Lừa đảo công nghệ cao ở Cà Mau khiến nhiều gia đình lâm vào cảnh tan vỡ
Loại hình tội phạm công nghệ cao ngày càng nở rộ. Nạn nhân là những người nhẹ dạ cả tin, không am hiểu công nghệ và muốn có nhiều tiền nhanh.
Theo số liệu từ Sở TT&TT tỉnh Cà Mau, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu thuê bao di động và hơn 1 triệu thuê bao Internet.
Hình thức cũ, đối tượng mới
Gia đình bà L.T.H. (huyện Phú Tân, Cà Mau) có con dâu cả đi lao động nước ngoài trở về. Từ số vốn tích lũy cộng với tiền hỗ trợ từ gia đình, các con của bà H. dự định xây dựng căn nhà kiên cố, khang trang làm tổ ấm hạnh phúc sau bao ngày vất vả nơi xứ người.
Thế nhưng, trở về nước không bao lâu, con dâu của bà H. làm quen trên mạng xã hội với một tài khoản người nước ngoài. Qua thời gian trò chuyện, người này hứa hẹn sẽ gửi hàng hóa, quà tặng có trị giá lớn về Việt Nam cho con dâu bà H., với điều kiện phải đóng phí hải quan.
Tin tưởng, con dâu bà H. đã liên tiếp chuyển tiền vào tài khoản mà đối tượng cung cấp. Tổng số tiền lên đến gần 700 triệu đồng mà hàng hóa, quà tặng thì vẫn không thấy đâu. Khi biết con bà H. hết tiền, đối tượng lừa đảo cắt liên lạc.
“Lúc chị dâu chuyển tiền lần thứ 3 em đã nghi đây là hình thức lừa đảo qua mạng. Em có khuyên chị không tiếp tục chuyển mà đem các giấy tờ, lịch sử chuyển tiền ra công an trình báo vụ việc. Nhưng chị em không đồng ý. Chị ấy nói đây là công việc riêng của chị. Món quà gửi về có giá trị lớn nên cần chuyển tiền thông quan. Chị tiếp tục cầm cố đất đai chuyển tiền cho đối tượng”, anh P.V.T, em chồng nạn nhân cho biết.
Bà H., mẹ chồng nạn nhân thông tin thêm, sau khi bị lừa đảo mất số tiền lớn, tình cảm vợ chồng con bà bị sứt mẻ. Con trai bà cũng vì chuyện này mà buồn lòng, suy nghĩ không thông nên đã tự tử.
“Mỗi khi nghĩ đến chuyện này tôi vô cùng xót xa. Bọn lừa đảo công nghệ này đúng là không có tính người, là những kẻ giết người không cần dao”, bà H. nghẹn ngào nói.
Ngoài hình thức lừa đảo trên, các đối tượng còn sử dụng chiêu thức tuyển dụng lao động trên môi trường mạng; nhắn tin, gọi điện thoại giả danh cán bộ các cơ quan thực thi pháp luật để hù dọa, yêu cầu người dân chuyển tiền.
Một hình thức lừa đảo khác cũng phổ biến là chiếm quyền điều khiển, giả mạo tài khoản mạng xã hội của người dùng, sau đó nhắn tin người thân, bạn bè trong danh sách tài khoản mạng xã hội để mượn tiền.
Đối tượng lừa đảo còn thông qua các sàn giao dịch tiền ảo tự lập hoặc đứng ra làm đầu mối cho sàn giao dịch nước ngoài để lôi kéo khách hàng mở tài khoản giao dịch tiền ảo của nhà đầu tư nước ngoài. Đến giai đoạn số lượng nhà đầu tư tham gia đông với số tiền lớn, các đối tượng sẽ đánh sập sàn giao dịch chiếm đoạt tài sản của nhà đầu tư.
Chị T. (ngụ TP Cà Mau) cho biết, vào tháng 11/2023, có kết bạn với tài khoản Facebook tên Trần Gia Khang. Sau đó, tài khoản Trần Gia Khang giới thiệu có người quen làm trong sàn giao dịch chứng khoán, rủ chị T. tham gia đầu tư để sinh lời và được chị đồng ý. Sau đó, người này gửi đường link qua Messenger, hướng dẫn chị T. đăng ký, tạo tài khoản tham gia.
“Khi tham gia đầu tư 2 lần đầu, tôi được chuyển trả tiền lãi đúng hạn. Tuy nhiên, đến lần thứ 3, tài khoản này và “hệ thống sàn giao dịch điện tử” lấy nhiều lý do buộc tôi nộp thêm tiền mới nhận được tiền đã đầu tư. Từ ngày 19 - 21/2/2024, tôi đã chuyển hơn 7 tỷ đồng qua tài khoản mà Khang hướng dẫn”, chị T. trình bày tại cơ quan công an.
Tỉnh táo để tránh “sập bẫy”
Theo số liệu từ Sở TT&TT tỉnh Cà Mau, tính đến tháng 6/2024, toàn tỉnh có hơn 1,3 triệu thuê bao di động và hơn 1 triệu thuê bao Internet. Số lượng người dân sử dụng điện thoại di động và Internet chiếm tỷ lệ khá cao.
“Thời đại công nghệ 4.0, người dùng điện thoại, Internet phải thật sự tỉnh táo, nâng cao tinh thần cảnh giác, không công khai các thông tin cá nhân như CCCD, số điện thoại, tài khoản ngân hàng, tài khoản thẻ tín dụng... lên các trang mạng xã hội.
Người dùng cũng không nên tải các phần mềm hay các ứng dụng lạ trên mạng xã hội, đồng thời không truy cập vào các đường link lạ mà các đối tượng không quen biết gửi đến.
Khi nhận cuộc gọi giới thiệu đại diện cơ quan Nhà nước yêu cầu làm việc này, việc kia thì cần phải xác minh thông tin chính xác trước khi thực hiện theo yêu cầu”, ông Nguyễn Văn Đen, Phó Giám đốc Sở TT&TT Cà Mau khuyến cáo.
Đại diện Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Cà Mau cho biết, khó khăn trong việc đấu tranh chống loại tội phạm sử dụng công nghệ cao hiện nay là loại tội phạm này còn khá mới mẻ, hoạt động tổ chức ngày càng tinh vi, thường có tài khoản, máy chủ ở nước ngoài. Mặt khác, khi bị lừa đảo, vì một số lý do (chủ yếu sợ ảnh hưởng danh dự, uy tín) nên người dân thường không đến cơ quan công an tố giác tội phạm.
Thời gian tới, bên cạnh các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh ngăn chặn loại tội phạm lừa đảo công nghệ cao, Công an tỉnh Cà Mau cũng khuyến cáo người dân cảnh giác với những thông báo nhận thưởng qua mạng mà yêu cầu nạp tiền qua thẻ điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.
Cần tìm hiểu kỹ thông tin khi kết bạn với những người lạ trên mạng xã hội. Người dân tuyệt đối không cung cấp mã OTP ngân hàng cho bất kỳ ai, kể cả nhân viên ngân hàng. Người dân không vì lợi ích trước mắt mà tham gia đầu tư vào các sàn chứng khoán, tiền ảo sinh lời khi không có hiểu biết về công nghệ thông tin.
Đặc biệt, khi thấy có biểu hiện nghi vấn bị lừa đảo, người dân cần đến báo ngay cơ quan công an gần nhất để trình báo, kịp thời ngăn chặn, xử lý, tránh trở thành nạn nhân của bọn tội phạm.
Thời gian gần đây, tại nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, tình trạng người dân nhận cuộc gọi mạo danh là cán bộ làm việc tại các cơ quan Nhà nước yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân diễn ra ngày càng phức tạp. Riêng tại Cà Mau đã xuất hiện nhiều đối tượng giả danh là cán bộ các Sở: TT&TT, KH&ĐT, Cục Quản lý thị trường, Công an tỉnh; Bảo hiểm xã hội, Trung tâm dịch vụ việc làm... để lừa đảo.