Lừa đảo đầu tư tiền mã hóa bùng nổ ở Ấn Độ
Các nhóm lừa đảo sử dụng nhiều hình thức dụ dỗ tinh vi, nhắm vào đối tượng nhà đầu tư non trẻ, thiếu kiến thức về tiền mã hóa để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Theo Bloomberg, bị thu hút bởi lợi nhuận khổng lồ của thị trường tiền mã hóa, Vishal - một nhà đầu tư cá nhân tại Ấn Độ - gom toàn bộ 500.000 rupee (6.800 USD) dành dụm được để mua Bitcoin và Ethereum.
Sau đó, Vishal được thêm vào một nhóm có tên Metamask trên ứng dụng nhắn tin Telegram. Nhóm này hứa hẹn người dùng có thể tăng gấp đôi giá trị đầu tư thông qua một mô hình đa cấp và tặng coin miễn phí. "Tôi bị thuyết phục bởi những tin nhắn chụp màn hình và website trông rất chuyên nghiệp. Mọi thứ nhìn có vẻ chân thực", Vishal kể.
Tuy nhiên, Vishal đã bị lừa. Anh mất trắng 0,25 Bitcoin và 2 đồng Ether. Số tiền tiết kiệm được không cánh mà bay. "Khi tôi khiếu nại với bộ phận chăm sóc khách hàng, họ yêu cầu tôi phải gửi thêm Bitcoin mới xử lý", Vishal kể.
Đủ mọi chiêu trò
Vishal không phải trường hợp đầu tiên bị lừa đảo khi đầu tư tiền mã hóa. Theo Bloomberg, khi cơn sốt đầu tư tiền mã hóa lan rộng tại Ấn Độ, những vụ lừa đảo với nạn nhân là các nhà đầu tư trẻ tuổi tăng vọt. Các nhóm tội phạm âm mưu trục lợi nhà đầu tư nhẹ dạ. Họ bị đánh cắp tài sản, tiền bạc đến cả danh tính.
Ông MD Sharath, giám đốc Bộ phận an ninh mạng thành phố Bengaluru, cho biết các đơn tố cáo lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa ngày càng tăng, nạn nhân hầu hết đều dưới 45 tuổi.
"Đa số các vụ lừa đảo thường là một người ôm tiền đầu tư đột ngột biến mất, đánh cắp thông tin cá nhân của nạn nhân hoặc mô hình đa cấp", ông Sharath nói. "Một số trường hợp nhà đầu tư bỏ tiền, nhưng không biết tài sản của mình bị đổ vào tiền điện tử", ông nói thêm.
Không chỉ Ấn Độ, số vụ lừa đảo đầu tư tiền mã hóa ở Mỹ cũng tăng mạnh trong thời gian qua. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ tiết lộ các nhà đầu tư nhỏ lẻ ở nước này đã mất tổng cộng hơn 80 triệu USD vì các vụ lừa đảo đầu tư tiền mã hóa từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021, tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Vishal Gupta, nhà sáng lập tổ chức giáo dục Bitcoin Alliance tại Ấn Độ, cho biết những người dùng mới thiếu kiến thức về cách hoạt động của tiền mã là mục tiêu của kẻ lừa đảo.
"Khi tiền mã hóa dần phổ biến hơn ở Ấn Độ, nhiều người dùng mới bị thu hút bởi lợi nhuận đầu tư cao nhưng lại không có kiến thức về cách hoạt động của chúng. Sự thiếu hiểu biết khiến họ trở thành mục tiêu của những kẻ lừa đảo", ông Gupta nói.
Khi tiền mã hóa dần phổ biến hơn ở Ấn Độ, nhiều người dùng mới bị thu hút bởi lợi nhuận đầu tư cao nhưng lại không có kiến thức về cách hoạt động của chúng
Vishal Gupta, nhà sáng lập tổ chức giáo dục Bitcoin Alliance
Thủ đoạn của các nhóm tội phạm đang ngày càng đa dạng và tinh vi hơn. Các nhóm này lợi dụng sự thiếu hiểu biết và tâm lý muốn kiếm lời nhanh của nhà đầu tư để thiết kế nhiều chiêu trò tinh vi, từ mô hình đa cấp, hứa hẹn tặng coin cho đến lừa gạt, trộm cắp danh tính của nạn nhân.
Vishal là nạn nhân của chiêu lừa đảo núp bóng đào tạo kiến thức về đầu tư tiền mã hóa. Liên hệ với quản trị viên của nhóm Metamask, người này từ chối tiết lộ danh tính thật nhưng luôn khẳng định "đang dạy thanh niên cách làm giàu từ tiền mã hóa trong thời điểm khó khăn".
Vishal đã bị đánh cắp thông tin cá nhân để lấy trộm tài sản trong ví điện tử hoặc các thể loại tài sản khác. Rajshekhar Rajaharia, chuyên gia an ninh mạng, cho biết hình thức lừa đảo này đang trở nên phổ biến gần đây.
"Nhiều người vô tư trao mật khẩu ví điện tử hoặc thông tin tư mật cho những kẻ lừa đảo mà không nhận thức được hậu quả của hành động đó", ông Rajaharia cho biết.
Hành vi lừa đảo đặc biệt
Hứa hẹn tặng coin cũng là một chiêu trò lừa đảo phổ biến gần đây. Nhận thấy tình hình kinh doanh gia đình khó khăn, ông Navjot Singh, 40 tuổi tại New Delhi, bắt đầu đầu tư vào tiền mã hóa từ tháng 1 năm nay. Ông cho biết đã được đưa vào một cộng đồng tiền mã hóa trên Telegram có 40.000 người theo dõi.
Nhóm này là "hang ổ" của cộng đồng sử dụng ứng dụng "MooMooSwap". Người dùng sẽ thực hiện nhiệm vụ để nhận $MOMO, dùng $MOMO có thể đổi lấy Binance coin (BNB). Singh đã bỏ khoảng 1.700 USD tiền thật để mua 0,2 BNB.
Tuy nhiên, khi đồng Binance chính thức lên sàn, Singh mới nhận ra những đồng tiền mã hóa này không có giá trị. Không lâu sau đó, MooMooSwap biến mất, Singh mất sạch số tiền đã đầu tư, còn nhóm trên Telegram tiếp tục hoạt động dưới tên mới "Tosa INU".
"Tôi cố gắng liên hệ với nhà điều hành của nhóm nhưng không được phản hồi. Vì thấy có nhiều người chơi nên tôi mới đầu tư vào, giờ mấy đồng tiền mã hóa này không có giá trị gì nữa", Singh buồn bã nói.
"Trong lĩnh vực tiền mã hóa, các đồng như Doge và Shiba Inu mang lại cho nhà đầu tư lợi nhuận theo cấp số nhân. Tuy nhiên, vì không có pháp chế rõ ràng để quản lý những đồng tiền này nên rất khó phân biệt đâu là thật, đâu là giả", chuyên gia Gupta nhận xét.
Theo báo cáo của Cointelegraph, các nhà đầu tư Ấn Độ mất gần 500 triệu USD vì các vụ lừa đảo tiền mã hóa ở Ấn Độ và nước ngoài trong năm ngoái. Trước tình trạng lừa đảo nở rộ, ông Nikolaos Chrysaidos, người đứng đầu công ty an ninh mạng Avast, đưa ra một số gợi ý cho người dùng tiền mã hóa để tự bảo vệ mình trước những chiêu trò gian lận tinh vi.
Vì thấy có nhiều người chơi nên tôi mới đầu tư vào, giờ mấy đồng tiền mã hóa này không có giá trị gì nữa
Nhà đầu tư Navjot Singh, 40 tuổi, ở New Delhi
Ông khuyến nghị người dùng chỉ nên tin tưởng những ứng dụng từ các nhà phát triển phần mềm uy tín và đọc kỹ bình luận từ người dùng trước. Bên cạnh đó, nhà đầu tư nên chọn ví vật lý thay vì ví trực tuyến để bảo vệ tài sản.
Ông Sharath của Bộ phận an ninh mạng Bengaluru cho biết chính quyền Ấn Độ cần làm rõ về tính hợp pháp của những tiền mã hóa trong tương lai. Các tội danh gian lận liên quan đến tiền mã hóa sẽ được xử lý theo quy định của luật hình sự Ấn Độ.
"Hành vi lừa đảo liên quan đến tiền mã hóa khá đặc biệt so với những loại gian lận trực tuyến khác do tính chất của loại tài sản và nguy cơ rửa tiền cao. Do đó, Ấn Độ cần kiên quyết hơn về tính pháp lý của tiền mã hóa bằng những bộ luật riêng biệt và trong dự luật tiền mã hóa, sẽ được đưa ra Quốc hội sắp tới", ông nói.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lua-dao-dau-tu-tien-ma-hoa-bung-no-o-an-do-post1219787.html