Lừa xuất khẩu lao động, chiếm đoạt tài sản để chơi tiền ảo

Thấy nhiều người có nhu cầu đi lao động, du lịch Hàn Quốc, Cường nảy sinh ý định lừa đảo, chiếm đoạt tiền của người khác. Sau đó, anh ta dùng tiền này để chơi tiền ảo trên mạng.

Bị cáo tại tòa.

Bị cáo tại tòa.

Ngày 1/8, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Lê Quý Cường (SN 1994, ở huyện Hoằng Hóa, Thanh Hóa) ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Bị hại trong vụ án là 10 người.

Theo cáo trạng, Cường làm nghề lao động tự do, không có chức năng, không được cấp phép đưa người đi xuất khẩu lao động tại nước ngoài. Cuối tháng 5/2022, Cường thấy nhiều người có nhu cầu đi lao động nước ngoài, đi du lịch Hàn Quốc nên nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tiền của những người. Thủ đoạn Cường sử dụng là dùng tài khoản Facebook “Cường Lê” đăng thông tin tìm người có nhu cầu đi lao động tại Hàn Quốc, đi du lịch không cần visa tại đảo Jeju, Hàn Quốc.

Tin tưởng vào lời quảng bá trên, một số người có nhu cầu đã liên lạc với Cường. Lúc này, Cường yêu cầu họ chuyển tiền để mua vé máy bay, chuyển tiền làm thủ tục xin visa. Khi bị hại chuyển tiền, Cường chiếm đoạt để chi tiêu cá nhân mà không liên hệ với cơ quan, tổ chức hay cá nhân nào để làm thủ tục cho họ đi Hàn Quốc.

Để tránh bị phát hiện hành vi lừa đảo, Cường truy cập trang web Abay.vn, nhập thông tin cá nhân của bị hại đăng ký mua vé máy bay đi Hàn Quốc rồi chụp lại hình ảnh, gửi cho bị hại để tạo niềm tin. Do Cường không thanh toán vé nên trong 24h vé máy bay tự hủy.

Bằng thủ đoạn trên Cường đã chiếm đoạt tiền của 10 người với số tiền hơn 700 triệu đồng. Trong đó có anh Nguyễn Huy Tưởng (SN 1978) và anh Đàm Xuân Bằng (SN 1980), đều ở Bắc Ninh.

Hồ sơ vụ án thể hiện, do có nhu cầu đi xuất khẩu lao động tại Hàn Quốc, tháng 8/2022, anh Tưởng và anh Bằng đã tìm hiểu trên mạng xã hội. Quá trình tìm kiếm, họ thấy tài khoản Facebook “Cường Lê” đăng tin đưa người đi lao động Hàn Quốc theo diện E8-2 (diện cô dâu người Việt bảo lãnh cho người thân đi làm nông nghiệp ngắn hạn tại Hàn Quốc) nên liên hệ. Cường báo giá làm thủ tục là 3.500 USD/1 người (không bao gồm vé máy bay và phí làm visa).

Gặp nhau tại một quán cà phê ở Hà Nội, anh Tưởng và anh Bằng đã góp tiền, đưa cho Cường số tiền hơn 70 triệu đồng. Cường hứa hẹn anh Tưởng và anh Bằng sẽ được cấp visa E8-2 trước ngày 15/10/2022. Thực tế, sau khi nhận tiền, Cường không làm thủ tục đi xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc cho anh Tưởng và anh Bằng mà sử dụng số tiền trên để chơi tiền ảo hết.

Đến ngày 21/8/2022, Cường gọi điện, yêu cầu anh Tưởng, anh Bằng chuyển 10.000 USD (tương đương 240 triệu đồng) để mở sổ tiết kiệm tại ngân hàng nhằm chứng minh tài chính. Tin là thật nên hai anh này đến ngân hàng chuyển tiền cho Cường mở sổ tiết kiệm.

Tuy nhiên đến ngày 15/10, hai anh này vẫn không đi được Hàn Quốc. Lúc này, Cường lấy lý do vướng mắc thủ tục để bảo họ tiếp tục chờ. Quá hạn, hai người đàn ông trên đã đòi lại tiền. Do Cường không trả, anh Tưởng và anh Bằng đã làm đơn tố cáo Cường đến cơ quan công an.

Quá trình điều tra làm rõ, Cường sử dụng tiền chiếm đoạt của các bị hại để chơi tiền ảo trên ứng dụng có tên trang TCBS, cá cược trực tuyến web W88. Cơ quan điều tra đã tiến hành cho Cường tự đăng nhập vào tài khoản trên. Cường khai, trước đây sử dụng điện thoại di động Iphone X để đăng nhập tài khoản chơi tiền ảo và cá cược trực tuyến, điện thoại này đã mất, Cường không nhớ tài khoản, mật khẩu đăng nhập trang TCBS nên không thể trích xuất dữ liệu. Do đó, cơ quan điều tra không có căn cứ xử lý.

Với hành vi lừa đảo, chiếm đoạt hơn 700 triệu đồng của 10 bị hại, Cường bị HĐXX TAND TP Hà Nội tuyên phạt 7 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”./.

Hồng Mây

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/lua-xuat-khau-lao-dong-chiem-doat-tai-san-de-choi-tien-ao-post520401.html