Lửa nghề mãi cháy

Ông Nguyễn Bách Bốn - người nghệ sĩ sinh năm 1948 đến từ mảnh đất Cố đô ngàn năm đã dành trọn cả khát khao tuổi trẻ, niềm yêu và ngọn lửa đam mê cho nghệ thuật rối chèo. Chúng tôi đã từng có dịp đến thăm, trò chuyện và lắng nghe ông chia sẻ về câu chuyện nghề thú vị cũng như chuyện đời nhiều thăng trầm của mình.

Quá khứ vang bóng và nỗi lòng người nghệ sĩ

Nghệ sĩ Nguyễn Bách Bốn sinh ra và lớn lên ở thôn Tây, xã Trường Yên, huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình. Cuộc đời và sự nghiệp nghệ thuật của ông đều gắn liền với vùng đất Cố đô địa linh nhân kiệt, giàu văn hóa lịch sử. Mặc dù xuất thân là một nghệ sĩ chèo nhưng ông lại bén duyên với nghề múa rối và gắn bó với nghiệp từ đó.

Nghệ sĩ Nguyễn Bách Bốn kể lại: “Khi 16 tuổi, tôi được một đoàn văn công phát hiện tài năng hát chèo và cũng kể từ thời điểm ấy, tôi bắt đầu bước vào con đường chuyên nghiệp. Năm 1966, tôi công tác tại đoàn chèo Ninh Bình. Sau đó hơn 20 năm, tôi làm diễn viên của Đoàn rối chèo Ninh Bình, sau đổi tên thành Đoàn nghệ thuật rối Hà Nam Ninh”.

Người nghệ sĩ già xúc động nhớ lại: “Ngày ấy, do điều kiện thiếu thốn, nên phương tiện, đạo cụ hoạt động của anh chị em chỉ là một chiếc đèn chiếu, một số bộ phim, một chiếc đèn măng sông, một cây đàn ghita, một cái máy hát cùng vài chục đĩa nhạc và dăm ba con rối tay để hoạt động trước khi chiếu phim. Tất cả dụng cụ của đoàn đều được xếp gọn vào hai chiếc hòm gỗ vuông, chất lên chiếc xe đạp thồ do anh Đinh Quang Diệp và một người nữa nữa trong đoàn gồng gánh. Mỗi thành viên trong đoàn vừa chiếu phim, vừa thuyết minh, vừa biểu diễn rối tay với kịch bản đơn giản lấy chủ đề từ cuộc sống hàng ngày như: Công tác bảo đảm vệ sinh, bài trừ mê tín dị đoan, bài trừ hủ tục, không khí lao động sản xuất, chiến đấu…”. Hoàn cảnh tuy khó khăn, hoạt động của đoàn còn đơn giản, nhưng những người nghệ sĩ chân chính ấy vẫn sống trọn với nghề bởi sự đón nhận nhiệt tình từ người dân khắp nơi cả nước.

Quả thực, trong thời kỳ bao cấp khó khăn, người nghệ sĩ muốn sống được với nghề là một chuyện không hề đơn giản. Nhưng với tình yêu nghệ thuật cháy bỏng, ông vẫn luôn miệt mài và toàn tâm toàn ý hoạt động trong nghề. Vì lửa nghề luôn cháy trong tâm hồn người nghệ sĩ nên ông không ngừng tập luyện và sáng tạo. Đối với người nghệ sĩ, niềm vui trong thời kỳ bom đạn chiến tranh, vật chất thiếu thốn ấy chính là sự yêu mến và kỳ vọng của các khán giả với nghệ thuật truyền thống của quê hương.

Nghệ sĩ Rối chèo Nguyễn Bách Bốn cùng tấm huy chương vàng giành được năm 1990,ghi dấu ấn trong sự nghiệp.

Nghệ sĩ Rối chèo Nguyễn Bách Bốn cùng tấm huy chương vàng giành được năm 1990,ghi dấu ấn trong sự nghiệp.

Trong chiến tranh, không kể gian lao, nguy hiểm, ông cùng đoàn từng vào tuyến lửa Vĩnh Linh biểu diễn phục vụ các chiến sĩ bộ đội, dân quân chiến đấu. Ngày đất nước thống nhất, thực hiện nhiệm vụ chính trị, đoàn vào tận tỉnh Minh Hải, là tỉnh kết nghĩa, phục vụ bà con tại vùng kinh tế mới và đồng bào Nam Bộ. Với lòng nhiệt tình, say mê với nghề, cùng khao khát được sáng tạo, được cống hiến, các suất diễn của đoàn dù ở nơi đâu cũng nhận được sự tán thưởng đặc biệt từ khán giả. Nhiều khán giả tỏ ra bất ngờ trước sự độc đáo tuyệt vời của loại hình nghệ thuật này nên đêm diễn nào cũng đều đầy ắp người xem.

Nhưng vào những năm 90 của thế kỷ trước, trong quá trình chia tách 3 tỉnh Hà Nam - Nam Định - Ninh Bình, Sở Văn hóa thời đó quyết định giải thể đoàn rối. Các nghệ sĩ, diễn viên của đoàn, dù tiếc nuối, nhưng cũng đành chia tay mỗi người một nơi. Người đi tiếp con đường nghệ thuật, kẻ về quê tìm kế sinh nhai. Ông Bốn xúc động nhớ lại: “Đau đớn thay khi người nghệ sĩ phải nhìn chiếc sân khấu với đầy rẫy những kỷ niệm bị phá tan tành, không để lại một dấu tích hay hiện vật gì của đoàn rối...”. Đối với người nghệ sĩ chân chính, niềm hạnh phúc chỉ đơn giản là được sống mãi cùng đam mê, dành trọn nhiệt huyết với nghề. Còn nỗi đau nào hơn khi buộc lòng phải buông bỏ với nghề, với đứa con tinh thần mà bao lâu nay cả Đoàn đã cùng nhau gắn bó xây dựng.

Khi được hỏi về kỷ niệm mà ông nhớ nhất trong những năm tháng gắn bó cùng Đoàn rối, nghệ sĩ Bách Bốn bồi hồi hoài niệm: “Những kỷ niệm sâu sắc thời kỳ gian khổ mà cả đời tôi cũng bao giờ có thể quên. Khi ấy, đoàn đi diễn phải đi bằng xe bò, xe bê, máy kéo,… rồi đến ăn cũng không có mà ăn nhưng anh em trong đoàn vẫn nhiệt huyết lắm, vẫn hăng say với tinh thần phục vụ hết mình cho bà con. Phải kể đến cả những năm tháng chiến tranh ác liệt, đoàn rối vào Nam biểu diễn tại các đơn vị bộ đội, các tuyến lửa còn phải che đậy vì sợ ánh sáng sẽ thu hút địch. Rồi đến ngày miền Nam giải phóng, đoàn cũng mang rối chèo Hà Nam Ninh vào để biểu diễn phục vụ động viên bà con trong Nam. Đoàn đi đến đâu cũng được đón tiếp rất nồng nhiệt và nhận được sự yêu mến của mọi tầng lớp nhân dân. Hạnh phúc lắm những năm tháng huy hoàng ấy!”. Cuộc đời người nghệ sĩ cùng với tình yêu, sự say mê với nghề thì sự mến mộ, nhiệt thành của khán giả là động lực thôi thúc họ cống hiến trọn vẹn cho nghề, cho đời. Mỗi người nghệ sĩ là tinh hoa, là sự tô điểm rạng rỡ cho nét đẹp văn hóa nghệ thuật của nước nhà.

Gìn giữ và bảo vệ tinh hoa văn hóa của quê hương, dân tộc

Ánh mắt người nghệ sĩ sáng lên mỗi khi chia sẻ về những câu chuyện nghề với chúng tôi: “Nghệ thuật ngấm vào trong máu thịt của mình, cho nên chỉ cần nghe thấy tiếng trống chèo nổi lên hay nhìn thấy ánh đèn sân khấu, tâm hồn tôi xốn xang lắm, thao thức, rộn ràng, khó tả làm sao! Cảm thấy nghề diễn này cao quý và thiêng liêng lắm, từng giây từng phút được đứng trên sân khấu luôn hiện hữu trở về với con người mình. Mỗi lúc ấy, tôi nhớ sân khấu nhiều lắm!”.

Cuộc sống thời ấy tuy khó khăn với đồng lương ít ỏi nhưng người nghệ sĩ chưa bao giờ nghĩ đến chuyện bỏ nghề. Bởi lẽ một khi đã bước vào, thì ông đã “say nghề” mất rồi! Ngồi trò chuyện cùng ông, chúng tôi như cảm nhận được ngọn lửa với nghề của ông cứ cháy mãi, như niềm cảm hứng bất tận truyền cho các thế hệ nghệ sỹ sau này. Sâu thẳm trong tâm can người nghệ sĩ ấy vẫn luôn đau đáu nỗi niềm gìn giữ và bảo tồn những tinh hoa văn hóa của quê hương. Tuy đã về hưu và rời xa ánh đèn sân khấu, nhưng hào quang và lửa nghề của người nghệ sĩ già vẫn còn tỏa sáng mãi trong tim.

Nghệ sĩ Nguyễn Bách Bốn ký tặng sách.

Nghệ sĩ Nguyễn Bách Bốn ký tặng sách.

Có lẽ cũng bởi nỗi niềm đau đáu với nghề, cho nên dù rời xa ánh đèn sân khấu đã mấy chục năm nhưng trong lòng người nghệ sĩ Nguyễn Bách Bốn, tình yêu với nghệ thuật rối chèo vẫn còn vẹn nguyên như thuở còn trai trẻ mới bước vào nghề. Đây cũng chính là lý do mà ông thường có mặt ở khắp mọi nơi để hướng dẫn và truyền dạy nghề cho các câu lạc bộ, các hội nhóm tập thể. Nhờ có sự nhiệt tình và tâm huyết của người nghệ sĩ ấy, phong trào văn hóa, văn nghệ trên địa bàn xã Trường Yên nói riêng và huyện Hoa Lư nói chung đã được duy trì và phát triển mạnh trong những năm gần đây. Trong đó không thể không kể đến sự trở lại của những sân khấu truyền thống đáp ứng sự mong mỏi của khán giả cũng như những người nghệ sĩ chân chính.

Thời gian gần đây, sự kiện Nhà hát chèo Ninh Bình khôi phục lại hoạt động nghệ thuật múa rối và tổ chức biểu diễn như đánh dấu sự trở lại của nghệ thuật rối chèo, đồng thời cũng là sự an ủi sâu sắc, lòng tri ân chân thành đối với lớp nghệ sĩ trước khi phải chia tay với Đoàn trong nuối tiếc.

Với những đóng góp to lớn và tâm huyết dành cho nghệ thuật rối chèo, nghệ sĩ Nguyễn Bách Bốn đã tạo được dấu ấn riêng và gặt hái được những thành tích ấn tượng. Ông đạt được 2 Huy chương vàng trong Hội diễn múa rối toàn quốc năm 1985 và 1990; được trao tặng huy chương kháng chiến hạng Nhì vì đã có thành tích trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành. Những thành công này chính là sự ghi nhận của Đảng và Nhà nước dành tặng cho người nghệ sĩ tài hoa đã sống và cống hiến hết mình vì nghệ thuật.

“Rối người, người … Rối tuyệt làm sao

Nghệ thuật đỉnh cao rất tự hào

Văn hóa ba miền truyền cảm hứng

Tinh hoa đất Việt sáng trời nam”

(Nguyễn Bách Bốn)

Bài và ảnh: VŨ HỒNG NGỌC

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/cuoc-thi-nhung-tam-guong-binh-di-ma-cao-quy-lan-thu-13/lua-nghe-mai-chay-666573