Lựa chọn vật nuôi phù hợp để phát triển kinh tế gia đình

Sau nhiều lần chăn nuôi lợn thất bại bởi dịch bệnh, năm 2011, gia đình anh Lâm Văn Thọ (sinh năm 1975) ở xóm Núi 2, xã Nam Tiến (T.X Phổ Yên) đã tìm hiểu thị trường và đưa con ba ba vào nuôi, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi lứa. Bên cạnh đó, gia đình anh cũng nuôi gà đẻ bán trứng, từ đó kinh tế ngày càng ổn định.

Với việc nuôi ba ba thương phẩm gối vụ trong bể có diện tích mặt nước 100m2, bình quân mỗi năm, gia đình anh Lâm Văn Thọ thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Với việc nuôi ba ba thương phẩm gối vụ trong bể có diện tích mặt nước 100m2, bình quân mỗi năm, gia đình anh Lâm Văn Thọ thu lãi khoảng 100 triệu đồng.

Gia đình anh Thọ nuôi ba ba trong bể xi măng có diện tích mặt nước hơn 100m2, độ sâu khoảng 1m. Cùng với xây bờ bao chắc chắn, đáy bể xi măng được rải lớp cát mịn để ba ba có chỗ trú ẩn khi thời tiết thay đổi. Để phòng, chống bệnh dịch cho ba ba, hằng tuần anh Thọ tiến hành rắc vôi bột vào những ngày có ánh nắng mặt trời, thay nước định kỳ để diệt mầm bệnh, giúp vật nuôi phát triển ổn định. So với một số vật nuôi khác, thời gian nuôi ba ba tuy dài (khoảng 3 năm) nhưng nguồn lợi nhuận mang lại khá ổn định. Mỗi con ba ba sau khi được xuất bán trọng lượng đạt hơn 2kg, giá bán dao động từ 380-400 nghìn đồng/kg. Sau thời gian tìm hiểu thị trường, nhận thấy nuôi ba ba gai mang hiệu quả kinh tế cao hơn nên sau khi xuất lứa ba ba trơn, anh Thọ đã mua hơn 300 con giống về nuôi. So với ba ba trơn, giống ba ba gai có sức đề kháng cao hơn, nếu được chăm sóc tốt, trọng lượng đến khi xuất bán có thể đạt 4-5kg.

Hiện nay, ba ba đã trở thành món ăn phổ biến tại các nhà hàng, quán ăn. Do đó, giá cả đối với ba ba thương phẩm ít biến động và đầu ra khá ổn định. Để có thu nhập ổn định, anh Thọ cũng thực hiện chăn nuôi gối vụ (mỗi lứa khoảng 300 con), sau khi trừ chi phí, gia đình thu lãi khoảng 100 triệu đồng/năm. Anh Thọ chia sẻ: Tôi thấy nuôi ba ba không quá khó. Tuy nhiên, con vật này cũng rất dễ mắc một số bệnh ngoài da nếu môi trường nước không đảm bảo vệ sinh.

Bên cạnh nuôi ba ba, gia đình anh Thọ cũng đầu tư xây dựng hơn 300m2 chuồng trại để chăn nuôi gà sinh sản. Với 2.000 con gà sinh sản (chủ yếu là các giống gà chọi lai, gà mía lai và gà hồ), mỗi năm gia đình anh xuất ra thị trường hơn 200 nghìn quả trứng, mang lại nguồn thu nhập hơn 500 triệu đồng. Nhận xét về mô hình kinh tế của gia đình anh Thọ, ông Trần Anh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Nam Tiến cho biết: Đối với nuôi ba ba thương phẩm, anh Thọ là người tiên phong ở địa phương. Tuy quy mô còn nhỏ, song hiệu quả kinh tế từ mô hình đã góp phần giúp gia đình anh vươn lên, từng bước làm giàu. Không chỉ tập trung làm giàu cho bản thân, anh Thọ còn chia sẻ kinh nghiệm, hỗ trợ giống, vốn để các hộ dân, nhất là hộ nghèo tại địa phương phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập.

Trịnh Phương

Nguồn Thái Nguyên: http://baothainguyen.org.vn/tin-tuc/kinh-te/lua-chon-vat-nuoi-phu-hop-de-phat-trien-kinh-te-gia-dinh-264636-108.html