Lừa đảo làm sổ đỏ trong thời gian ngắn, chi phí thấp

Để cho nhiều người tin tưởng, đối tượng đã thành lập văn phòng bất động sản, thuê nhân viên tìm người có nhu cầu làm sổ đỏ trong thời gian ngắn, chi phí thấp…

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngày 8/1, Viện kiểm sát nhân dân TP Hà Nội vừa ban hành cáo trạng truy tố đối với Hoàng Văn Đà (SN 1986) và Đào Thị Khiêm (SN 1967) cùng ở huyện Thanh Oai, Hà Nội về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Cáo trạng thể hiện, với mục đích chiếm đoạt tiền để chi tiêu cá nhân, Đà nảy sinh ý định nhận tiền làm sổ đỏ cho những người có nhu cầu. Để thực hiện hành vi, Đà giới thiệu bản thân quen biết nhiều người ở Sở Tài Nguyên và Môi trường TP Hà Nội, có khả năng làm được sổ đỏ. Ngoài ra Đà còn thành lập văn phòng bất động sản H&D ở huyện Thanh Oai, thuê nhân viên đứng ra tìm người có nhu cầu làm sổ đỏ.

Với thủ đoạn trên, từ tháng 12/2020 đến tháng 2/2022, Đà chiếm đoạt hơn 1,7 tỷ đồng của 18 người.

Theo cáo trạng, Đà biết thông tin có thửa đất 176m2 tại thôn Ngọc Liên, xã Kim An, huyện Thanh Oai, Hà Nội đang được rao bán với giá 334 triệu đồng. Đà đặt cọc trước 20 triệu đồng “làm tin”, yêu cầu chủ nhà không được bán thửa đất trên cho ai.

Thông qua Đào Thị Khiêm giới thiệu, anh Phạm Văn T. biết thông tin thửa đất trên. Đà nói với anh này về việc bán lại thửa đất trên với giá 500 triệu đồng, trong 30 ngày sẽ làm thủ tục, cấp sổ đỏ sớm nhất mà không mất chi phí.

Anh này đã đồng ý và giao cho Đà 100 triệu đồng đặt cọc. Sau đó, anh này đưa nốt 400 triệu đồng và giấy tờ để làm thủ tục. Mặc dù nhận tiền của anh T. nhưng Đà không thanh toán tiền cho chủ nhà. Vì vậy, anh T. không được giao đất. Trong thời gian này, Đà nhận được lời đề nghị của người khác về việc làm sổ đỏ, nhờ rao bán thửa đất dịch vụ 150m2.

Khi đó, Đà liền bảo anh T. chuyển sang mua mảnh đất này với giá 750 triệu đồng, cho nợ 250 triệu đồng, hứa hẹn trong 1 tháng sẽ làm sổ đỏ và sang tên cho anh T. Tuy nhiên, quá thời hạn cam kết, Đà không giao đất cũng không trả lại tiền cho anh T.

Trong vụ án này, Đào Thị Khiêm cũng bị Đà chiếm đoạt 95 triệu đồng. Vào cuối tháng 10/2021, Khiêm nhờ Đà làm sổ đỏ cho thửa đất 766m2 tại thôn Ngọc Liên, xã Kim An, huyện Thanh Oai. Đà đồng ý và nói phải giao trước 40 triệu đồng. Ngoài ra, vào tháng 12/2021, Khiêm mua mảnh đất diện tích 83,7m2 và nhờ Đà làm thủ tục tách thửa, làm sổ đỏ.

Tổng cộng Khiêm đưa cho Đà 95 triệu đồng song Đà không liên hệ với cơ quan chức năng làm thủ tục cấp sổ đỏ, tách thửa mà sử dụng tiền tiêu xài cá nhân. Nhiều nạn nhân khác cũng bị Đà chiếm đoạt từ vài chục đến hơn 100 triệu đồng.

Ngoài ra, cáo trạng thể hiện, thông qua Đào Thị Khiêm, Đà chiếm đoạt 470 triệu đồng của 4 người khác. Trong đó có chị Nguyễn Thị H. bị chiếm đoạt 200 triệu đồng.

Cụ thể, vào tháng 11/2021, chị H. có nhu cầu bán 3 mảnh đất diện tích 243m2 nên nhờ Khiêm môi giới.Khiêm nói 2 mảnh đất chưa có sổ đỏ sẽ khó bán nên sẽ nhờ người làm sổ đỏ. Đà đồng ý và nói chi phí làm sổ là 140 tiệu đồng, thời hạn 75 ngày. Chị H. đề nghị làm nhanh sổ để bán được giá cao thì Đà nói nếu làm sổ trong 45 ngày thì mất 200 triệu đồng. Tuy nhiên, Đà cầm tiền để chi tiêu cá nhân.

Cơ quan điều tra xác định, khi môi giới, viết, ký hợp đồng đặt cọc, nhận tiền hộ Đà, Khiêm không bàn bạc, trao đổi với Đà về việc chiếm đoạt tiền. Khiêm không thỏa thuận việc hưởng tiền môi giới, hoa hồng từ việc giới thiệu. Sau khi nhận tiền của các bị hại, Khiêm đều đưa lại hết cho Đà nên không có căn cứ xác định Khiêm đồng phạm với Đà.

Tuy nhiên, trong vụ án này, Viện kiểm sát cáo buộc bị can Đào Thị Khiêm chiếm đoạt 150 triệu đồng của anh Nguyễn Minh Q. khi giới thiệu bản thân có mối quan hệ, có thể làm sổ đỏ cho gia đình anh này. Sau khi nhận tiền, Khiêm không thực hiện theo cam kết, không trả lại tiền.

Trên thực tế, các đối tượng còn dùng nhiều cách thức tinh vi để chiếm đoạt tiền của những người “nhẹ dạ cả tin” như làm giả con dấu của Văn phòng đăng ký đất đai, mua sổ đỏ giả để đưa cho bị hại như vụ án Lê Thanh Hưng (ở Nghệ An).

Do đó, cơ quan chức năng khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác khi sử dụng dịch vụ thực hiện thủ tục hành chính về đất đai. Đồng thời, mỗi người dân cần trang bị kiến thức cơ bản về pháp lý để bảo vệ quyền lợi cá nhân và tránh rơi vào bẫy lừa đảo.

Đặc biệt, khi cần làm các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục liên quan giấy tờ bìa đất thì cần đến văn phòng, cơ quan quản lý Nhà nước để thực hiện, không qua trung gian để tránh “tiền mất, tật mang”.

Đỗ Mến

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/lua-dao-lam-so-do-trong-thoi-gian-ngan-chi-phi-thap.htm