Lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn 'góp vốn đầu tư', trả lãi cao
Nguyễn Thị Phương Lan, Giám đốc Công ty An Vạn Lộc 'khoe' đầu tư vào một số dự án có tỷ suất lợi nhuận cao, nhằm huy động nhiều người góp vốn, rồi sử dụng chính số tiền này để trả gốc, lãi.
Ngày 15/9, Toàn án Nhân dân TP. Hà Nội mở phiên tòa xét xử sơ thẩm và quyết định tuyên án đối với bị cáo Nguyễn Thị Phương Lan (sinh năm 1978, trú tại phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, TP. Hà Nội) 15 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”; 4 năm tù về tội “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”, tổng hợp hình phạt chung là 19 năm tù.
Theo cáo trạng, năm 2018, Nguyễn Thị Phương Lan làm Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên An Vạn Lộc (Công ty An Vạn Lộc) có trụ sở tại phường Mộ Lao, quận Hà Đông, TP. Hà Nội; chuyên hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng, vận tải và du lịch.
Trong thời gian này, do điều kiện kinh tế khó khăn nên công ty của Lan không có hoạt động kinh doanh.
Lợi dụng sự phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực bất động sản của Tập đoàn V. trong giai đoạn này, Lan đã đưa ra các thông tin không chính xác, tự giới thiệu với nhiều người là Công ty An Vạn Lộc của Lan đang có nhiều dự án đầu tư bất động sản liên quan đến hệ thống Tập đoàn V., với hình thức đầu tư nhanh, lợi nhuận lớn... với mục đích huy động vốn của nhiều người đầu tư để chiếm đoạt tài sản.
Để thực hiện việc chiếm đoạt, Lan đã nhận tiền của nhiều người, sau đó sử dụng quay vòng để trả một phần gốc và lãi cho chính những người góp vốn; đồng thời còn làm giả một số Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất để làm tài sản thế chấp việc đầu tư, góp vốn nên nhiều người đã tin tưởng góp vốn đầu tư với Lan.
Bằng phương thức và thủ đoạn trên, trong khoảng thời gian từ ngày 3/1/2019 đến tháng 7/2019, Lan đã huy động vốn của 3 cá nhân, rồi chiếm đoạt, với tổng số tiền hơn 10 tỷ đồng.
Trong số các bị hại của Lan, chị Nguyễn Ngọc M. là người bị chiếm đoạt nhiều nhất là hơn 7 tỷ đồng. Chị M. với Lan vốn là hàng xóm, ở cùng tòa nhà chung cư nên quen biết nhau. Lan giới thiệu với chị M. là hiện Lan đang có nhiều dự án đầu tư bất động sản liên quan đến hệ thống Tập đoàn V. và đầu tư kinh doanh có lãi nên rủ chị M. đầu tư.
Thêm vào đó, Lan đưa ra mức lợi nhuận rất cao, có khoản đầu tư lợi nhuận cao gấp đôi trong thời gian rất ngắn, chỉ từ khoảng 3 ngày đến 15 ngày.
Để tạo lòng tin, tất cả các khoản đầu tư, Lan đều đưa ra những dự án cụ thể, số tiền góp vốn và mức lợi nhuận cụ thể, đồng thời ký cam kết lợi nhuận bằng biên bản thỏa thuận góp vốn cùng các phụ lục góp vốn cụ thể. Chị M. tin tưởng nên đã đồng ý góp vốn đầu tư.
Ngày 2/1/2019, Lan và chị M. đã ký biên bản thỏa thuận góp vốn với nội dung: Đầu tư kinh doanh bằng hình thức đầu tư nhanh; số vốn góp, thời hạn góp vốn linh động theo từng thời gian kêu gọi góp vốn.
Trong khoảng thời gian từ ngày 3/1/2019 đến tháng 7/2019, chị M. đã nhiều lần chuyển cho Lan với tổng số tiền hơn 27 tỷ đồng để góp vốn đầu tư vào các dự án. Sau khi nhận tiền của chị M., Lan không sử dụng để đầu tư như đã hứa hẹn mà sử dụng chính dòng tiền này để luân chuyển trả dần cho chị M.
Từ ngày 4/1/2019 đến ngày 27/9/2019, Lan chuyển trả cho chị M. tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng trên tổng số hơn 27 tỷ đồng vốn góp, sau đó không tiếp tục trả và thực hiện các cam kết khác với chị M.
Sau đó, Lan đã ký biên bản xác nhận nợ với nội dung: nợ chị M. 7 tỷ đồng (bao gồm cả tiền gốc và tiền lợi nhuận cam kết), đồng thời sang nhượng cho chị M. một căn hộ có diện tích 45 m2 tại một trong hai dự án tại Gia Lâm hoặc Phú Quốc (không rõ vị trí, là lợi nhuận Lan cam kết trả cho chị M. khi chị M. góp vốn đầu tư vào các dự án trên cùng Lan).
Sau nhiều lần đòi nợ không thành, ngày 11/11/2019, chị M. đã gửi đơn tố cáo Lan có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản đến Cơ quan điều tra, Công an TP. Hà Nội.
Cũng với thủ đoạn vay tiền rồi sử dụng để quay vòng, trả một phần gốc và lãi cho chính những người góp vốn, Lan cũng đã chiếm đoạt của chị Hoàng Thị Phương T. số tiền gần 2 tỷ đồng và chị Lưu Thanh V. số tiền hơn 1,2 tỷ đồng.