Lửa nhiệt huyết của 'ông Năm hỏa lực'

Đã bước sang tuổi 93, sức khỏe giảm sút nhiều so với vài năm trước nhưng Trung tướng Lê Nam Phong vẫn giữ được sự minh mẫn và bầu nhiệt huyết cách mạng sục sôi. Khoảng thời gian này, được sự tiếp sức của những đồng đội trẻ tuổi, vị tướng già vẫn gắng sức đến các địa danh lịch sử để dâng hương tri ân đồng đội, gặp gỡ các cựu chiến binh, thăm hỏi bà con vùng căn cứ kháng chiến cũ của Quân đoàn 4, nói chuyện truyền thống cho bộ đội...

Ông là vị tướng có nhiều bí danh đặc biệt. Những đồng đội thời kháng chiến chống Pháp, cùng tham gia chiến đấu giải phóng Điện Biên Phủ đặt cho ông biệt danh “Đại đội trưởng đầu trọc”. Ngày đó, ông có sáng kiến cho bộ đội cạo trọc đầu để chống bệnh nấm đầu sau thời gian “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt…”. Đặc biệt, trong kháng chiến chống Mỹ, ông được mệnh danh là “ông Năm bình toong” và “ông Năm hỏa lực”. Kể lại những năm tháng hào hùng ấy với bộ đội Quân đoàn 4 hôm nay, Trung tướng Lê Nam Phong cười hóm hỉnh: “Hồi đó, mỗi khi hành quân chiến đấu, bộ đội ta thường đeo bên hông cái bình toong (bi đông) đựng nước. Mình thỉnh thoảng thèm rượu nên khi được dân mời rượu thì lấy luôn cái bình toong đó đựng rượu, dọc đường hành quân có cái để “đấm lưng”. Riết rồi anh em gọi mình như thế”.

 Trung tướng Lê Nam Phong (thứ hai, từ phải sang) họp mặt truyền thống cùng đồng đội. Ảnh: MINH NGỌC

Trung tướng Lê Nam Phong (thứ hai, từ phải sang) họp mặt truyền thống cùng đồng đội. Ảnh: MINH NGỌC

Còn biệt danh “ông Năm hỏa lực” là kỳ tích gắn liền với khả năng tham mưu sáng tạo và bản lĩnh chỉ huy quyết đoán của ông. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Lê Nam Phong là Sư đoàn trưởng Sư đoàn 7, Quân đoàn 4, chỉ huy đơn vị tấn công trên hướng chủ yếu. Để xuyên thủng phòng tuyến quân sự kiên cố ở Xuân Lộc (Đồng Nai), ông đã đề xuất tăng cường pháo binh, hỏa lực mạnh. Bằng việc bố trí trận địa tiến công liên hoàn, sử dụng lực lượng phối thuộc và thọc sâu hiệu quả, Sư đoàn 7 đã trở thành “quả đấm thép” đập tan “cánh cửa thép” Xuân Lộc, mở đường tiến vào giải phóng Sài Gòn. Nghệ thuật sử dụng lực lượng của Sư đoàn trưởng Lê Nam Phong trong chiến dịch này đã được các nhà khoa học quân sự nghiên cứu, đúc kết, góp phần phát triển nghệ thuật quân sự Việt Nam.

Sau ngày đất nước thống nhất, ông có nhiều năm giữ cương vị Tư lệnh Quân đoàn 1, rồi Tham mưu trưởng Quân đoàn 4, sau đó, ông làm Hiệu trưởng Trường Sĩ quan Lục quân 2 cho đến khi nghỉ hưu. Cuộc đời Trung tướng Lê Nam Phong là pho sử liệu về chiến tranh cách mạng, xuyên suốt cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam và xây dựng, đào tạo nguồn nhân lực của quân đội thời kỳ mới. Ông đã đúc kết đời binh nghiệp của mình qua cuốn hồi ký “Cuộc đời và chiến trận”, đã được tái bản hai lần.

NGUYỄN THẾ TRUNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/lua-nhiet-huyet-cua-ong-nam-hoa-luc-582631