động của HĐND của Luật Tổ chức Quốc hội, vừa qua Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tổ chức thành công 3 Hội nghị Tổng kết công tác Hội đồng nhân dân năm 2021 ở 3 khu vực Bắc, Trung, Nam.

Để tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động của HĐND, tôi trao đổi một số vấn đề như sau:

Trước hết Thường trực HĐND các tỉnh, thành phố cần xác định rõ nhiệm vụ, quyền hạn của mình; đồng thời phải bám sát nội dung các văn kiện Đại hội Đảng các cấp để thực hiện tốt 9 nhóm nhiệm vụ, quyền hạn quy định tại Điều 19 của Luật tổ chức chính quyền địa phương. Tôi cho rằng việc nắm chắc các Nghị quyết, chỉ thị, chính sách, quy định, thông tin, số liệu, tình hình kinh tế - xã hội là rất quan trọng; vừa qua tôi yêu cầu tổng hợp một số chỉ số cơ bản như: thu chi ngân sách, tăng trưởng, thu nhập bình quân đầu người, xuất nhập khẩu… nhưng một số tỉnh không nắm chắc; HĐND mà không nắm chắc văn bản lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn, không nắm chắc số liệu, tình hình thực tế thì làm sao quyết định, giám sát, thẩm tra được. Về một số nội dung cụ thể, tôi đề nghị:

Thứ nhất,để nâng cao chất lượng kỳ họp việc lựa chọn nội dung, chương trình, chuẩn bị các báo cáo thẩm tra là khâu then chốt, rất quan trọng. Nội dung trình HĐND xem xét, quyết định phải bảo đảm tính hợp Hiến, hợp pháp, giải quyết những vấn đề cử tri, nhân dân và dư luận quan tâm. Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan hữu quan trong việc tổng hợp, tiếp thu, giải trình, làm rõ những nội dung còn có ý kiến khác nhau. Thứ hai, Chủ tọa kỳ họp phải linh hoạt, dân chủ; chỉ trình bày báo cáo tóm tắt tại kỳ họp để tiết kiệm thời gian. Người chất vấn và người được chất vấn phải ngắn gọn, rõ ràng, đúng thẩm quyền, nêu được nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục. Thứ ba, tổ chức giám sát đối với 4 chuyên đề của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong năm 2022 đạt kết quả cao nhất. Thứ tư, mỗi đại biểu HĐND cần thường xuyên nghiên cứu, nâng cao trình độ, kỹ năng để thực hiện đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình; thể hiện rõ quan điểm, chính kiến và đề xuất các giải pháp. Thứ năm, tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động tiếp xúc cử tri; đôn đốc, giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị của cử tri. Thứ sáu, chú trọng tuyên truyền trước, trong và sau mỗi kỳ họp, nhất là các phiên thảo luận tại hội trường, cần tiếp tục duy trì phát thanh, truyền hình trực tiếp để cán bộ, cử tri, nhân dân theo dõi, giám sát. Thứ bảy,đề nghị Ban Công tác đại biểu tổng hợp đầy đủ các kiến nghị đề xuất để báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Hội nghị của chúng ta được tổ chức tại tỉnh Ninh Bình, các công việc đã được chủ động thực hiện khoa học, chu đáo; thay mặt lãnh đạo Quốc hội, tôi cảm ơn Thường trực Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc, các sở, ngành của tỉnh Ninh Bình; tôi cũng ghi nhận đánh giá cao sự phối hợp chặt chẽ của Thường trực HĐND 11 tỉnh, thành phố và Ban Công tác đại biểu trong quá trình chuẩn bị Hội nghị. Tôi tin tưởng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh Ninh Bình tiếp tục kế thừa, phát huy, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII; đoàn kết thống nhất, quyết tâm phấn đấu xây dựng tỉnh Ninh Bình ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lua-chon-noi-dung-chuong-trinh-chuan-bi-bao-cao-tham-tra-la-khau-then-chot-nang-cao-chat-luong-ky-hop-hdnd-kmvtru2feh-82541