Lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6: Nhà trường tin tưởng chờ kết quả
Tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập 21 hội đồng lựa chọn SGK. Dự kiến, đầu tháng 5 sẽ công bố danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng cho năm học 2021-2022.
Các cơ sở giáo dục tại tỉnh này đang mong sớm có kết quả chọn sách của địa phương, để sắp xếp thời gian nghiên cứu, dạy thử nghiệm, xây dựng kế hoạch, tiến trình dạy học phù hợp với mạch kiến thức trong SGK mới.
Cô Nguyễn Thanh B. GV môn Văn, Trường THCS Đại Thành (huyện Cẩm Xuyên) cho biết: “Hiện tỉnh chưa công bố danh mục lựa chọn SGK, nên giáo viên, nhà trường đang rất trông ngóng, mọng đợi thậm chí khá nóng ruột. Nếu công bố sớm, việc tập huấn sử dụng SGK cho giáo viên sẽ chủ động, bởi đây là khâu quan trọng đảm bảo cho giáo viên làm quen với nội dung, phướng pháp, hình thức tổ chức dạy học theo SGK mới”.
Cô Nguyễn Trà G. – Trường tiểu học Hà Huy Tập (TP. Hà Tĩnh) cũng trăn trở về việc mong muốn tỉnh công bố sớm danh mục lựa chọn SGK. Theo cô, rút kinh nghiệm từ năm trước, SGK lớp 1 xuất hiện nhiều “sạn”, nhiều giáo viên lý giải là do thời gian tập huấn và thực nghiệm dạy SGK mới quá ngắn. Vì vậy, khi đưa vào giảng dạy chính thức trong nhà trường đã bộc lộ những bất cập như sách bị phản ánh có nhiều kiến thức khó, quá tải với học sinh lớp 1; có nhiều “sạn”, câu chuyện gây tranh cãi...
“Quyết định thành bại ở SGK mới, vai trò then chốt là ở đội ngũ giáo viên. Khi giáo viên còn bỡ ngỡ, nghĩa là khâu tập huấn, thực nghiệm chưa sâu sát. Trường đã tập huấn nhiều, cho giáo viên nghiên cứu kỹ tài liệu các bộ sách để nắm rõ và có sự lựa chọn phù hợp. Rõ ràng, ý kiến từ cơ sở là khâu then chốt nhưng quyết định cuối cùng cho bộ sách giảng dạy phụ thuộc vào hội đồng lựa chọn sách của tỉnh” – cô Tống Thị Thanh Bình, hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Hà, TP. Hà Tĩnh cho hay.
Cô Thanh Bình nói thêm: “Chính đội ngũ giáo viên còn có những lo lắng, băn khoăn, sẽ ít nhiều ảnh hưởng đến niềm tin của phụ huynh, học sinh. Vì vậy, việc công bố sớm danh mục lựa chọn SGK sẽ là điều kiện tốt cho giáo viên, nhà trường chuẩn bị tốt hơn trong khâu giảng dạy và tập huấn”.
Rút kinh nghiệm từ năm học trước, với lớp 2 và lớp 6, Bộ GDĐT yêu cầu việc chọn SGK phải thực hiện xong từ tuần đầu tháng 4, để đảm bảo giáo viên sẽ có 5 tháng được tập huấn, làm quen với SGK mới. Tuy nhiên, theo tiến độ này thì Hà Tĩnh sẽ công bố danh mục SGK trước ngày 10/5.
Hiện giáo viên, các cơ sở giáo dục đang rất “nóng ruột”, mong sớm có kết quả chọn sách của địa phương mình, để sắp xếp thời gian nghiên cứu, dạy thử nghiệm, xây dựng kế hoạch, tiến trình dạy học phù hợp với mạch kiến thức trong SGK mới.
Đặc biệt, với lớp 6, lần đầu tiên xuất hiện một số môn học mới, theo hướng tích hợp như Lịch sử và Địa lý, Khoa học tự nhiên, giáo viên mong sớm được tập huấn trực tiếp trên SGK, theo hướng “cầm tay chỉ việc”, được dạy thực nghiệm, thay vì chỉ học qua lý thuyết như hiện nay.
“Chúng tôi rất cần tăng thời gian thực nghiệm SGK mới, vì chỉ khi thực hiện việc dạy học trong thực tế, mới phát hiện ra những điều chưa phù hợp để kịp thời điều chỉnh, trước khi đưa vào giảng dạy đại trà” - cô Phan Tr. Trưởng tiểu học Bắc Hà, TP. Hà Tĩnh cho hay.
Khi giáo viên bước vào năm học mới với tâm thế tự tin, vì đã có nhiều thời gian tập huấn, làm quen, dạy thử nghiệm theo SGK mới, người hưởng lợi trực tiếp sẽ là học sinh. Ngược lại, chỉ cần một khâu bị chậm trễ, hàng loạt khâu phía sau sẽ bị ảnh hưởng theo và người chịu thiệt cũng là học sinh.
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Tĩnh cho biết: Thành viên Hội đồng lựa chọn SGK tỉnh là những người có năng lực, kinh nghiệm dạy học và quản lý. Trong đó 2/3 là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên trực tiếp đứng lớp. Mỗi bộ môn sẽ có một Hội đồng thẩm định riêng và có đại diện cho từng vùng, miền.
Ông Nguyễn Quốc Anh cũng cho biết thêm: “Sở đã ban hành 4 tiêu chí lựa chọn SGK lớp 2 và lớp 6. Ngoài ra, các nhà xuất bản cũng đã giới thiệu sách cho các nhà trường và đây sẽ là căn cứ để các nhà trường lựa chọn bộ sách sao cho phù hợp, đúng với các tiêu chí đề ra. Dù lựa chọn bộ sách nào thì vẫn phải đảm bảo ổn định, có tính kế thừa và không gây xáo trộn trong dạy học của các nhà trường, đồng thời tôn trọng ý kiến cơ sở giáo dục, phù hợp với thực tiễn và đặc thù từng vùng miền”.
Ngành Giáo dục Hà Tĩnh cũng mong muốn sau khi Hội đồng tỉnh quyết định lựa chọn danh mục SGK, các đơn vị xuất bản và phát hành sớm cung ứng sách đến các nhà trường. Giáo viên tiểu học cùng lúc phụ trách giảng dạy nhiều môn. Bởi vậy, việc sớm có sách sẽ giúp họ chủ động trong soạn giáo án, thiết kế bài giảng và triển khai dạy học thuận lợi trong năm học mới.