Luân canh lúa - màu góp phần cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất

Để thực hiện chuyển đổi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, những năm gần đây, người dân xã Ngọc Biên, huyện Trà Cú đã mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây màu hoặc luân canh lúa - màu đem lại hiệu quả cao, góp phần thúc đẩy kinh tế của địa phương phát triển.

Nông dân Từ Ngọc Ngà, ấp Giồng Cao, xã Ngọc Biên chia sẻ kỹ thuật chăm sóc ớt nhằm kéo dài thời gian thu hoạch.

Nông dân Từ Ngọc Ngà, ấp Giồng Cao, xã Ngọc Biên chia sẻ kỹ thuật chăm sóc ớt nhằm kéo dài thời gian thu hoạch.

Đậu phộng là một trong những cây trồng được người dân trong xã chọn thực hiện chuyển đổi trên đất lúa mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp 03 - 05 lần so với đất trồng chuyên lúa trước đó. Ưu điểm của trồng đậu phộng góp phần cải tạo, tăng độ phì nhiêu của đất cũng như năng suất các loại cây trồng khác, tăng hiệu quả trên cùng đơn vị diện tích.

Nông dân Trần Văn Chánh, ấp Rạch Bót, xã Ngọc Biên là một trong những nông dân tiên phong chuyển đổi trồng đậu phộng trên 10 năm qua. Ông Chánh cho biết: đầu tiên, ông trồng thử nghiệm 0,2ha đậu phộng trên đất lúa, thời gian đầu chuyển đổi do thiếu kinh nghiệm cũng như kỹ thuật sản xuất nên sản lượng đạt 1,4 tấn đậu phộng tươi, lợi nhuận 03 - 04 triệu đồng/0,1ha, cao gấp 03 - 05 lần so với trồng lúa. Do đó, những năm tiếp theo, ông mở rộng diện tích chuyển đổi 01ha đất lúa sang trồng đậu phộng và duy trì cho đến nay.

Nhờ đúc kết kinh nghiệm trồng nhiều năm và tham gia các lớp tập huấn ứng dụng khoa học - kỹ thuật nên những năm gần đây năng suất và chất lượng đậu phộng nâng cao, lợi nhuận nhiều. Với diện tích trên, năng suất đạt từ 09 - 10 tấn/ha, giá bán 16.000 - 17.000 đồng/kg, lợi nhuận 80 triệu đồng/ha. So với những hộ dân khác, năm nay nhờ đất gò cao xuống giống đậu phộng vụ đông - xuân sớm nên bán được giá cao.

Ông Chánh cho biết thêm: nhờ thực hiện chuyển đổi luân canh 01 vụ lúa - 02 vụ màu (đậu phộng và bắp ăn) đời sống kinh tế gia đình ngày càng ổn định và vươn lên trở thành hộ khá. So với đậu phộng, trồng bắp ăn (bắp nếp) tuy năng suất cao, nhưng giá bán thấp hơn 50%, lợi nhuận thấp hơn. Năng suất bắp ăn bình quân 15 tấn/ha, giá bán 6.000 đồng/kg, lợi nhuận đạt 30 triệu đồng/ha. Song song với sản xuất luân canh lúa - màu, ông còn nuôi 07 con bò sinh sản mỗi năm cho thu nhập 30 triệu đồng.

So với trước đây, vùng đất này nông dân trồng lúa lợi nhuận đạt từ 15 - 20 triệu đồng/ha, nay chuyển sang trồng đậu phộng nông dân lợi nhuận bình quân 70 - 80 triệu đồng/ha. Ngoài sản xuất cây đậu phộng, nông dân trên địa bàn xã chuyển đất lúa sang trồng ớt chỉ thiên, nhất là việc ứng dụng khoa học - kỹ thuật trồng ớt trong nhà lưới sản xuất theo hướng hữu cơ từ năm 2019 đến nay và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm mang lại lợi nhuận rất cao.

Nông dân Từ Ngọc Ngà, ấp Giồng Cao, xã Ngọc Biên từ khi thay đổi phương pháp trồng ớt chỉ thiên truyền thống sang trồng trong nhà lưới trên diện tích 01ha nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, hạn chế sâu bệnh, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm và bán được giá cao.

Ông Ngà cho biết: những năm trước ông trồng ớt chỉ thiên chủ yếu sản xuất theo phương pháp truyền thống năng suất thấp, giá bán bấp bênh không ổn định. Năm 2019 ông đầu tư nhà lưới trồng ớt chỉ thiên và kết nối với Công ty TNHH MTV hạt giống Chánh Nông bao tiêu sản phẩm ớt với giá 50.000 đồng/kg, kinh tế gia đình ngày càng phát triển.

Ưu điểm của ớt chỉ thiên trồng trong nhà lưới hạn chế sử dụng thuốc hóa học, sâu bệnh gây hại… đem lại năng suất cao, đặc biệt là trồng ớt trong nhà lưới kéo dài thời gian thu hoạch hơn so với trồng ở ngoài nhà lưới. Ớt chỉ thiên trồng khoảng 75 ngày bắt đầu cho thu hoạch, thời gian thu hoạch từ 06 - 08 tháng tùy theo người trồng và chăm sóc. So với ớt trồng truyền thống năng suất đạt từ 1,8 - 2,3 tấn/0,1ha, ớt trồng trong nhà lưới năng suất đạt khoảng 03 tấn/0,1ha. Ớt trồng trong nhà lưới theo hướng hữu cơ chuẩn châu Âu được doanh nghiệp bao tiêu hiện nay 50.000 đồng/kg, nông dân lợi nhuận đạt 100 triệu đồng/0,1ha.

Đồng chí Thạch Thanh, công chức nông nghiệp xã Ngọc Biên cho biết: hiện toàn xã có 1.827ha đất nông nghiệp, trong đó có 1.650ha đất trồng lúa. Nhận thấy mô hình chuyển đổi đất lúa sang trồng màu đem lại hiệu quả cao, những năm qua, xã khuyến cáo, vận động người dân trên địa bàn mạnh dạn chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh, luân canh hoa màu trên đất lúa, góp phần nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững. Hàng năm xã có khoảng 350 - 400ha đất luân canh từ 02 - 03 vụ màu. Tính từ năm 2017 đến nay, xã đã hỗ trợ trên 976 triệu đồng cho người dân trong xã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng đậu phộng, rau màu, trồng cỏ,… với diện tích gần 220ha. Hiện nay đậu phộng và ớt chỉ thiên là 02 cây trồng được đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đối với cây đậu phộng, tuy giá bán không ổn định, chi phí đầu tư thấp phù hợp với điều kiện đất đai và kinh tế của người dân nên mỗi vụ sản xuất nông dân đều đạt lợi nhuận. Không những thế, trồng đậu phộng trên đất lúa góp phần trả lại nguồn dinh dưỡng cho đất, khi cây đậu phộng sau thu hoạch còn làm phụ phẩm phục vụ trong chăn nuôi.

Đối với cây ớt chỉ thiên, những năm gần đây nhờ được liên kết bao tiêu sản phẩm với giá cao, lợi nhuận nhiều. Do đó từ năm 2022 - 2023 xã đầu tư 08 nhà lưới cho nông dân tham gia đăng ký thực hiện mô hình trồng ớt trong nhà lưới với số tiền 800 triệu đồng. Riêng năm 2024, nông dân đăng ký 02 nhà lưới, hiện xã đang chờ bố trí kinh phí phân bổ cho nông dân, dự kiến năm 2025 xã đã đăng ký 65 nhà lưới trồng ớt và rau màu các loại nhằm giúp nông dân gia tăng sản xuất, thúc đẩy kinh tế gia đình, ổn định cuộc sống.

Bài, ảnh: MỸ NHÂN

Nguồn Trà Vinh: https://www.baotravinh.vn/kinh-te/luan-canh-lua-mau-gop-phan-cai-tao-tang-do-phi-nhieu-cua-dat-38791.html