Lựa chọn sách giáo khoa lớp 6, lớp 2: Mong là hết 'sạn'
Thời điểm hiện tại, các Sở GD&ĐT đang hoàn thiện việc lựa chọn sách giáo khoa lớp 2, lớp 6 cho năm học 2021-2022. Điều mà phụ huynh học sinh và nhà trường quan tâm hiện nay chính là làm sao để tránh những'hạt sạn' không đáng có từ bài học của bộ sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều từng khiến dư luận bức xúc.
Những điểm mới trong quá trình thẩm định
Tháng 2/2021, Bộ GD&ĐT phê duyệt Danh mục sách giáo khoa (SGK) lớp 2, lớp 6 được sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông từ năm học 2021-2022. Danh mục gồm 32 SGK lớp 2 của đầy đủ 8 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc, cùng SGK môn tự chọn Tiếng Anh; 40 sách giáo khoa lớp 6 của 12 môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc. Các SGK được phê duyệt của 4 đơn vị xuất bản, gồm: Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam; NXB Đại học Sư phạm; NXB Đại học Sư phạm TPHCM; NXB Đại học Quốc gia TPHCM. Trong đó, NXB Giáo dục Việt Nam chiếm ưu thế, với trên 40 đầu sách.
Theo kế hoạch, sau khi Bộ GD&ĐT công bố phê duyệt danh mục SGK lớp 2, lớp 6 sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông, UBND các tỉnh, thành phố tiến hành lựa chọn SGK trong tháng 4/2021. Việc bồi dưỡng sử dụng SGK lớp 2, lớp 6 phải hoàn thành trước ngày 31/7/2021 và đảm bảo 100% giáo viên đều được tập huấn theo các lớp học tương ứng với môn học/hoạt động giáo dục đối với từng bộ SGK tại địa bàn tỉnh, thành phố.
Trước những "hạt sạn" của bộ SGK Tiếng Việt lớp 1 Cánh Diều, điều mà nhiều phụ huynh và nhà trường quan tâm chính là nội dung của bộ SGK lớp 2, lớp 6 liệu có đảm bảo hơn về chất lượng? Để chuẩn bị tốt hơn cho bộ SGK này, có thể thấy nhiều thay đổi mang tính chủ động hơn từ phía Bộ GD&ĐT. Đơn cử là việc tăng cường giám sát quá trình thực nghiệm SGK mới. Điều này xuất phát từ việc, một trong những bất cập dẫn đến "sạn" trong SGK lớp 1 là thời gian thực nghiệm sách ngắn. Bên cạnh đó, trong quá trình thẩm định, các bản thảo không được công khai để lấy ý kiến của đông đảo giáo viên. Rút kinh nghiệm từ điều này, đối với SGK lớp 2 và lớp 6, Bộ GD&ĐT đã kiểm soát chặt việc thực nghiệm và lấy ý kiến rộng rãi với các bản mẫu SGK trước khi ban hành; đồng thời quy định bắt buộc các đơn vị biên soạn SGK phải tiến hành thực nghiệm. Một điểm được cho là mới trong quá trình thẩm định, ban hành bộ SGK lần này là Bộ GD&ĐT mời chuyên gia độc lập thẩm định, đưa ra góp ý về nội dung của sách, để đội ngũ tác giả, biên soạn cân nhắc chỉnh sửa cho phù hợp.
Hai kênh cần lắng nghe nghiêm túc
Một mắt xích quan trọng trong việc đảm bảo chất lượng SGK lớp 2, lớp 6 chính là sự lựa chọn của Hội đồng thẩm định SGK ở các địa phương. Nếu năm ngoái, quyền lựa chọn sách giáo khoa mới là của giáo viên và nhà trường thì kể từ năm nay, theo quy định của Luật Giáo dục 2019, quyền quyết định sẽ nằm trong tay UBND các tỉnh, thành phố. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để ý chí của những người đứng đầu địa phương trong công việc này phải phù hợp với nguyện vọng của đa số giáo viên trực tiếp dạy học?
Tránh áp đặt từ trên xuống, trong khi điều kiện dạy học của mỗi trường một khác, Bộ GD&ĐT cho biết, đã có những hướng dẫn cụ thể hơn với các địa phương trong việc này. Theo Thông tư số 25 của Bộ GD&ĐT, mỗi môn học của một cấp học thành lập 1 hội đồng. Số lượng thành viên hội đồng là số lẻ, tối thiểu là 15 người, trong đó có ít nhất 2/3 số thành viên là tổ trưởng tổ chuyên môn và giáo viên đang trực tiếp giảng dạy môn học của cấp học đó. Căn cứ vào kết quả lựa chọn SGK của các hội đồng do Sở GD&ĐT trình, UBND cấp tỉnh quyết định phê duyệt danh mục SGK để sử dụng trong cơ sở giáo dục phổ thông tại địa phương.
Như vậy với cơ cấu này, giáo viên có tiếng nói quan trọng trong việc giúp địa phương lựa chọn đầu sách phù hợp. GS.TS Phạm Tất Dong, Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam, cho rằng, ý kiến của giáo viên, cán bộ quản lý trực tiếp giảng dạy sẽ sát thực tế, sát đối tượng học sinh. Trong khi ý kiến của các nhà chuyên môn, nhà nghiên cứu có thể sẽ góp ý cho cấu trúc, nội dung kiến thức, ngữ liệu đảm bảo tính khoa học, giáo dục. "Đó là hai kênh cần lắng nghe, phân tích và tiếp thu nghiêm túc. Còn ý kiến của người dân nói chung có ý nghĩa tham khảo. Nếu không phân định mà cứ lấy ý kiến rộng rãi quá có thể xảy ra tình trạng loạn ý kiến", ông Phạm Tất Dong đề nghị.