Lúa đông xuân mô hình CSA nhân rộng chính phát triển tốt

Theo thống kê từ Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Quảng Trị, vụ sản xuất đông xuân 2019-2020, nông dân các hợp tác xã (HTX) trong tỉnh đã sản xuất hơn 704 ha lúa theo mô hình nhân rộng chính 'Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu' (CSA) đang phát triển tốt. Đây là nội dung quan trọng của Dự án Cải thiện nông nghiệp có tưới (WB7) tại Quảng Trị.

 Nông dân HTX Lại An, xã Gio Mỹ chăm sóc lúa mô hình nhân rộng chính CSA. Ảnh: TL

Nông dân HTX Lại An, xã Gio Mỹ chăm sóc lúa mô hình nhân rộng chính CSA. Ảnh: TL

Ông Nguyễn Ngọc Long ở Đội 1, HTX Lại An, xã Gio Mỹ, huyện Gio Linh, vụ sản xuất đông xuân này gieo 8 sào lúa theo mô hình nhân rộng chính CSA. Đang đi thăm đồng gặp chúng tôi, ông Long cho biết ruộng lúa của ông gieo bằng giống Thiên ưu 8 phát triển tốt, không sâu bệnh, hiện lúa đã làm đòng, chuẩn bị trổ. Ông Long rất phấn khởi vì được làm lúa theo mô hình CSA với quá trình canh tác hiện đại, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Giám đốc HTX Lại An Nguyễn Văn Đắc cho biết, vụ này toàn bộ xã viên gieo 20 ha ruộng mô hình nhân rộng chính CSA trên diện tích lúa 100 ha. Sau ba năm thực hiện dự án, các đội sản xuất của HTX đều cùng tham gia trồng lúa theo mô hình trên nên đến khi hết dự án người dân tự chủ được việc trồng lúa theo kỹ thuật này. Ruộng lúa ở xã Gio Mỹ không được tốt lắm nhưng năng suất bình quân lúa CSA các vụ trước đã cho đến 6 tấn/ha. Vụ đông xuân này có 9 HTX của huyện Gio Linh đang sản xuất lúa theo mô hình nhân rộng chính CSA với diện tích 92 ha.

Ở huyện Vĩnh Linh có 7 HTX sản xuất lúa theo mô hình CSA với diện tích 199 ha. Ông Đoàn Dũng ở Đội 1, HTX Duy Viên, xã Vĩnh Lâm đang chăm sóc 10 sào lúa gieo bằng giống Bắc Thơm 8 cho biết, lúa của ông cũng như của xã viên trong HTX phát triển rất tốt, thời điểm hiện tại lúa đang chuẩn bị trổ, nếu thời tiết bình thường hy vọng vụ đông xuân 2019-2020 người trồng lúa ở Duy Viên sẽ trúng lớn. Ông Lê Đức Tuyến, Giám đốc HTX Duy Viên cho biết xã viên bắt đầu sản xuất lúa theo mô hình nhân rộng CSA từ năm 2018 với diện tích ban đầu 13 ha, thấy làm lúa mô hình thuận lợi và khoa học nên năm sau các xã viên đăng ký sản xuất lên 65 ha, còn vụ này sản xuất 20 ha. Nhìn lại các vụ sản xuất lúa theo mô hình nhân rộng chính CSA cho thấy hiệu quả hơn sản xuất lúa truyền thống. Gieo lúa bằng công cụ sạ hàng nên cây thưa, tiết kiệm được giống, nhờ đó cây lúa phát triển mạnh tạo thuận lợi cho quá trình chăm sóc, khi lúa bị bệnh thì xử lý bằng các thuốc sinh học tự chế như nước tỏi, ớt, gừng nên hạn chế được sử dụng các hóa chất BVTV; đặc biệt lúa mô hình này cho năng suất cao.

Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Thái Văn Thành cho biết, Vĩnh Linh là huyện có thế mạnh sản xuất nông nghiệp, diện tích trồng lúa lớn, thời gian qua mô hình lúa CSA được người dân thực hiện cho hiệu quả cao, nên đề nghị sau khi thu hoạch lúa vụ đông xuân này, các HTX trên địa bàn huyện cần chủ động phân tích, vận động nông dân tiếp tục triển khai thực hiện mô hình CSA không chỉ với cây lúa, mà còn với các cây màu, hồ tiêu khi không còn được dự án tài trợ.

Phó Chi cục trưởng phụ trách Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bùi Phước Trang cho biết, sau ba năm (tính cả diện tích vụ đông xuân 2019-2020) thực hiện mô hình “Hỗ trợ thực hành nông nghiệp thông minh thích ứng biến đổi khí hậu”(CSA), tỉnh Quảng Trị đã gieo trồng được 3.504 ha lúa theo mô hình nhân rộng chính. Như vậy mô hình nhân rộng chính đối với cây lúa đạt kế hoạch thực hiện 100%. Theo đó, nhân rộng chính là diện tích nhân rộng được hỗ trợ để xây dựng các mô hình điểm, trình diễn nhằm áp dụng toàn bộ những kỹ thuật tiên tiến của mô hình CSA vào sản xuất. Tiêu chí chọn điểm triển khai nhân rộng chính đối với mô hình CSA thâm canh cây lúa cần có diện tích liền vùng, liền thửa, tối thiểu 10 ha và phải đảm bảo hệ thống tưới, tiêu chủ động, địa hình tương đối bằng phẳng, hạ tầng nội đồng tốt, có sự vào cuộc chỉ đạo mạnh mẽ của chính quyền địa phương, Ban giám đốc HTX, Tổ hợp tác và được sự đồng thuận tham gia của người dân. Vụ sản xuất đông xuân 2019- 2020, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tiếp tục triển khai thực hiện hỗ trợ cho cây lúa 50% công cụ sạ hàng, 50% giống, 30% vật tư phân bón nhả chậm, 50% chế phẩm xử lý rơm rạ. Đây là vụ cuối cùng người dân được hưởng lợi trực tiếp từ dự án.

Theo ông Trang, qua theo dõi các vụ sản xuất cho thấy thành công của mô hình đã giúp phổ biến các bước thực hành CSA để áp dụng phù hợp từng biện pháp kỹ thuật trong sản xuất, khuyến khích các địa phương khác ngoài mô hình triển khai. Mô hình tạo bước đột phá trong quá trình thâm canh cây lúa, thay đổi phương thức canh tác cũ bằng phương thức canh tác mới, phù hợp với thích ứng biến đổi khí hậu hiện nay. Một kết quả quan trọng nữa là dự án góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích, đồng thời giảm thiểu ô nhiễm môi trường do hạn chế thuốc BVTV trên đồng ruộng, tạo nền tảng cho sản xuất hàng hóa nông sản sạch theo hướng bền vững. Qua kiểm tra cho thấy lúa mô hình nhân rộng chính vụ này phát triển tốt, dự kiến sẽ trổ vào đầu tháng 4/2020, đến cuối tháng 4/2020 cho thu hoạch.

Tú Linh

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=147021