Lúa tím trên đất Kiến Bình
Gạo tím là loại thảo dược chứa nhiều thành phần tốt cho sức khỏe như omega, vitamin, canxi, giúp người dùng nâng cao sức khỏe. Loại gạo này đang có giá cao trên thị trường. Hợp tác xã (HTX) Kiến Bình, huyện Tân Thạnh, tỉnh Long An đã mang giống lúa này về hợp tác cùng xã viên trồng nhằm nâng cao thu nhập cho nông dân.
Giống lúa mới
Giám đốc HTX Kiến Bình - Dương Hoài Ân vốn là kỹ sư nông nghiệp, đang công tác tại một doanh nghiệp chuyên về lĩnh vực nông nghiệp. Nghề nghiệp này giúp anh tiếp cận nhiều thông tin cũng như nhiều giống lúa mới để có thể thử nghiệm, phát triển trồng trọt đáp ứng nhu cầu thị trường.Trong đó, anh chọn 2 loại lúa tím và nếp cẩm về thử nghiệm trên đất Long An.
Vụ Hè Thu 2019, ông Huỳnh Văn Mừng (ấp Hai Vụ) được HTX chọn thử nghiệm trồng 1,4ha nếp cẩm và 1ha lúa tím. Kết quả tuy chưa mỹ mãn nhưng chắc chắn giống lúa này sẽ mang lại lợi nhuận cho gia đình ông. Ông Mừng cho biết: “Giống nếp cẩm và lúa tím đều có thời gian sinh trưởng từ 95-100 ngày. Hiện tôi trồng thử nghiệm theo hướng hữu cơ. HTX đưa giống, các loại phân bón hữu cơ, thuốc vi sinh và hướng dẫn quy trình trồng trọt. Cuối vụ này, toàn bộ sản phẩm được HTX thu về theo hướng bao tiêu và được cam kết lợi nhuận 25 triệu đồng/ha”.
Anh Hoài Ân chia sẻ, gạo tím hiện nay được xem là loại gạo thảo dược, có hàm lượng vitamin nhóm B, Canxi, Magie, Omega 3-6-9 cao, có lợi cho sức khỏe, giảm các bệnh về tim mạch, tiểu đường, xương khớp. Sản phẩm có lợi cho những người ăn kiêng, người bị huyết áp, người bệnh tim mạch, người bị tiểu đường, có tác dụng bổ mắt, bổ máu, gan, thận, làm giảm quá trình lão hóa và loãng xương. Gạo tím có thể dùng nấu cơm ăn hoặc sử dụng làm trà uống. Đặc biệt, quá trình trồng theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học nên thành phẩm hoàn toàn không chất độc hại và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Đây là mùa vụ thứ 2 HTX thử nghiệm trên đất Long An. Ở vụ mùa thứ nhất, gạo được thử nghiệm tại các đơn vị có chức năng, kết quả rất phấn khởi, tất cả chỉ tiêu về an toàn thực phẩm đều đạt. Riêng hàm lượng Omega 3-6-9 khá cao.
Khó khăn duy nhất của việc trồng lúa tím, nếp cẩm hiện nay là do lần đầu tiên chuyển đổi giống mới nhưng hoàn toàn không sử dụng thuốc cỏ, nông dân tốn công nhổ cỏ. Bên cạnh đó, do hoàn toàn không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nền ruộng vẫn còn sót hạt giống cũ, lúa lộn nhiều nên hạt gạo thành phẩm chưa đồng nhất. Tuy nhiên, theo anh Hoài Ân, những vụ mùa tới chắc chắn tình trạng này sẽ được cải thiện.
Niềm tin mới
Ông Mừng cho hay, ông trồng lúa gần 10 năm nay.Thời gian gần đây, các cơ quan truyền thông cũng như ngành chức năng cảnh báo việc trồng lúa sử dụng nhiều phân bón vô cơ, thuốc bảo vệ thực vật có hại cho sức khỏe người làm cũng như môi trường.Điều này khiến ông ái ngại. Gần 1 năm nay, chuyển qua trồng theo hướng hữu cơ vi sinh, ông cảm thấy nhẹ nỗi lo. Điều phấn khởi hơn nữa là sản xuất theo hướng hợp tác, HTX bao tiêu đầu ra và cam kết lợi nhuận, chắc chắn ông sẽ hợp tác bền lâu.
Chia sẻ về lý do mang loại lúa tím, nếp cẩm về đất Long An, anh Hoài Ân nói: “Hiện tại, trên thị trường, 2 sản phẩm này rất hút hàng vì có tính năng như thảo dược, giá thành khá cao. Khi 2 sản phẩm này kết hợp trồng theo hướng hữu cơ sẽ nâng cao giá trị thành phẩm, điều này chắc chắn sẽ mang lại lợi nhuận cho nông dân. Vụ Hè Thu 2019, nông dân đạt lợi nhuận 25 triệu đồng/ha nhưng đối với vụ Đông Xuân 2019-2020, chắc chắn lợi nhuận sẽ tăng thêm và sẽ tăng thêm nhiều hơn nữa khi HTX có đầu ra ổn định đối với 2 loại sản phẩm này”.
Theo ông Mừng, việc chăm sóc lúa trồng theo hướng hữu cơ rất “khỏe” về vốn nhưng nông dân phải thường xuyên thăm đồng để kịp thời phát hiện sâu, bệnh. Nếu có, ông lập tức báo về cho cán bộ kỹ thuật để tìm cách xử lý. Bù lại, hàng ngày, chứng kiến quá trình sinh trưởng của cây lúa khiến ông cảm thấy vui. Ông nói: “Cây lúa “ngộ” lắm, gốc lúa màu tím, lá lúa màu xanh khi còn non nhưng hễ có cào cào hay côn trùng cắn thì lá lúa sẽ lam lam màu tím. Đặc biệt, khi lúa trổ bông, những hạt lúa màu tím nhìn rất đẹp, căng bóng, no tròn”.
Do những vụ đầu sản xuất nên năng suất lúa chưa cao. Ông Mừng vừa thu hoạch, lúa tím đạt năng suất hơn 2 tấn/ha, nếp cẩm đạt 4 tấn/ha. Lượng lúa chưa nhiều nên hầu hết công đoạn sau thu hoạch đều phải thực hiện theo thủ công. Riêng về phần xay xát được đem gia công tại Tiền Giang.Sau đó, thành phẩm được mang về HTX Kiến Bình đóng gói, hút chân không.
Hiện nay, sản phẩm gạo tím, nếp cẩm của HTX Kiến Bình được anh Hoài Ân bán chủ yếu cho người quen, qua các doanh nghiệp sản xuất thực phẩm chức năng. Mới đây, tại Hội nghị kết nối cung - cầu hàng hóa giữa TP.HCM và 45 tỉnh, thành năm 2019 - 2020 tại TP.HCM, sản phẩm lúa tím, nếp cẩm được trưng bày và được không ít doanh nghiệp chuyên sản xuất thực phẩm chức năng ngỏ lời kết nối liên kết tiêu thụ. Anh Hoài Ân cho biết, hiện các bên đang giữ liên lạc và bàn thảo cách thức liên kết. Đây chính là điều đáng phấn khởi, niềm tin mới cho hướng sản xuất của HTX.
Hiện HTX Kiến Bình có 28 thành viên sản xuất 60ha lúa, trong đó có 16ha sản xuất hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Anh Hoài Ân chia sẻ, vụ Đông Xuân 2019 - 2020, HTX sẽ tăng diện tích sản xuất lên 200ha (kết hợp với thành viên liên kết, vệ tinh), trong đó diện tích sản xuất nếp cẩm là 10ha và lúa tím 15ha hoàn toàn theo hướng hữu cơ. Theo đó, đối với 2 sản phẩm nếp cẩm và lúa tím, lợi nhuận cam kết cho nông dân là 35 triệu đồng/ha và sẽ cao hơn nữa khi đầu ra sản phẩm ổn định./.
Nguồn Long An: http://baolongan.vn/lua-tim-tren-dat-kien-binh-a83153.html