Lừa đảo trực tuyến: khi người già là 'con mồi' của kẻ lừa đảo
Mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo trực tuyến hướng đến hiện đang có sự dịch chuyển mạnh về nhóm người cao tuổi, trẻ em và người thu nhập thấp. Trong đó, người cao tuổi là nhóm mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng lừa đảo tập trung chuyển hướng vào nhóm này.
Khi người già là "con mồi" của trò lừa đảo trực tuyến
Cùng với sự phát triển của internet và phổ biến của điện thoại thông minh tại Việt Nam, lừa đảo trực tuyến trở thành một mối lo ngại lớn, đặc biệt với những người lớn tuổi. Theo Báo cáo WeAreSocial 2024, Việt Nam hiện có 79% dân số sử dụng internet, tập trung vào nhóm độ tuổi từ 16 - 64, trong đó, 97% người dùng kết nối internet qua điện thoại di động, một độ phủ rất lớn về lượng người dùng trực tuyến. Đáng chú ý, số liệu từ Google vừa công bố cho thấy 49% người trên 55 tuổi từng là nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.
Theo Google, thói quen lên mạng không an toàn là nguyên nhân lớn nhất dẫn đến sập bẫy lừa đảo, 90% người dùng từng tiếp xúc với lừa đảo trực tuyến và hơn 70% từng là nạn nhân. Nhóm tuổi trên 55 đặc biệt dễ bị tổn thương, với 49% từng bị lừa đảo.
Tháng 1/2024, Công an huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh) nhận được thông tin từ Agribank Chi nhánh Thạch Hà về việc có một khách hàng nữ là bà T.T.T (SN 1946, trú thị trấn Thạch Hà) đang có ý định chuyển 392,7 triệu đồng cho ai đó. Qua giao dịch, nhân viên ngân hàng nhận thấy bà T có nhiều biểu hiện lo lắng, bất an. Nghi vấn bà T bị lừa đảo nên nhân viên ngân hàng đã tạm dừng hoạt động giao dịch và liên hệ với Công an huyện Thạch Hà.
Nhận được thông tin, Công an huyện Thạch Hà đã kịp thời có mặt, giải thích, tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn lừa đảo của các loại tội phạm. Lúc này, bà T mới nhận ra sự thật là mình đã bị lừa đảo.
Bà T kể, mấy ngày trước, bà nhận được cuộc gọi từ số điện thoại lạ của một người đàn ông, thông báo thông tin căn cước công dân bị lộ lọt, có liên quan đến đường dây buôn bán ma túy và yêu cầu chuyển tiền để giải quyết vụ việc, nếu không sẽ bị phạt 15 năm tù. Lo sợ, trưa 8/1, bà T đã bán 3 chỉ vàng và rút 2 sổ tiết kiệm với tổng số tiền là 392,7 triệu đồng để đến Agribank Chi nhánh Thạch Hà chuyển vào số tài khoản mà đối tượng lạ cung cấp.
Tháng 1/2024, thông tin từ Công an Hà Nội, Công an huyện Đông Anh đã điều tra, xác minh vụ giả danh cán bộ Công an, lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền là gần 800 triệu đồng.
Theo đó, vào ngày 19/12, bà Đ (SN 1956, trú tại Đông Anh) nhận được điện thoại của một đối tượng tự xưng là cán bộ công an. Đối tượng nói bà Đ có liên quan đến vụ việc vi phạm pháp luật và yêu cầu chị phải kê khai tài sản để chứng minh mình không liên quan.
Do lo sợ nên bà Đ đã chuyển toàn bộ tiền tiết kiệm của bản thân vào tài khoản của các đối tượng. Sau đó, bà Đ biết mình bị lừa nên đã cơ quan công an trình báo.
Cũng mới đây, Công an TP Hà Nội cho biết, Phòng An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đang phối hợp rà soát bị hại trong các vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên địa bàn thành phố.
Điều đáng nói, trong 28 bị hại trên địa bàn Hà Nội đã bị chiếm đoạt tổng số tiền gần 36 tỷ đồng, có một cặp vợ chồng hưu trí bị chiếm đoạt 10 tỷ đồng, trường hợp khác là hai vợ chồng lớn tuổi cũng bị mất 10 tỷ đồng.
15 hình thức lừa đảo thường xuyên đối với người già
Người già, theo các chuyên gia, đây là đối tượng rất dễ để “thao túng tâm lý”. Nắm bắt tâm lý người già thường hay lo nghĩ, hoảng sợ, kẻ lừa đảo đã gọi điện cho họ vào thời gian con, cháu đi làm, giả danh cơ quan công an để đe dọa họ bằng cách đưa vào thế đang bị theo dõi. Về phía nạn nhân, thường họ không hỏi ý kiến của người thân trong gia đình nên răm rắp nghe theo sự điều khiển của bọn lừa đảo để rồi mất số tiền lớn...
Nhiều nạn nhân thường xuyên đọc báo, xem tivi hoặc theo dõi thông tin trên mạng xã hội về các trò lừa đảo của bọn tội phạm, nhưng do tâm lý yếu, sợ liên lụy đến pháp luật nên chỉ vài ba câu hù dọa của các đối tượng là đã răm rắp làm theo yêu cầu của bọn chúng. Có người dù được khuyên can nhưng cứ cho lời của các đối tượng nói là sự thật nên âm thầm làm theo, để rồi khi tiền chuyển vào tài khoản của bọn lừa đảo nhưng không được "trả lại" theo thỏa thuận, lúc này họ mới vỡ lẽ thì đã quá muộn.
Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT), mục tiêu mà các đối tượng lừa đảo hướng đến hiện đang có sự dịch chuyển mạnh về nhóm người cao tuổi, trẻ em và người có thu nhập thấp. Trong đó, người cao tuổi là nhóm mà kỹ năng, khả năng nhận diện lừa đảo còn hạn chế nên các đối tượng lừa đảo tập trung chuyển hướng vào nhóm này.
Người cao tuổi hiện thường gặp 15 hình thức lừa đảo thường xuyên như: lừa đảo "combo du lịch" giá rẻ; lừa đảo công nghệ cao thông qua cuộc gọi video Deepfake; giả mạo biên lai chuyển tiền thành công; giả mạo trang thông tin điện tử, cơ quan, doanh nghiệp, bảo hiểm ngân hàng; giả danh công an, kiểm sát viên, cán bộ tòa án gọi điện lừa đảo; đánh cắp thông tin CCCD đi vay tín dụng; lừa đảo chuyển nhầm tiền vào tài khoản ngân hàng; lừa đảo dẫn dụ đầu tư, nhận bưu phẩm; lừa đảo tung tin giả về cuộc gọi mất tiền; lừa đảo cho số đánh đề…
Điều đáng nói là với các thủ đoạn ngày càng tinh vi của tội phạm mạng, trong năm 2023 và những ngày đầu năm 2024, rất nhiều người cao tuổi đã trở thành nạn nhân của các vụ lừa đảo tài chính và toàn bộ số tiền mà các cụ tích cóp được trong suốt thời gian dài đã nhanh chóng bị rơi vào túi kẻ gian.
Cũng theo Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia dù đã có nhiều giải pháp được đưa ra để ngăn chặn hành vi lừa đảo trên không gian mạng với rất nhiều cảnh báo, song số lượng người già bị dụ lừa vẫn không ngừng tăng lên.
Về giải pháp, theo Cục An toàn thông tin cho rằng, bên cạnh việc phối hợp với các bộ, ngành liên quan thực hiện định danh tài khoản ngân hàng thì Bộ TT&TT xác định việc cập nhật, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về cách thức nhận diện hình thức lừa đảo trực tuyến là một nhiệm vụ quan trọng và thường xuyên.
Ngoài truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, Bộ TT&TT đang kêu gọi các tổ chức, các công ty truyền thông, mạng xã hội tăng cường xây dựng các tình huống, các hình thức tuyên truyền phong phú, phù hợp với từng nhóm đối tượng trên các nền tảng khác nhau, đặc biệt là các đối tượng yếu thế như trẻ em và người cao tuổi.