Lựa chọn và chuẩn bị thực đơn chiêu đãi
Thực đơn chiêu đãi là kênh để nước chủ nhà giới thiệu ẩm thực của mình một cách tinh tế, mặt khác thể hiện sự tôn trọng, chu đáo đối với khách.
Chọn thực đơn
Việc chọn thực đơn trong chiêu đãi chính thức luôn được xem xét cẩn trọng, phù hợp với tính chất, bối cảnh, thời gian diễn ra buổi tiệc. Thực đơn chiêu đãi cũng là kênh để nước chủ nhà giới thiệu ẩm thực của mình một cách tinh tế, mặt khác, thể hiện sự tôn trọng, chu đáo đối với khách.
Việc chọn thực đơn cần tránh để khách phải sử dụng những dụng cụ mà họ ít dùng khi ăn hoặc những món ăn kiêng khem vì lý do tôn giáo hay sức khỏe.
Thực đơn cơ bản
Món khai vị: Tiệc đứng thường là sandwich/canape tổng hợp. Tiệc ngồi có thể đa dạng hơn. Việt Nam thường có nem các loại, nộm hoặc bánh.
Món soup: Ở châu Âu, món soup thường được phục vụ ngay sau món khai vị trong khi ở một số nước châu Á, đây là món dùng cuối buổi; Trung Quốc lại ăn hai loại soup khác nhau trong buổi tiệc. Soup có thể đựng trong bát hoặc đĩa sâu lòng.
Món chính: Sau món soup là món chính. Món chính tùy từng nước, tùy vào tiệc trưa hay tối, có thể là một hoặc hai món. Nếu hai món thì nên là một món thịt, một món từ hải sản. Trong các bữa tiệc sang trọng, giữa hai món chính, một cốc kem chanh nhỏ thường được phục vụ để tẩy mùi vị của món ăn trước.
Tráng miệng: Trái cây các loại, bánh ngọt, trà, cà phê.
In thực đơn
Đối với tiệc ngồi, thực đơn thường được in và đặt sẵn trên bàn cho mỗi khách mời. Thực đơn có thể làm bằng giấy cứng gấp đôi hoặc một tờ cỡ nhỏ. Các món ăn, đồ uống ghi trên thực đơn phải ngắn gọn, rõ nghĩa. Thực đơn có thể được trang trí bằng một hình ảnh gợi nhớ sự kiện, tên sự kiện, ngày tháng và địa điểm diễn ra sự kiện.
Nếu bàn tiệc có nhiều người, phải có thiếp xếp chỗ. Trên thiếp ghi họ và tên người dự. Ví dụ: H.E.Mr. Henry J. Marcos hoặc Mrs. Lena Marcos. Thiếp xếp chỗ có thể in Quốc huy. Thiếp để ở phía trước, dễ nhìn, không để vào chỗ đặt đĩa ăn, không để ở vị trí giữa hai người, không để lên chân ly rượu. Thiếp để ở vị trí nào cho mọi người phải thống nhất, tránh lộn xộn.
Cơ quan cần in sẵn một loại giấy thực đơn, thiếp xếp chỗ để sử dụng lâu dài cho các bữa tiệc chiêu đãi ngồi.
Dùng rượu trong chiêu đãi
Rượu vang là loại rượu chính trong bữa ăn. Thông thường, rượu vang đỏ dùng với món thịt; rượu vang trắng dùng với món hải sản; rượu champagne và vang trắng phải ướp lạnh (ướp trong bình có đá viên, nếu cho vào tủ lạnh sẽ bị mất vị; rượu vang đỏ phục vụ trong khoảng 16-18 độ; rượu vang đã mở nút chỉ nên dùng một bữa); rượu whisky có pha soda hoặc có đá viên; rượu cognac, các loại rượu thơm dùng sau bữa ăn.
Có thể kết hợp phục vụ các loại rượu Việt Nam nếu ăn thực đơn Việt. Lưu ý cần hỏi khách xem khách thích sử dụng loại rượu nào để phục vụ.
Chú ý việc ăn kiêng theo tôn giáo của khách mời, ví dụ người theo đạo Hồi không uống rượu…
Nhân viên phục vụ không được cầm lên miệng ly hoặc phần đầu của dụng cụ ăn; nên đi găng vải trắng.
Không dùng quá liều lượng rượu, không nên để đỏ mặt.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lua-chon-va-chuan-bi-thuc-don-chieu-dai-138726.html