Ấn tượng về Cộng hòa Séc

Thiên đường nghỉ dưỡng Karlovy Vary

Rời Dresden (Đức) chúng tôi lên đường đi tham quan Cộng hòa Séc, đầu tiên là thành phố Karlovy Vary cách Dresden 195km. Thành phố Karlovy Vary là một thiên đường nghỉ dưỡng hàng đầu châu Âu, thành phố nổi tiếng về suối khoáng, spa và là một thành phố có liên hoan phim quốc tế danh tiếng với giải thưởng là Quả cầu pha lê. Karlovy Vary cách thủ đô Praha 130km về phía tây, nằm trên hợp lưu 2 sông Teplá và Ohre.

Chợ ở TP Karlovy Vary, Cộng hòa Séc. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Chợ ở TP Karlovy Vary, Cộng hòa Séc. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Tên của thành phố được đặt theo tên Vua Karl IV là người đã lập ra thành phố này từ năm 1349, còn có tên gốc là Karlsbad, ngữ nguyên có nghĩa là nhà tắm của Vua Karl IV. Ở đây có 13 suối khoáng chính, 300 suối khoáng nhỏ, ngay cả sông Teplá cũng có nguồn nước ấm, trong đó nổi tiếng là con suối khoáng Vridelni Kolonada có nhiệt độ 720C, chiều cao phun nước đến 16 mét.

Đường đi từ Dresden đến Karlovy Vary đầu tiên là 4 làn xe, hai bên đường là rừng cây phong, cây dẻ và các cây lá kim xanh tốt xen lẫn với các khu đồng cỏ, ruộng cải hoa vàng và một số thôn xóm. Thôn xóm ở Séc nhìn nghèo hơn ở Đức, nhà cửa nhỏ hơn, có mái, mật độ ở hơi dày như ở Việt Nam. Đi khoảng nửa đường thì rẽ vào đường 2 làn xe bê tông nhựa tốt, quanh co qua nhiều khu rừng và làng xóm khoảng 1 giờ 30 phút mới đến TP Karlovy Vary.

Nhờ có nhiều suối khoáng và khí hậu tốt nên từ chỗ là khu săn bắn được phát triển dần thành một nơi nghỉ dưỡng cho hoàng gia và trở thành một đô thị nghỉ dưỡng tuyệt vời như ngày nay. Đến nơi cũng đã gần trưa nên chúng tôi ghé vào một quán ăn (nấu với khoai củ) món Séc, nhà cao 3 tầng, trụ và sàn đều bằng gỗ, bên trong trang trí các dụng cụ nhà nông. Ăn trưa có súp thịt bò sấy nấu với khoai củ, sau đó là bánh mì trắng xốp ăn với thịt bò bít tết và khoai tây nghiền.

Các khách sạn, nhà hàng dọc sông Teplá, ở thành phố nghỉ dưỡng Karlovy Vary. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Các khách sạn, nhà hàng dọc sông Teplá, ở thành phố nghỉ dưỡng Karlovy Vary. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Bia chai Séc giá 3 Euro một chai 0,5 lít uống cũng khá ngon. Ăn trưa xong cả đoàn đi tham quan thành phố, xuống theo một con dốc dài khoảng 800 mét, cuối dốc là một nhà thờ nhỏ khá đẹp, rồi đến sông nhỏ Teplá, hai bên có kè cứng, trong lòng sông có làm các bậc thang cho nước chảy, nước từ các suối khoáng chảy vào nên trong và sạch. Hai bên dọc sông là con đường nổi tiếng Stará Louka san sát khách sạn, nhà hàng, tượng đài, nhà trưng bày, cửa hàng bán đồ lưu niệm… xây dựng chủ yếu 3-5 tầng, màu sắc rất sáng và sặc sỡ. Khắp nơi trong thành phố đều có mạch nước khoáng lộ thiên, chính quyền địa phương cho bắt vòi để du khách có thể lấy nước khoáng.

Chúng tôi cũng có hứng mỗi người một chai, uống hơi mặn, có vị khoáng. Trên dọc đường đi hai bên có trồng hoa cỏ rất đẹp, đặc biệt là nhiều giống cây lá kim thông, tùng, có những giống cây lá kim rất nhỏ như lùm bụi. Vào công viên Colonnade có mấy nhà gỗ cho khách nghỉ chân, xung quanh là vườn hoa nhiều màu sắc. Tôi thấy có một chỗ lấy nước khoáng được thiết kế như mấy đầu rắn lớn, hình tượng như truyền thuyết đầu rắn cứu sinh.

Chúng tôi đến Mill Colonnade là một địa điểm dài 132 mét, có 124 cột đỡ một mái bằng, ở dưới có 5 suối phun trào. Nhiều nhà cửa ở đây kiến trúc theo kiểu gothic, nhất là các khách sạn lớn dọc theo con đường Stará Louka trên bờ sông. Trên con đường này có mấy địa điểm checkin mang địa danh Karlovy Vary để du khách chụp hình. Karlovy Vary hiện nay là một đô thị du lịch nghỉ dưỡng - spa có diện tích gần 60km2 (kể cả vùng rừng núi xung quanh), dân số gần 5 vạn người, được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới từ năm 2021. Ngoài du lịch nghỉ dưỡng, nhờ nguồn nước đặc biệt nên ở đây cũng sản xuất ra một loại rượu vang hảo hạng là Becherovka nổi tiếng.

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) check in tại quảng trường chính ở Karlovy Vary. Ảnh: CTV

Tác giả (thứ 2 từ trái sang) check in tại quảng trường chính ở Karlovy Vary. Ảnh: CTV

Tham quan Karlovy Vary xong, đến khoảng 3 giờ chiều, chúng tôi lên xe về thủ đô Praha của Cộng hòa Séc. Con đường 2 làn xe tiếp tục chạy qua các vùng nông thôn xanh mát, lưu lượng xe cộ không cao, phải đến hơn 1 giờ mới vào đường cao tốc 4 làn xe. Cứ khoảng 80-100km, theo quy định của châu Âu thì lái xe phải dừng một lần để khách nghỉ chân, đi vệ sinh, giải khát. Còn tài xế xe khách cũng phải nghỉ ngơi hồi sức để bảo đảm an toàn cho khách và mỗi ngày cũng chỉ được lái 11 giờ, thiết bị giám sát hành trình sẽ báo về các trung tâm để kiểm soát và xử phạt lái xe vi phạm.

Praha - thành phố di sản xinh đẹp trên bờ sông Vltava

Khoảng 5 giờ chiều, chúng tôi đến Praha - thủ đô Cộng hòa Séc, thành phố cổ kính xinh đẹp với hệ thống đường sắt và tàu điện khá phổ biến, nên trên nhiều tuyến đường có phần đường dành cho ô tô khá hẹp. Praha nằm ở miền Trung Bohemia, hai bên bờ sông Vltava một phụ lưu lớn của sông Elbe, cách 40km trước khi sông Vltava nhập vào sông Elbe. Praha có 18 cầu bắc qua sông Vltava, trong đó có cầu Karl (còn gọi là cầu Charles đệ tứ, hay theo tiếng Séc là Karluv Most) rất nổi tiếng, trên sông có nhiều tàu du lịch phục vụ du khách chủ yếu là vào ban đêm. Lịch sử của Praha khá lâu đời có từ thế kỷ thứ V sau công nguyên, hiện là đô thị có diện tích gần 500km2, dân số 1,2 triệu người, tính cả vùng đô thị xung quanh có gần 2,7 triệu người. Trung tâm có tính lịch sử của Praha được UNESCO công nhận là di sản thế giới từ năm 1992.

Đồng hồ thiên văn Prazsky Orloj tại quảng trường Phố cổ Praha. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Đồng hồ thiên văn Prazsky Orloj tại quảng trường Phố cổ Praha. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Đầu tiên là đến thăm lâu đài Praha, một tổ hợp công trình được xây dựng từ thế kỷ IX, cũng được công nhận là 1 di sản thế giới. Từ ban đầu vốn là một pháo đài thời phong kiến trong đó có một nhà thờ lớn, cổ kính - là Vương cung thánh đường Thánh Vitus, đến hiện nay lâu đài này là nơi làm việc của Tổng thống và Chính phủ Cộng hòa Séc, cũng như của chính quyền thủ đô Praha. Khu vực của lâu đài rất lớn, có nhà thờ, tu viện và nhiều dinh thự hiện là các công sở, có cả khu vực dịch vụ phục vụ du khách.

Nhà thờ Thánh Vitus trong Lâu đài Praha. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Nhà thờ Thánh Vitus trong Lâu đài Praha. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Các cổng chính đều có vệ binh canh gác nhưng du khách vào thăm dễ dàng, trừ chỗ dinh Tổng thống có cửa từ kiểm tra còn lại đều đi lại tham quan tự do. Chúng tôi đến thăm Vương cung thánh đường Thánh Vitus, nhưng đáng tiếc là công trình cổ và đẹp này đang đóng cửa sửa chữa nên không vào được bên trong. Khu vực xung quanh lâu đài là một rừng cây xanh tốt, có nhiều cây phong, cây dẻ lớn, kéo dài từ tường bao của lâu đài đến thung lũng sâu bên dưới. Khách du lịch được quay phim, chụp hình thoải mái trong lâu đài và bên ngoài, không thấy có bảng cấm gì.

Sau khi tham quan ở đây khoảng một giờ rưỡi, chúng tôi đi ăn chiều tại nhà hàng chủ người Đài Loan, có những món ăn quen thuộc: cơm trắng, canh mồng tơi, gà sa tế, sườn chua ngọt, trứng tráng… nên mọi người thấy ngon miệng. Có bia chai loại 0,5 lít nhãn Budweisher sản xuất tại Séc khá ngon, giá 7 Euro/chai. Về đến khách sạn UNO Prague khoảng 8 giờ tối, khách sạn phòng ốc hơi cũ, không điều hòa, nhưng với nhiệt độ ngoài trời 15oC nên vẫn ngủ ngon.

Sáng hôm sau dậy sớm, 6 giờ 30 cả nhóm đi dạo khu vực quanh khách sạn, có nhiều tòa chung cư, buổi sáng còn sớm nên vắng xe cộ. Dọc đường đi yên tĩnh, hai bên có công viên cây lớn, cây trên hè phố cao 4-5 mét trồng trong các ô gỗ hình tam giác, hàng rào bên đường có nhiều loài hoa đẹp. Về ăn sáng xong lên xe thăm thành phố Praha. Sông Vltava chảy êm đềm giữa thành phố, với nhiều cầu đẹp bắc qua sông, hai bên có đường dọc sông với những tòa nhà cao khoảng 4-5 tầng hầu hết là có dáng cổ kính. Chúng tôi có đến tham quan một tòa nhà có kiến trúc hiện đại, đó là Dancing House (tòa nhà khiêu vũ Frank Gehry), lấy ý tưởng từ các vũ công đang múa nên tạo dáng gấp khúc, ở dưới trần tầng trệt có hình một con ve lớn.

Tôi cũng có chụp hình kỷ niệm tại tòa nhà Viện Goethe và tượng đài nhà văn Alois Jerasek trên đường dọc sông Vltava. Tiếp tục đến thăm Nhà hát opera quốc gia màu đá xám, kiến trúc lối cổ, cao 4 tầng khá đồ sộ, 4 phía đều là đường phố, dọc sông và trước mặt nhà hát đều có đường tàu điện 2 chiều chạy chung với ô tô, vài ba phút có một tàu điện chạy qua. Sau đó chúng tôi được hướng dẫn đến thăm Phố Mới (từ thế kỷ XIV) có Tòa Thị chính (nay là bảo tàng quốc gia) với tượng vua Karl cỡi ngựa ở phía trước, nên còn có tên là quảng trường Con ngựa.

Gần đó, trên một công viên nhỏ có tượng đầu Franz Kafka bằng kim loại trắng không rỉ, một loại tượng động kinetic ngoài trời, là tác phẩm của David Cerný kết hợp giữa nghệ thuật và công nghệ, trông lạ và sống động. Franz Kafka (1883-1924) là một nhà văn trào lưu chủ nghĩa hiện đại, người Bohemia nói tiếng Đức, có ảnh hưởng khá lớn đến dân tộc Séc.

Dinh Tổng Thống CH Séc trong Lâu đài Praha. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Dinh Tổng Thống CH Séc trong Lâu đài Praha. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Tiếp tục đi bộ di chuyển về phía Phố cổ Staré Mesto. Tại đây có một địa chỉ khá nổi tiếng với du khách là Tháp đồng hồ thiên văn Prazsky Orloj hơn 600 năm tuổi, lắp ở mặt phía Nam Tòa Thị chính cổ từ năm 1410. Đây là chiếc đồng hồ thiên văn cổ thứ 3 trên thế giới, hiện nay là chiếc còn hoạt động duy nhất. Cứ mỗi giờ từ 9 giờ đến 21 giờ hàng ngày, thì trên đồng hồ này có con gà trống vàng thò ra vỗ cánh, chuông báo chuyển giờ, tượng các thánh tông đồ từng cặp diễu hành qua hai ô cửa sổ kéo dài 15 phút. Lúc này trên quảng trường phố cổ có hàng trăm du khách chen chúc xem, chúng tôi có 2 lần đến xem vào lúc 11 giờ và 12 giờ trưa, riêng thời điểm 12 giờ thì sau tiếng chuông còn có tiếng còi kéo dài khoảng 10 phút.

Giữa quảng trường Phố Cổ có 1 đài tượng thánh, xung quanh là nhiều ngôi nhà kiến trúc độc đáo, trong đó đáng kể nhất là Tòa Thị chính cổ (có đồng hồ thiên văn), nhà thờ Thánh Nicolas, nhà thờ Đức Mẹ Teyn… Nhà thờ Đức Mẹ Teyn là nơi đang lưu giữ cây đàn Organ nhà thờ từ thế kỷ 17, buổi tối ở đó biểu diễn nhạc cổ điển có bán vé cho người vào xem. Xung quanh quảng trường còn có nhiều chỗ bán đồ uống - chủ yếu là bia cho khách, có nơi bán đồ lưu niệm… đặc biệt là có một trung tâm bán đồ thủy tinh và đồ sứ Bohemia nổi tiếng.

Hầu hết các thành viên trong đoàn chúng tôi đều mua đồ lưu niệm tại đây, có người mua đồ thủy tinh đến hàng nghìn Euro. Đi dọc theo con đường lát đá cỡ 20x20cm trong phố cổ, chúng tôi đến ăn trưa tại một cửa hàng ăn món Việt với thực đơn quen thuộc: cơm trắng, canh, gà kho, thịt kho tàu… và uống bia hơi Séc.

Tòa nhà khiêu vũ tại Praha, có kiến trúc uốn lượn như hai vũ công. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Tòa nhà khiêu vũ tại Praha, có kiến trúc uốn lượn như hai vũ công. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Sau bữa ăn trưa chúng tôi đến thăm cầu Karl, cầu bắc qua sông Vltava, nhiều người gọi đó là cầu Tình yêu. Cầu Karl mang tên Vua Karl IV là một trong những cầu cổ nhất châu Âu, được xây dựng trong 45 năm, hoàn thành năm 1402, dài 516 mét, rộng 9,5 mét, cao 13 mét, với 16 vòm trụ đá có bộ phận chống băng trôi va đập vào trụ cầu. Tháp cầu Old Town ở hữu ngạn (phía phố cổ) trang trí độc đáo, là tháp cổ đẹp nhất châu Âu.

Phía tả ngạn cũng có 2 tháp nhưng nhỏ hơn. Trên cầu có tượng Thánh Johann Nepomuk từ thế kỷ XVII, sau có thêm 30 tượng nữa đều bằng đá. Thời điểm chúng tôi đến thăm cầu thì khách du lịch đông chen chúc trên cầu, có đến hàng nghìn người, phải chờ lâu và tìm cách khéo léo mới chụp được vài bức hình kỷ niệm trên cầu. Trên quảng trường Hiệp sĩ Thánh giá tại đầu cầu phố cổ, có tượng đài Vua Karl IV (bằng đồng), tôi và một số du khách cũng có chụp hình kỷ niệm tại đây.

***

Có thể nói 2 ngày tham quan Séc tôi vô cùng ấn tượng những thành phố cổ kính, thơ mộng là những di sản văn hóa thế giới được UNESCO công nhận. Nước Séc đất không rộng, người không đông nhưng người Séc vốn kế thừa nền văn hóa Bohemia với sự chăm chỉ và khéo léo tài hoa của mình, xứng đáng có một cuộc sống khá giả, bình yên và hạnh phúc.

Tháp Old Town và quảng trường Hiệp sĩ Thánh giá tại phía hữu ngạn cầu Karl bắc qua sông Vltava ở Praha. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

Tháp Old Town và quảng trường Hiệp sĩ Thánh giá tại phía hữu ngạn cầu Karl bắc qua sông Vltava ở Praha. Ảnh: ĐÀO TẤN LỘC

ĐÀO TẤN LỘC

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/89/318169/an-tuong-ve-cong-hoa-sec.html