Lúa trúng giá, nhà nông phấn khởi
Đã lâu lắm rồi người trồng lúa mới có được niềm vui trúng mùa, trúng giá kéo dài gần cả năm nay. Niềm vui đó, trước mắt sẽ còn kéo dài đến tận cuối năm 2023 và xa hơn theo dự báo là đến vụ Đông - Xuân 2023 - 2024. 'Thời tới, cản hổng nổi'! đã và đang là câu nói vui của người trồng lúa vì không chỉ bán được giá cao, lợi nhuận nhiều, mà quan trọng hơn, đây còn là thời điểm hiếm hoi họ có thể mặc cả với thương lái hay doanh nghiệp một cách ngang hàng và sòng phẳng.
Bước vào thu hoạch vụ lúa Đông - Xuân 2022 - 2023 đến nay, tuy cũng có đôi lúc biến động nhưng nhìn chung giá lúa luôn giữ được ở mức cao, hơn cả sự mong đợi của nhà nông. Còn nhớ, trong năm 2022, dù nhà nông vẫn bán được lúa với giá khá cao, nhưng mức lợi nhuận thì không như ý, do giá vật tư đầu vào đều ở mức cao. Năm nay thì khác hẳn. Nhờ chính sách bình ổn kịp thời của Chính phủ, sự vào cuộc quyết liệt của các bộ, ngành và địa phương, nên giá hầu hết các loại vật tư đầu vào thiết yếu phục vụ trồng lúa đều được trả về giá trị thực của nó. Trong khi đó, giá lúa lại tăng lên từng ngày, góp phần đong đầy thêm niềm vui của nhà nông trong suốt từ đầu năm đến nay.
Nông dân tranh thủ thu hoạch để kịp xuống giống vụ mới vì lúa đang có giá cao.Ảnh: TÍCH CHU
Hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo đều tăng lượng mua vào, một mặt là để đáp ứng các đơn hàng đã ký kết, mặt khác để có nguồn dự trữ cho các hợp đồng tiếp theo. Nguyên nhân là do nhiều nước tăng mua dự trữ, trong khi một số nước sản xuất lúa gạo lớn như Ấn Độ lại ngưng xuất khẩu, còn Thái Lan thì khuyến khích nông dân hạn chế trồng lúa do lo ngại siêu El Nino sẽ gây thiệt hại trong mùa khô này. Những diễn biến thị trường trên cho thấy, giá gạo xuất khẩu nhiều khả năng sẽ lại thiết lập đỉnh mới như đã từng xảy ra vào năm 2008. Đúng là thời đang tới với nhà nông nói riêng và ngành lúa gạo cả nước nói chung, nên từ nhà nông cho đến thương lái, doanh nghiệp… đều hết sức tranh thủ để nắm bắt cơ hội này một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
Giá gạo trắng loại 5% tấm của Việt Nam bình quân đã đạt mức 590 USD/tấn (giá FOB) vào ngày 4/8, thậm chí có doanh nghiệp cho biết đã ký được hợp đồng với mức giá 620 - 660 USD/tấn cho loại gạo này. Tuy vậy, theo các doanh nghiệp, mức giá này vẫn rất khó đứng vững trong thời gian tới, mà khả năng sẽ còn tăng thêm, do nhiều nước lo ngại thời tiết cũng như kinh tế thế giới đang có những diễn biến phức tạp. Điều này lý giải một phần vì sao chỉ trong vòng 1 tuần qua (từ ngày 4 - 10/8), các doanh nghiệp phải điều chỉnh mức giá thu mua lúa tăng thêm từ 200 - 600 đồng/kg, nhưng nông dân vẫn còn kỳ kèo chưa chịu ký. Tình trạng bẻ kèo hợp đồng thời gian gần đây liên tục xảy ra, ngay cả khi đã nhận tiền cọc, nhưng nếu doanh nghiệp không điều chỉnh giá lên theo thị trường, nhà nông sẵn sàng bồi thường số cọc đã nhận theo hợp đồng đã ký kết.
Diễn biến thị trường lúa gạo đầy tính hấp dẫn đối với cả nhà nông lẫn doanh nghiệp, nên gần như chắc chắn, diện tích gieo sạ lúa Thu - Đông sẽ tăng cao so với năm trước. Giá lúa hiện tại phần lớn đều đạt ngưỡng 7.500 đồng/kg, nhưng ngay thời điểm, khi một số trà lúa chỉ mới vào giai đoạn đẻ nhánh cũng đã có thương lái đến đòi đặt cọc với mức giá cao hơn ngưỡng hiện tại. Khác với những năm trước, nhờ nắm bắt tốt thông tin thị trường qua các phương tiện truyền thông đại chúng, nên đa phần nhà nông chưa chịu nhận cọc cho dù có những đề nghị mức giá lên đến 8.000 đồng/kg. Bởi theo họ, từ nay đến cuối năm, sản lượng lúa vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ không còn dồi dào, trong khi nhu cầu nhập khẩu gạo từ một số nước ngày càng tăng, nên khả năng giá lúa đến lúc thu hoạch sẽ đạt mức từ 8.500 đồng/kg trở lên.
Giá lúa liên tục tăng chắc chắn sẽ là tin vui đối với nhà nông, nhưng đối với doanh nghiệp, mọi thứ không hẳn đã thuận lợi hoàn toàn. Theo các doanh nghiệp, đối với các hợp đồng ký kết trước đây, nếu có nguồn hàng sẵn trong kho thì đỡ, nhưng nếu ký trước sau đó mới triển khai mua lúa thì nguy cơ thua lỗ rất cao, do nhà nông sẵn sàng xù hợp đồng, bồi thường tiền cọc nếu doanh nghiệp không tăng giá thu mua lên ngang với mặt bằng chung lúc thu hoạch. Ngoài Ấn Độ, gần đây còn có thêm Nga và UAE thông báo ngừng xuất khẩu gạo đến hết năm 2023 để hỗ trợ thị trường trong nước khiến thị trường thế giới và trong nước càng thêm biến động, áp lực rủi ro đối với doanh nghiệp càng lớn.
Như vậy có thể thấy, tuy thời cơ đã và đang đến với cả doanh nghiệp lẫn nhà nông sản xuất lúa gạo, nhưng kèm theo đó cũng không ít những rủi ro khó lường. Tuy nhiên, nói gì thì nói, năm 2023 này vẫn sẽ là một năm thành công của người trồng lúa nói riêng và ngành lúa gạo cả nước nói chung khi hội tụ cả 3 yếu tố: thiên thời - địa lợi - nhân hòa.
Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/nong-nghiep/lua-trung-gia-nha-nong-phan-khoi-66927.html