Lừa đảo 'lấn sân' sang cả tuyển sinh đại học, cao đẳng

Thời gian gần đây, tình trạng lừa đảo qua mạng, qua điện thoại vẫn diễn biến phức tạp và các đối tượng lừa đảo còn cả gan 'lấn sân' sang lĩnh vực tuyển sinh đại học.

Những cuộc gọi với những hứa hẹn “trên trời”

Những ngày nay, mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng đang đi vào “phút 89” khi hàng triệu phụ huynh cùng con em đang dồn tâm trí cho việc theo dõi điểm sàn, điểm tuyển sinh của các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng. Cùng với đó là mối bận tâm chọn đúng trường sao cho hợp với sở nguyện, sở trường của con em.

Đây cũng là lúc các đối tượng lừa đảo không bỏ qua cơ hội, liên tục lên các ứng dụng mạng xã hội kêu gọi đăng ký trường này trường kia với mức điểm do các đối tượng tưởng tượng ra.

Táo tợn hơn các đối tượng lừa đảo còn đánh vào tâm lý nôn nóng, sốt ruột với việc liên tục gọi điện cho các phụ huynh và các thí sinh dự thi nhằm “thông báo”, “chào mừng” đã trúng tuyển trường đại học nọ, cao đẳng kia. Để rồi yêu cầu phụ huynh, học sinh khẩn trương cung cấp các thông tin cá nhân như số căn cước, ngày tháng năm sinh, mã OTP, tài khoản ngân hàng và thậm chí nhân danh cơ sở đào tạo yêu cầu chuyển khoản hay đóng tiền “giữ” chỗ, đóng trước học phí để nhận “ưu đãi” trong cả khóa học, thậm chí lại còn có cơ hội để nhận các “học bổng” (!).

Phụ huynh và các thí sinh cần giao tiếp với các kênh chính thống trong tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi. Ảnh minh họa.

Phụ huynh và các thí sinh cần giao tiếp với các kênh chính thống trong tuyển sinh để bảo đảm quyền lợi. Ảnh minh họa.

Hành vi lừa đảo này không kém phần nguy hiểm, không chỉ gây phức tạp cho trật tự an toàn xã hội mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến quyền lợi của phụ huynh và của các thí sinh dự thi đại học, cao đẳng đang mong ngóng một kết quả khả dĩ nhất, phù hợp nhất cho chặng đường 3 – 5 năm tới mang tính bước ngoặt với các thí sinh.

Nguy hại hơn, việc xuất hiện các hành vi lừa đảo này còn ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của ngành giáo dục và đào tạo, của các cơ sở tuyển sinh trên cả nước cũng như làm méo mó các nỗ lực tuyển sinh để hướng tới mục tiêu lớn là đào tạo đội ngũ nhân lực có chất lượng, đóng góp vào phát triển của đất nước.

Tránh nôn nóng, dễ gây hậu quả

Cần khẳng định việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực, trong đó có tuyển sinh là chủ trương đúng đắn nhằm tạo cơ hội, thuận lợi, dân chủ, công bằng cho các đối tượng tham gia tuyển sinh. Các quy định về thời gian, quy trình, cách thức giao tiếp, giao thiệp với cơ sở đào tạo đều đã được Bộ Giáo dục vào Đào tạo cũng như các trường niêm yết công khai trên các địa chỉ website chính thức, có uy tín bên cạnh các hình thức phù hợp khác để bảo đảm quyền lợi chính đáng cho người học.

Điều cần nói là các thông tin trúng tuyển sẽ được công bố chính thức trên hệ thống của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các địa chỉ mạng có uy tín, chính thống. Hoàn toàn không có cái “gọi” thông báo trúng tuyển, gọi để đề nghị cung cấp thông tin cá nhân hay yêu cầu đóng tiền trước để đổi lại các “ưu đãi” trên trời nào đó.

Điều cần lúc này là các phụ huynh, học sinh cần tiếp tục duy trì mối liên lạc với nhà trường, giáo viên chủ nhiệm của con em mình nơi đã học cũng như các cơ sở đào tạo tương lai để có thể nhận được các thông báo, tư vấn cần thiết, chuẩn xác ở thời điểm quan trọng này của mùa tuyển sinh.

Cần hết sức tỉnh táo, cảnh giác trước các cuộc gọi, nhắn tin liên quan đến tuyển sinh để tránh hậu quả do nôn nóng và đặc biệt là không tiếp tay cho hành vi lừa đảo, tránh “tiền mất tật mang”.

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lua-dao-lan-san-sang-ca-tuyen-sinh-dai-hoc-cao-dang-411577.html