Lừa đảo trực tuyến gây nhiều hệ lụy tiêu cực
Tội phạm lừa đảo trực tuyến đang diễn biến phức tạp, xâm phạm đến tài sản, đời sống, gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự. Là địa phương có nhiều đơn vị tài chính, tổ chức tín dụng, nền kinh tế phát triển, vấn đề nâng cao năng lực phòng chống các hình thức lừa đảo tại Thành phố Hồ Chí Minh càng cần được chú trọng.
Trong 9 tháng đầu năm 2024, Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã tiếp nhận, thụ lý 461 vụ lừa đảo trên không gian mạng với số tiền thiệt hại khoảng 982 tỷ đồng; trung bình mỗi vụ, nạn nhân bị thiệt hại khoảng 5 tỷ đồng. Thực trạng trên càng cho thấy, vấn đề bảo mật cũng như các kỹ năng ứng xử trong quá trình thao tác trên không gian mạng cần tiếp tục được tuyên truyền, phổ biến sâu rộng hơn nữa.
Nhiều hình thức lừa đảo trực tuyến
Tại tọa đàm “Nâng cao năng lực phòng, chống tội phạm lĩnh vực tài chính trên không gian mạng” do Ban Chuyên đề Công an Thành phố Hồ Chí Minh và Hiệp hội Blockchain Việt Nam tổ chức mới đây, Thượng tá Đới Ngọc Thắng, Phó trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an Thành phố Hồ Chí Minh nhấn mạnh, nạn lợi dụng không gian mạng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng gia tăng, diễn biến phức tạp.
Các phương thức, thủ đoạn lừa đảo phổ biến là giả danh cơ quan chức năng (công an, viện kiểm sát, tòa án, cơ quan thuế, nhân viên bưu điện,…) thông báo liên quan các đường dây tội phạm mua bán ma túy, rửa tiền và thủ đoạn yêu cầu đăng nhập vào trang dịch vụ công trực tuyến để thay đổi thông tin cá nhân sau đó xâm nhập, chiếm quyền quản lý các tài khoản, lấy cắp thông tin cá nhân và chiếm đoạt tài sản.
Tương tự là hình thức mời gọi đầu tư tiền vào các sàn giao dịch chứng khoán, sàn tiền ảo, sàn ngoại hối,...; hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua việc xâm nhập tài khoản mạng xã hội và giả làm người thân của bị hại để yêu cầu bị hại chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng. Điều này tác động lớn đến tình hình an ninh trật tự, cuộc sống của người dân.
Trong đó, các thiệt hại kinh tế lớn đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống kinh tế của người bị hại, gây xáo trộn, mâu thuẫn trong gia đình, thậm chí có trường hợp tự tử vì quá áp lực.
Đứng ở góc độ chuyên gia công nghệ, ông Ngô Minh Hiếu, Giám đốc Dự án phòng chống lừa đảo trên không gian mạng cũng cảnh báo về sự nguy hiểm của các phần mềm lừa đảo tự động đang được các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia sử dụng.
Đối tượng thường sử dụng chung một mã nguồn và chỉ thay đổi tên miền, logo, hình ảnh để tạo ra các trang web lừa đảo. Hình ảnh, giao diện các web giả mạo được thiết kế gần giống với các website chính thống nên nạn nhân thường dễ “sập bẫy”.
Hiện nay, các công nghệ như: Deepfake (phương thức tạo ra sản phẩm công nghệ giả dưới dạng âm thanh, hình ảnh hoặc thậm chí là cả video, bởi trí tuệ nhân tạo AI tinh vi), công cụ AI chatbot tự động để tạo ra các tình huống, thông tin giả để lấy cắp thông tin, lừa đảo đang được sử dụng phổ biến để thực hiện lừa đảo. Ngoài ra, tội phạm mạng còn sử dụng các công cụ phân tích và truy vết thông tin để xác định danh tính, vị trí và thông tin tài khoản của nạn nhân…
Nâng cao mức độ cảnh giác
Đại tá Lê Quang Đạo, Phó Giám đốc Công an Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, địa bàn thành phố hiện có 124 chi nhánh ngân hàng thương mại nhà nước; 28 chi nhánh ngân hàng 100% vốn nước ngoài; 4 ngân hàng 100% vốn nước ngoài có trụ sở chính trên địa bàn; 31 chi nhánh ngân hàng nước ngoài; 30 văn phòng đại diện nước ngoài; 19 quỹ tín dụng nhân dân;…
Công an thành phố đã xây dựng nhiều phương án để chủ động nắm chắc tình hình, đề ra giải pháp nâng cao hiệu quả đấu tranh phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này. Các đơn vị đã khám phá, khởi tố, điều tra nhiều vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính, ngân hàng, thu hồi hàng trăm tỷ đồng cho Nhà nước, các doanh nghiệp và người dân.
Thời gian qua, một loại hình tội phạm mới đang diễn ra và có xu hướng lan rộng là kêu gọi đầu tư vào các dự án crypto, tiền ảo, tiền mã hóa, giao dịch trên các nền tảng không phép. Mặc dù công tác tuyên truyền, cảnh báo được thực hiện thường xuyên nhưng vẫn còn rất nhiều người thiếu hiểu biết, ham lợi nhuận, trở thành nạn nhân của chiêu trò này.
Thượng tá Đới Ngọc Thắng cho biết, hành vi của các đối tượng diễn ra hoàn toàn trên không gian mạng nên công tác điều tra, khám phá các vụ án gặp rất nhiều khó khăn. Trong 9 tháng đầu năm 2024, cơ quan công an đã khởi tố 242 vụ. Hầu hết các vụ đều do đối tượng thực hiện hành vi phạm tội đứng ra tổ chức, điều hành (có cả người nước ngoài) để thiết lập mạng lưới tổ chức hoạt động phạm tội.
Các đối tượng xây dựng hệ thống tổ chức chặt chẽ gồm nhiều nhóm, mỗi nhóm được giao thực hiện những nhiệm vụ khác nhau. Dù cùng hoạt động trong cùng tổ chức, băng nhóm nhưng các nhóm này không biết thông tin của nhau, không quen biết nhau. Một khó khăn khác là bị hại và đối tượng đều là những người hoàn toàn không quen biết nhau, do vậy bị hại không thể mô tả đặc điểm nhận dạng, cung cấp thông tin lai lịch đối tượng nghi vấn cho cơ quan điều tra.
Thượng tá Đới Ngọc Thắng cho rằng, thời gian tới cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa của các ngân hàng với cơ quan công an để phong tỏa, ngăn chặn ngay tài khoản mà bị hại chuyển tiền và tiến hành ngay các biện pháp truy xét. Đồng thời, người dân cũng cần nâng cao nhận thức, bảo vệ mình, tìm hiểu thông tin kỹ để tránh sập bẫy lừa đảo. Các tổ chức tín dụng và các công ty tài chính cần đầu tư công nghệ, nâng cấp hệ thống an ninh mạng, bảo mật thông tin khách hàng để hạn chế việc tấn công của tội phạm trên không gian mạng.
Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/lua-dao-truc-tuyen-gay-nhieu-he-luy-tieu-cuc-post852767.html