Lựa chọn sách giáo khoa: Nghiên cứu, thẩm thấu từng bộ sách

Thời điểm này, các trường đang rốt ráo nghiên cứu, so sánh nhằm lựa chọn cuốn sách phù hợp với HS, địa phương và phát huy được sáng tạo của giáo viên...

Học sinh khối lớp 4 Trường Tiểu học Lê Đình Chinh sinh hoạt CLB liên môn. Ảnh: NTCC

Học sinh khối lớp 4 Trường Tiểu học Lê Đình Chinh sinh hoạt CLB liên môn. Ảnh: NTCC

Theo quy định của Thông tư 27/2023/TT-BGDĐT, các cơ sở giáo dục phải thông báo danh mục sách giáo khoa được địa phương phê duyệt đến giáo viên, học sinh, cha mẹ trước ngày 30/4 hằng năm. Thời điểm này, các trường đang rốt ráo nghiên cứu, so sánh nhằm lựa chọn cuốn sách phù hợp với học sinh, địa phương và phát huy được sáng tạo của giáo viên.

Cá nhân nghiên cứu, tổ thảo luận

Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn (Nam Trà My, Quảng Nam) đã gửi đường link để giáo viên tiếp cận với các bộ sách giáo khoa định dạng PDF để đọc. Thầy Trương Quang Một - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Trường có nhiều điểm trường lẻ, trong đó, 4 điểm trường không có điện và sóng điện thoại. Vì vậy, sách giáo khoa bản in sẽ ưu tiên cho những thầy cô ở các điểm trường này tiếp cận trước để có thời gian đọc, so sánh… Riêng giáo viên ở điểm trường chính, chủ yếu nghiên cứu trên bản PDF trong thời gian đầu, khi chưa thảo luận ở quy mô các tổ chuyên môn”.

Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn có 15 giáo viên hợp đồng. Tuy nhiên, hầu hết thời gian dạy học từ 2 năm trở lên. Vì vậy, theo thầy Một, trong lựa chọn sách giáo khoa, các thầy cô đã có kinh nghiệm từ những năm trước nên tránh được những lúng túng không đáng có. “Số ít giáo viên mới, nhà trường hỗ trợ thầy cô trong tự bồi dưỡng các mô-đun nên việc nắm được khung chương trình của cấp học, so sánh, đối chiếu các bản sách của những nhóm chủ biên khác nhau cũng tương đối thuận lợi”, thầy Một nhận xét.

Ban Giám hiệu Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) đã chia nhóm giáo viên theo các đầu sách để đảm bảo tính chuyên sâu và phát huy thế mạnh nghiên cứu từng người. Với môn học chỉ có 1 - 2 giáo viên, để đảm bảo đủ 3 thành viên theo yêu cầu thì tổ trưởng hoặc tổ phó tổ chuyên môn khối 5 sẽ tham gia.
“Mỗi giáo viên có thể tham gia từ 2 - 3 nhóm chọn sách theo môn học nhưng chỉ làm nhóm trưởng của 1 môn để đảm bảo đủ thời gian nghiên cứu chuyên sâu”, cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt - Hiệu trưởng nhà trường cho biết. Như môn Mỹ thuật, nhà trường tăng cường thêm 1 giáo viên dạy văn hóa của khối lớp 5 có năng khiếu về hội họa để tham gia nhóm thẩm định.

Các thành viên tham gia trong Hội đồng chọn sách giáo khoa của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh được yêu cầu phân tích kỹ ưu điểm và tồn tại từng bản sách. “Việc này giúp giáo viên, tổ chuyên môn thuận lợi hơn cho giảng dạy chương trình lớp 5 sắp tới. Thầy cô tiếp cận sách giáo khoa sớm, có điều kiện nghiên cứu, so sánh sách các nhóm chủ biên khác nhau sẽ chủ động hơn trong lựa chọn, thay thế một số bài tập phù hợp với tình hình thực tế giúp học sinh thực hiện yêu cầu cần đạt từng môn học”, cô Thu Nguyệt phân tích.

Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức thảo luận chọn sách giáo khoa trong tổ chuyên môn Ảnh: NTCC

Trường PTDTBT Tiểu học Trà Leng (Nam Trà My, Quảng Nam) tổ chức thảo luận chọn sách giáo khoa trong tổ chuyên môn Ảnh: NTCC

Bảo đảm tính xuyên suốt, liền mạch

Trong Hội đồng chọn sách giáo khoa của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh, có sự tham gia của tổ trưởng và tổ phó tổ chuyên môn các khối 2 - 3 - 4. Sự tham gia của giáo viên lớp dưới sẽ giúp giáo viên lớp trên nắm bắt được kiến thức, mức độ yêu cầu để đảm bảo sự liên tục mạch kiến thức.

Theo cô Huỳnh Thị Thu Nguyệt, dù giáo viên toàn trường đã tập huấn chương trình tổng thể nhưng cụ thể từng đơn vị khối lượng kiến thức, mức độ yêu cầu mỗi lớp thì tiếp cận sách mới nắm được. Vì vậy, khi tham gia chọn sách, phải có sự kế thừa để giáo viên khối dưới truyền đạt lại cho khối trên.

Cô Lê Thị Kim Bông - Tổ trưởng tổ Hóa học, Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) cho biết: Quy trình thẩm định, lựa chọn sách giáo khoa là 20 ngày, thế nhưng, trên thực tế, giáo viên đã chủ động tiếp cận các bản sách rất sớm. Từ khi có bản đọc thử bằng PDF, trong các nhóm gồm tác giả viết sách và giáo viên bộ môn trực tiếp đứng lớp đã có sự trao đổi, góp ý. Vì vậy, giáo viên có đủ thời gian để “thẩm thấu” hết các bộ sách để có sự lựa chọn hợp lý.

Cô Lê Thị Kim Bông cho rằng, sách giáo khoa được xây dựng trên chương trình khung. Chương trình lớp 12 có sự tiếp nối chương trình lớp 10 và 11, sách giáo khoa chỉ là phương tiện để chuyển tải chương trình nên việc kế thừa không phải là vấn đề.

Còn thầy Trương Công Một nhấn mạnh, nhà trường quán triệt giáo viên trong khâu lựa chọn sách giáo khoa rằng yếu tố kế thừa không đặt quá nặng mà là nghiên cứu trên các bộ sách đã được phê duyệt. Theo đó, sách phải đáp ứng các tiêu chí phù hợp điều kiện dạy học, đặc điểm tâm sinh lý học sinh, kinh tế - xã hội địa phương mới là quan trọng.

Bộ tiêu chí lựa chọn sách giáo khoa tiểu học do UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt được Ban Giám hiệu Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn phát đến từng giáo viên để nghiên cứu, lựa chọn sách. Thầy Một cho biết, ngoài tiêu chí về hình thức như kênh hình, chữ, màu sắc, cách trình bày…; tiêu chí về cấu trúc bài học, nhà trường chú trọng phân tích về nội dung sách.

Theo đó, giáo viên Trường PTDTBT Tiểu học Trà Dơn sẽ phân tích, xem xét trên các tiêu chí như các chủ đề, bài học, hoạt động trong mỗi bài, nội dung câu lệnh, nội dung bài học có giúp giáo viên sáng tạo để phát huy trí tuệ, tư duy của học sinh hay không? Về cấu trúc bài học, các tiêu chí lựa chọn gồm cấu trúc thiết kế có gọn không hay dàn trải, bài học gồm mấy hoạt động. Giáo viên có thể tổ chức dạy học theo định hướng phát triển năng lực cho học sinh không. Về ngữ liệu, sẽ xem xét sách giáo khoa sử dụng phương ngữ nào, cách dùng từ phù hợp với học sinh địa phương hay không…

Kết quả lựa chọn sách giáo khoa của nhiều trường học tại Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi cho thấy gần như các trường đều đảm bảo tính kế thừa những gì đã đạt được trong việc lựa chọn sách giáo khoa những năm trước đó. Cụ thể, các đầu sách lớp 5 được Trường Tiểu học Lê Đình Chinh được chọn từ 3 bộ sách. Trong đó, từ bộ Kết nối tri thức với cuộc sống của Nhà xuất bản (NXB) Giáo dục Việt Nam gồm: Tiếng Việt, Toán, Khoa học, Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc, Công nghệ.

Các đầu sách lớp 5 thuộc bộ sách Cánh diều được lựa chọn gồm: Đạo đức, Giáo dục thể chất, Tin học của NXB Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh. Các đầu sách được chọn từ bộ sách Chân trời sáng tạo của NXB Giáo dục Việt Nam gồm: Mỹ thuật, Hoạt động trải nghiệm. Đối với môn Tiếng Anh lớp 5, Hội đồng chọn sách của Trường Tiểu học Lê Đình Chinh chọn bộ Global Success thuộc NXB Giáo dục Việt Nam.

Thầy Phạm Thạch Sinh - Hiệu trưởng Trường THPT Bình Sơn, Quảng Ngãi cho biết: “Nhà trường chỉ có một giáo viên Mỹ thuật. Để đảm bảo tối thiểu 3 thành viên, chúng tôi mời thêm giáo viên Mỹ thuật ở trường THCS và phụ huynh tham gia thẩm định, lựa chọn. Trong đó, giáo viên Mỹ thuật của trường đảm nhận vai trò nhóm trưởng. Với môn học mới, giáo viên mất nhiều thời gian hơn trong nghiên cứu, so sánh để lựa chọn bản sách giáo khoa phù hợp đặc điểm địa bàn mà trường đóng chân. Các môn học còn lại, gần như giáo viên hình dung được nội dung kiến thức lớp 12 dựa trên khung chương trình đã được tiếp cận trước đó”.

Hà Nguyên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lua-chon-sach-giao-khoa-nghien-cuu-tham-thau-tung-bo-sach-post678822.html