'Lừa' con đi cai nghiện game

Sau khi tìm đủ mọi cách từ mềm dẻo đến cứng rắn để lôi con ra khỏi thế giới ảo không thành, nhiều phụ huynh phải đưa con đi cai nghiện game

Thời gian qua, diễn đàn "Làm sao cai nghiện game cho con" nhận được rất nhiều chia sẻ của phụ huynh bày tỏ những lo lắng, bất lực khi con nghiện game.

Đủ kiểu nghiện ngập

Chị C.L (quận 11, TP HCM) cho biết từ khi con sở hữu điện thoại di động, bé đi đâu, làm gì cũng kè kè bên mình và cắm mặt vào đó. Theo dõi, chị phát hiện con dành hàng giờ đồng hồ chỉ để lướt liên tục các trang mạng xã hội như Facebook, Instagram, Tiktok… Lịch sử truy cập của con hầu hết là các đoạn clip ngắn vô bổ, không mang nội dung giáo dục gì.

Trong khi đó, chị H. (ngụ quận 5) thì đau đầu khi suốt ngày phải nhận và thanh toán các đơn hàng đến mức quen mặt shipper vì con gái cứ cầm điện thoại là "chốt đơn".

Việc không thể kiểm soát con cái trong việc sử dụng các thiết bị công nghệ đã vô tình đẩy nhiều đứa trẻ vào cơn nghiện ngập, khiến gia đình xào xáo.

Em L.Q.M (16 tuổi, ngụ TP Thủ Đức) có khoảng thời gian hơn 1 tháng nghỉ học hẳn chỉ để chơi game. M. đóng cửa phòng, chơi game liên tục bất kể ngày đêm, liên tục bỏ bữa, không nghe ba mẹ khuyên nhủ gì.

Em N.Q.T (15 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) thì vì con quá mê điện thoại đã khiến những trận cãi vả trong gia đình ngày càng nhiều. Ba T. thì cho rằng mẹ em quá chiều con, trong khi mẹ thì trách vì ba mãi mê đi làm, thiếu sự quan tâm, gần gũi con cái.

Khi nghiện điện thoại di động và game online, giới trẻ có thể đối mặt với nhiều hệ lụy tiêu cực, không chỉ sức khỏe mà cả quan hệ xã hội.

Việc dành quá nhiều thời gian cho điện thoại và game có thể gây ra stress, trầm cảm, và lo âu. Trẻ em và thanh thiếu niên có thể trở nên cáu kỉnh. Chị T., mẹ em N.Đ.H (ngụ tỉnh Bình Phước) thừa nhận từ khi bị phụ thuộc vào game, mắt H. lúc nào cũng trợn lên nhưng đờ đẫn không linh hoạt, nóng tính và khó kiểm soát hành vi.

Ở trường cai nghiện game, các học sinh được tham gia các hoạt động thể thao như bóng đá, yoga

Ở trường cai nghiện game, các học sinh được tham gia các hoạt động thể thao như bóng đá, yoga

Ngoài ra, việc cắm mặt vào điện thoại, máy tính suốt ngày gây ra tình trạng béo phì, suy giảm thị lực, đau cổ và vai, và rối loạn giấc ngủ. Có giai đoạn N.Q.T và L.Q.M chạm ngưỡng cân nặng 100 kg.

Sinh hoạt không lành mạnh, thức khuya quá độ để chơi game, mắt luôn phải làm việc với cường độ ánh sáng mạnh từ các thiết bị điện tử, tai ù vì đeo tai nghe, nhiều bạn trẻ suy giảm rõ rệt về sức khỏe. Theo cảnh báo của Sở Y tế TP HCM, tỉ lệ trẻ mắc hội chứng TIC (nháy mắt, chun mũi, nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm hay phát ra những âm thanh lạ...) đang dần tăng cao vì thói quen xem tivi, xem điện thoại, chơi game,... quá nhiều.

Thay vì trò chuyện trực tiếp, gặp gỡ người thân và bạn bè, nhiều bạn trẻ chọn cách tương tác qua mạng xã hội, tham gia vào các cuộc trò chuyện ảo. Từ đó, các em cảm thấy khó khăn trong việc giao tiếp và tự cô lập mình. "Trong lớp có nhiều bạn nhưng em cảm thấy trò chuyện là việc không cần thiết, em thấy chat trên mạng với những người bạn ảo thoải mái hơn" - N.Q.T tâm sự.

Đưa con vào trường cai nghiện game

Để lôi con thoát khỏi thế giới ảo, nhiều bậc phụ huynh đã cố gắng áp dụng nhiều biện pháp khác nhau từ khuyên nhủ, đưa con đi gặp bác sĩ tâm lý đến cứng rắn hơn là tịch thu điện thoại, ngắt mạng internet... Tuy nhiên, không phải đứa trẻ nào cũng tỉnh ngộ và rời bỏ điện thoại, game online. Nhiều em phản ứng tiêu cực như la hét, quậy phá, nhịn ăn, thậm chí bỏ nhà đi…

Có con gái tên A.N. nghiện mạng xã hội đến bỏ ăn, bỏ ngủ, một phụ huynh ở tỉnh Bình Dương cho biết sau khi làm đủ mọi cách để con rời xa điện thoại không thành công, vợ chồng anh đành "lừa" chở thẳng con vào một ngôi trường nội trú chuyên dành cho học sinh nghiện game online ở quận 12, TP HCM.

Game online - ma túy của thời đại số

Cũng được cha mẹ đưa vào trường nội trú cai nghiện game thành công nhưng em L.Q.M lại tái nghiện. Để không phụ lòng cha mẹ, thầy cô và cả những cố gắng của bản thân, M. quyết định đi cai nghiện game lần 2 và đã học ở đó được hơn 1 năm.

M. đúc kết: "Game online thật sự như một thứ ma túy của thời đại số, muốn cai nghiện phải thật sự có quyết tâm, ngoài sự hỗ trợ từ gia đình, thầy cô và bạn bè còn cần có một môi trường nghiêm khắc, chuyên nghiệp".

Ở đây, học sinh không được sử dụng tiền và điện thoại, không tiếp xúc với máy tính hay internet và còn bị cắt đứt liên lạc với gia đình trong 3 tháng đầu.

Sau một thời gian cách ly với thế giới ảo, A.N dần trở lại cuộc sống bình thường với những sở thích khác như đọc sách hay tham gia các hoạt động thể chất.

"Cai nghiện được mạng xã hội, em không còn cảm thấy phụ thuộc vào điện thoại nữa và bắt đầu nhìn nhận thế giới xung quanh với một ánh nhìn mới mẻ. Em sẽ tiếp tục học cách làm điều này khi quay trở lại cuộc sống hàng ngày" - A.N tâm sự.

Chi Phan

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lua-con-di-cai-nghien-game-196231220091201398.htm